Nhiều người 'sốc' vì 6 tháng dương tính… 3 lần: Chuyên gia nói gì?

04/03/2022 09:50:45

Nhiều người dân, thậm chí là nhân viên y tế cảm thấy bất ngờ, lo lắng khi chỉ trong thời gian ngắn đã có kết quả xét nghiệm mắc Covid-19 đến lần thứ 3.

Những ngày qua, số ca Covid-19 ở Việt Nam tăng liên tục, ngày 3/3 lên đến gần 119.000 ca/ngày. Trong số này, không ít người đã từng là F0 nhưng lại tiếp tục tái mắc, thậm chí tái mắc nhiều lần.

Chia sẻ với PV Dân trí, P.N., một sinh viên mới ra trường tại TPHCM ngao ngán cho biết, cô vừa thành F0 lần thứ 3.

Trước đó vào ngày tháng 8/2021 khi đã tiêm mũi 2 vaccine đủ 14 ngày, N. thấy mắt bị đỏ, xuất hiện ho, đau họng nên chủ động test nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính. Vì không thấy triệu chứng quá nghiêm trọng, cô gái uống thuốc theo đơn của một bác sĩ, tự điều trị tại nhà và âm tính sau 14 ngày. Đến giữa tháng 11/2021, N. lại thấy nhức đầu liên tục tên tiếp tục mua test nhanh về thử và lại "2 vạch". Lúc này, N. uống thuốc panadol và âm tính sau 3 ngày.

Đến tháng 2 năm nay (tức sau 3 tháng mắc bệnh lần cuối), N. thấy đau cơ, mệt mỏi suốt một tuần và ho có đờm. Không nghĩ mình lại dính Covid-19, cô gái chỉ uống thuốc ho bình thường nhưng không khỏi. Trước tình trạng tức ngực, khó thở kéo dài, N. mới bắt đầu nghi ngờ và tá hỏa khi xét nghiệm lại cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

"Cả ba lần dương tính của tôi đều thông qua test nhanh. Vì cả tuần mới phát hiện bệnh nên tôi không uống thuốc kháng virus Molnupiraviz" - N. nói.

Cũng như vậy, chị Vũ Thanh (36 tuổi, trú tại Tân Bình, TP.HCM) cho biết vừa mắc Covid-19 đầu tháng 2 thì đến nay lại dương tính lần nữa.

Nhiều người 'sốc' vì 6 tháng dương tính… 3 lần: Chuyên gia nói gì?
Ảnh minh họa

Thông tin trên báo Infonet chị Thanh kể, mùng 5/2 chị từ miền Bắc vào TP.HCM và có triệu chứng đau họng, mất khứu giác. Chị đi test thì được chẩn đoán dương tính với Covid-19.

Sau đó, chị Thanh tự theo dõi cách ly tại nhà 7 ngày, test lại âm tính. Vì đã khỏi Covid-19 nên chị Thanh nghĩ rằng mình sẽ không có nguy cơ nhiễm bệnh lại nữa. Ngày 25/2, con gái chị Thanh đi học về kêu đau họng, rát họng và hôm sau bé sốt cao. Chị Thanh cho con test nhanh kết quả dương tính với Covid-19.

Chị Thanh chăm sóc con bị Covid-19 và vẫn đeo khẩu trang nhưng trong nhà có chị đã mắc nên chị nghĩ mình “bất tử”. Đến ngày 1/3, chị Thanh thấy đau rát họng, cảm giác rát cổ như có quả cầu gai ở cổ. Chị Thanh test nhanh vẫn âm tính nên nghĩ do cảm cúm.

Đến chiều 2/3, chị Thanh tiếp tục test lại lần nữa thì choáng vì lên hai vạch đỏ. Bác sĩ tư vấn cho gia đình chị Thanh cho rằng chị nhiễm Covid-19 lần hai và lần trước là biến chủng Delta lần này là biến chủng mới Omicron.

Khi biết mình tái nhiễm, chị Thanh không khỏi sốc nên lúc nào cũng hi vọng bệnh nhẹ nhàng. Lần một nhiễm Covid-19 chị Thanh chỉ mất khứu giác, vị giác, hơi đau mỏi xương khớp nhưng lần hai thì đau họng, rát họng nhiều hơn lần trước, không có triệu chứng của toàn thân.

Cũng 3 lần trở thành F0 là anh Mạnh (27 tuổi, tên đã thay đổi), điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu (ICU), Bệnh viện Nam Sài Gòn. Anh Mạnh cho biết thời điểm tháng 8/2021, anh cùng các đồng nghiệp tham gia chống dịch, trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. Chỉ một thời gian ngắn, anh được xác định dương tính thông qua xét nghiệm PCR.

