'Nhiều trường hợp khi khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai'

26/11/2024 10:54:56

“Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế; còn nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Sáng nay 26/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra từ cơ quan của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có chức năng PCTNTC đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

'Nhiều trường hợp khi khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai'
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, báo cáo thể hiện rõ, các cơ quan điều tra trong lực lượng Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án với 3.897 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã đề nghị truy tố 856 vụ án với 2.686 bị can­­. Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã điều tra 23 vụ án với 70 bị can; đề nghị truy tố 11 vụ án với 57 bị can.

Viện kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 1.186 vụ với 3.869 bị can, đã giải quyết 1.006 vụ với 3.242 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp đã giải quyết sơ thẩm 1.154 vụ với 3.201 bị cáo về các tội phạm tham nhũng; đã xét xử 917 vụ với 2.418 bị cáo.

Tổng số việc phải thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 12.877 việc, có điều kiện thi hành 10.944 việc, đã thi hành xong 9.211 việc.

Tuy vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục.

“Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn”, theo ông Đoàn Hồng Phong.

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ còn hạn chế

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp cũng khẳng định, năm 2024, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Cùng với đó tích cực áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tài sản đã thu hồi tăng mạnh về việc và tăng cao hơn về tiền so với cùng kỳ năm 2023.

'Nhiều trường hợp khi khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai' - 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng chưa chuyển biến.

Ủy ban Tư pháp cũng nhận thấy tình trạng vi phạm việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng ở một số địa phương còn thấp.

“Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế; còn nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Ngoài ra, tổ chức bộ máy ở một số cơ quan, đơn vị còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; một số thủ tục hành chính còn nhiều rào cản, rườm rà.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn diễn ra.

“Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả” - Ủy ban Tư pháp đánh giá, đồng thời đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống hiệu quả.

Cơ quan này cũng kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên, khoáng sản...; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Ngọc Thành (VOV.vn)