Khuya 24/12, ghi nhận của chúng tôi tại cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau) nhiều tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn. Một số tàu đánh bắt gần bờ tiếp tục quay về. Lực lượng bộ đội biên phòng thường xuyên thông báo người dân không được ở lại trên tàu mà cương quyết phải vào bờ trú bão.
Thị trấn Cái Đôi Vàm có tất cả 525 phương tiện đánh bắt, trong đó có 142 phương tiện đánh bắt dưới 20 CV, đã vào bờ được 520 chiếc.
“Ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân có 3 tàu cố tình cắt đứt liên lạc tiếp tục đánh bắt cá. Sau khi đồn biên phòng đến tận nhà động viên người thân khuyên thì ba tàu chấp nhận quay vào bờ. Tối 24/12 đã có 2 tàu vào bờ, chỉ còn 1 tàu đang trên đường vào”, thượng úy Vương Hải Hồ, trạm trưởng trạm biên phòng Cái Đôi Vàm nói.
Tối 24/12, thượng tá Võ Văn Sử, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau (BĐBP) cho biết đến nay các đồn biên phòng đã liên lạc với các tàu cá thông báo về thông tin cơn bão số 16. Hầu hết tàu thuyền đã chấp hành việc vào bờ neo đậu an toàn.
Theo ông Sử, đơn vị đã phân các tổ công tác về các cửa biển trong tỉnh trực tiếp chỉ đạo các đồn biên phòng tiếp tục phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi ngư dân đang hoạt động trên biển, đặc biệt các phương tiện hoạt động gần khu vực nguy hiểm biết vị trí, diễn biến của bão số 16 nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
Thị trấn cửa biển được xem là lớn nhất Cà Mau Sông Đốc có 1.449 tàu cá. Tối 24/12 đã có 1.018 tàu vào bờ trú bão theo thông báo của đồn biên phòng Sông Đốc.
Đợt này có 261 tàu của các tỉnh khác vào cửa biển Sông Đốc tránh trú bão, nâng số tàu neo đậu ở khu vực cửa biển Sông Đốc 1.279 tàu, với 8.799 thuyền viên.
Theo trạm biên phòng Sông Đốc hiện còn 558 tàu, với 4.053 thuyền viên của ngư dân Sông Đốc chưa vào bờ. Trong số này, có 31 tàu (211 thuyền viên) đánh bắt xa bờ xin vào vùng biển Thái Lan, 96 phương tiện xin vào vùng biển Malaysia tránh trú. Số còn lại vào các đảo Thổ Châu, Hòn Chuối… tránh bão
Tại thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), hiện có 191 tàu thuyền hoạt động thì chỉ còn 2 tàu thuyền đang gấp rút di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Khu neo đậu, tránh trú bão của thị trấn cũng đã tiếp đón hàng ngàn lượt tàu thuyền từ các tỉnh lân cận về tránh bão.
Chỉ đạo tại cuộc họp khẩn với các sở, ban ngành tỉnh Cà Mau ngày 24/12, ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh việc kêu gọi và cấm biển tàu thuyền là cực kỳ quan trọng và cương quyết thực hiện nghiêm túc.
Ông Hải cho biết bão Linda năm 1997, hầu hết số nạn nhân thiệt mạng do bão là ngư dân trên biển. Các đồn biên phòng phối hợp cùng lực lượng công an tỉnh cương quyết cưỡng chế, có biện pháp mạnh xử lý trường hợp các tàu thuyền không chấp hành. Trường hợp tàu thuyền cố ý không vào bờ trú bão, cần thiết địa phương không cấp phép ra khơi sau bão.
Kiên Giang cấm tàu vận tải hành khách từ ngày 25/12
Tối 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã ký ban hành công điện khẩn cấm toàn bộ tàu thuyền vận tải hành khách và hàng hóa xuất bến kể từ 0h ngày 25/12.
Trong công văn hỏa tốc nêu rõ các huyện, thành phố tỉnh Kiên Giang phải khẩn trương di dời dân, các đối tượng ưu tiên phải được di dời xong trước 12h trưa 25/12, các đối tượng còn lại phải di dời xong trước 17h cùng ngày. Ước tính, toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 300 ngàn hộ dân cần di dời để tránh bão số 16.
Các lực lượng chức năng phải đảm bảo tuyệt đối không để còn người ở lại trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản hoặc chòi canh. Toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tạm nghỉ trong 2 ngày 25 và 26/12.
Theo Phước Tuần (Tri Thức Trực Tuyến)