Dự đoán mùa bão có 13 - 15 cơn bão. Thực tế có 16 cơn bão
Theo dữ liệu Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thông thường, trên biển Đông chỉ có khoảng 10 - 11 cơn bão hoạt động mỗi năm. Trước đó vào khoảng tháng 5/2017, theo nhận định của nhiều cơ quan khí tượng quốc tế, El Nino sẽ tái xuất trong năm mặc dù không khốc liệt như các năm trước xong nhiều khả năng sẽ xuất hiện các cơn bão mạnh, thậm chí là siêu bão.
Trước đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài - Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương - Tổng cục KTTV dự đoán trên báo Công an nhân dân rằng cả mùa bão năm 2017 có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông. "Mặc dù số lượng bão, ATNĐ có xu hướng giảm nhưng lại tiềm ẩn những cơn bão mạnh, hoạt động phức tạp. Các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho một năm bão ít nhưng tính bất quy luật tăng cao. El Nino còn kéo dài đến cuối năm 2017", ông Lâm nói.
Dù được dự báo như thế nhưng chỉ trong vòng nửa năm từ tháng 6 - tháng 12/2017 đã lần lượt xuất hiện 16 cơn bão lớn nhỏ hoạt động trên Biển Đông với nhiều diễn biến bất thường.
Đặc biệt vào những ngày cuối tháng 12/2017 bất ngờ xuất hiện cơn bão Tembin - cơn bão số 16 có cường độ mạnh hoạt động trên Biển Đông - điều mà lịch sử khí tượng chưa từng ghi nhận.
Nhìn lại từ cơn bão số 1 đến số 16 với những diễn biến bất thường trong năm 2017
Cơn bão số 1 (Bão Merbok) xuất hiện trên Biển Đông vào ngày 11/6 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10 và tuy nhiên ngay sau đó bão Merbok đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Dù không đổ bộ vào Việt Nam nhưng bão số 1 hình thành vùng xoáy thấp gây mưa cho các tỉnh miền Bắc.
Xuất hiện vào giữa tháng 7, bão số 2 (tên quốc tế là Talas) được dự báo là cơn bão mạnh với sức gió giật cấp 9 - 10 và đổ bộ vào khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh, trọng tâm là Nghệ An, mạnh nhất từ Cửa Lò - huyện Diễn Châu. Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 cũng đã gây thiệt hại khá nhiều khiến 1 người chết, 2.900 ngôi nhà bị đổ sập, tốc mái, 10.000 cây xanh bị gãy, đổ và hơn 4.500 ha lúa bị ngập úng... Nghiêm trọng nhất là vụ chìm tàu chở than VTB 26 trên đảo Hòn Ngư, trên tàu có 13 thuyền viên. Theo cơ quan khí tượng nhận định, bão số 2 đổ bộ vào miền Trung trong tháng 7 là tương đối trái quy luật.
Vào trung tuần cuối tháng 7 (22 - 27/7), cơn bão số 3 (tên quốc tế là Roke) và cơn bão số 4 nối đuôi nhau hình thành trên Biển Đông, có tên quốc tế là Sonca. Chiều 23/7, bão số 3 – Roke sau khi đổ bộ đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, vùng ATNĐ hình thành từ ngày 21/7 trên Biển Đông ngay lập tức đã mạnh lên thành bão số 4, có tên quốc tế là Sonca. Đến chiều 25/7, bão số 4 đổ bộ Quảng Trị, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy có cường độ nhẹ hơn bão số 2 nhưng cũng khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, và cây đổ ở Quảng Trị.
Đến cuối tháng 7, cơn bão số 5 (có tên quốc tế Haitang) đã xuất hiện trên khu vực Bắc Biển Đông và đi vào đất liền khu vực tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trong nửa cuối tháng 8/2017, liên tiếp xuất hiện 2 cơn bão trên Biển Đông. Khi cơn bão số 6 (tên quốc tế là Pakhar) đổ bộ vào trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), ngay lập tức một cơn bão mới hình thành ngoài khơi đảo Lu-dông (Philippines) và đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 7 - được dự báo là 1 cơn bão mạnh. Tuy nhiên, đến ngày 27/8, bão số 7 đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) gây mưa nhiều ngày cho một số tỉnh miền Bắc.
Cơn bão số 8 (tên quốc tế là Mawar) và cơn bão số 9 (tên quốc tế là Guchol) hình thành trên Biển Đông vào đầu tháng 9 tuy nhiên đều đổ bộ vào các tỉnh của Trung Quốc và nhanh chóng suy yếu thành ATNĐ.
Đến giữa tháng 9, cơn bão số 10 (Doksuri) với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình đã gây thiệt hại trên diện rộng từ Nghệ An tới Thừa Thiên - Huế. Theo đó, siêu bão Doksuri được xem là cơn bão lớn nhất trong vài năm trở lại đây nên sức tàn phá của nó hết sức khủng khiếp. Người dân và chính quyền địa phương đã làm mọi thứ có thể để phòng tránh, nhưng thiệt hại mà bão gây ra vẫn rất nặng nề. Theo thống kê vào chiều 16/9, bão số 10 đã làm 4 người chết, 8 người bị thương (Nghệ An 1 người, Quảng Bình 6 người, Huế 1 người) và gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng như làm tốc mái, hư hỏng gần 24.000 ngôi nhà, nhiều tàu thuyền bị đánh chìm, hệ thống đê điều bị sạt lở nặng.
Khi các địa phương đang gồng mình khắc phục hậu quả của mưa lũ thì trên Biển Đông đã xuất hiện cơn bão số 11 (tên quốc tế Khanun), tuy nhiên ngay sau đó, nó nhanh chóng suy yếu thành ATNĐ trên biển vào ngày 16/10.
Ngày 4/11, bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) giật cấp 15 đã đổ bộ vào Khánh Hòa. Đây được đánh giá là một cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào Nha Trang từ trước đến nay, vượt qua các cơn bão lịch sử năm 1988, 1993, 2009. Chỉ vài giờ ngắn ngủi sau khi tâm bão đi qua đã khiến 106 người đã thiệt mạng, 25 người mất tích do mưa bão.
Dù đã có dự báo về cường độ mạnh của bão nhưng do bão số 12 đổ bộ vào khu vực ít xảy ra bão lũ, nên người dân và chính quyền cơ sở có phần chủ quan, chưa có kinh nghiệm ứng phó nên đã gây ra những hậu quả nặng nề.
Đến ngày 13/11, cơn bão số 13 (Haikui) đã hình thành ngoài khơi và tan nhanh trên biển, thành một vùng ATNĐ. Dù trước đó, được dự đoán là cơn bão mạnh, kịch bản xấu nhất được đặt ra là bão số 13 sẽ "bẻ lái" hướng thẳng vào miền Trung.
Sáng 19/11, cơn bão số 14 (có tên quốc tế là Kirogi) sau khi đi vào khu vực vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận, đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gần bờ. Dù bão số 14 không vào đất liền tuy nhiên TP.HCM vẫn chịu ảnh hưởng từ hoàn lưu bão gây mưa, gió mạnh khiến nhiều cây xanh ngã, đổ; các biển quảng cáo bị gió quật tả tơi, làm tốc mái 78 căn nhà, 88 phòng trọ; ngã đổ 7 trụ điện và 134 cây xanh.
Những ngày cuối tháng 12, dù đã là cuối mùa mưa bão nhưng trên Biển Đông liên tục xuất hiện hai cơn bão liên tiếp, "uy hiếp" các tỉnh Nam Bộ. Sáng 14/12, tâm bão số 15 (tên quốc tế Kai-tak) nằm ở phía tây nam quần đảo Trường Sa và sau đó suy yếu thành ATNĐ trên biển. Tuy nhiên khi cơn bão Kai-tak chưa tan, bão Tembin ngấp nghé vào Biển Đông. Cơn bão số 16 được đánh giá là cơn bão muộn và mạnh chưa từng có hướng vào khu vực Nam Bộ và có diễn biến, đường đi bất thường.
Các đài dự báo của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông đều cho rằng bão số 16 sẽ đổ bộ và đất liền nước ta với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, hướng vào Nam Bộ, đặc biệt khu vực Cà Mau và Côn Đảo là nơi sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ cơn bão. Ngay từ khi nhận được thông tin cơn bão số 16 có khả năng đổ bộ, nhiều người dân đã thu dọn đồ đạc đi tránh bão.
Tuy nhiên, sáng 26/12, bão số 16 - Tembin bất ngờ suy yếu và tan trên vùng biển phía nam Cà Mau khiến người dân Nam Bộ thở phào nhẹ nhõm. Theo Trung tâm khí tượng nhận định, "Tuy nhiên tất cả các nước đều không dự báo đúng diễn biến của bão từ sau đó, nhất là về tốc độ suy yếu nhanh của bão".
Theo K.A (Thời Đại)