Điều trị 2 tuần, nhân viên y tế này xét nghiệm PCR lại thì cho kết quả âm tính. Nhưng đến lần xét nghiệm PCR lần 3 để đủ điều kiện xuất viện, anh tái mắc Covid-19. Với triệu chứng ho sốt nhẹ, anh được các bác sĩ cho uống thuốc cảm thông thường, dùng kháng sinh và vitamin.

Tưởng đã "yên thân" với Covid-19 sau 6 tháng thì một tuần trước, anh Mạnh thấy đau rát họng khi vẫn đang làm nhiệm vụ điều trị F0. Anh lại được xét nghiệm PCR và ngỡ ngàng khi mình lại… mắc bệnh.

"Tôi không nghĩ mình "xui" vậy, đến giờ vẫn chưa dám báo với gia đình rằng mình dương tính lần 3. Tôi không thấy gì bất thường ngoài đau họng, nên vẫn ở lại hỗ trợ các đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong viện" - anh Mạnh chia sẻ.

Trao đổi với PV Dân Trí xoay quanh vấn đề F0 tái mắc nhiều lần, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, về mặt khoa học việc tái nhiễm sau khi mắc bệnh hoặc bị nhiễm đột phá là hiện tượng có thể xảy ra. Bởi vì khi bị mắc bệnh, dù đã có kháng thể hoặc tiêm vaccin tạo kháng thể, nhưng kháng thể chủ yếu nằm trong máu. Trong khi đó, virus xâm nhập vào niêm mạc đầu tiên, gây bệnh và sau đó mới phổ rộng kháng thể lên.

Theo chuyên gia, việc tiêm chủng có hiệu quả phòng ngừa mắc bệnh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Do đó việc nhiều người cho rằng tiêm vaccin rồi nhưng vẫn bị mắc do kháng thể thấp là điều hiển nhiên. PGS Dũng lý giải, sau một thời gian tiêm thì lượng kháng thể sẽ giảm đi. Quan trọng là khả năng tạo kháng thể của cơ thể vẫn còn, để ngăn cản sự tiến triển bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Đồng tình với ý kiến trên, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó Trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho rằng, việc tái mắc Covid-19 có thể xảy ra dù tiêm đủ vaccine. Thực tế, bà đã chứng kiến các trường hợp là giáo viên, công an, nhân viên siêu thị… những người làm nghề tiếp xúc nhiều ngoài cộng đồng trở thành F0 lần 2, lần 3.

Nguyên nhân là kháng thể sản sinh trong cơ thể không kéo dài bền vững, một phần do virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện biến chủng mới. Đồng thời, cũng không loại trừ trường hợp dương tính giả, dương tính kéo dài dù không còn triệu chứng. Khi người dân test nhanh Covid-19 trong tình hình hiện tại, chưa biết kết quả chính xác hay không nhưng khi khai báo, cơ quan chức năng cũng chấp nhận và cho nghỉ ngơi ở nhà.

Chia sẻ trên Infonet, PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Công cộng - Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tái nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra thậm chí bạn tiêm đủ 3 mũi vắc xin, mắc một lần thì vẫn tái nhiễm. Thông thường tái nhiễm là tái nhiễm chủng virus khác.

Hiện chủng virus Omicron đang lưu hành rộng rãi trong khi đó một số nghiên cứu cũng cho thấy khả năng tái nhiễm của Omicron. Nghiên cứu của Trường Imperial College London nhận định khả năng tái nhiễm của Omircon cao gấp 5 lần so với các biến thể khác. Cuối năm ngoái, các nhà nghiên cứu Nam Phi cũng nhận thấy tỉ lệ tái nhiễm trong làn sóng gây ra bởi Omicron cao hơn so với các đợt dịch trước đó.

Nhưng khi tái nhiễm bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hơn lần trước. Nhiều số liệu cũng cho thấy tải lượng virus ở lần tái nhiễm sau thấp hơn lần đầu, vì thế mà bệnh nhân thường có triệu chứng nhẹ hơn.

Những người đã mắc các biến thể trước đó như Delta, Alpha và Beta đều có thể mắc biến thể Omicron. Tuy nhiên, đến nay các cảnh báo ghi nhận đều ở thể nhẹ, giống với cảm lạnh thông thường.

Vì vậy, PGS Dũng khuyến cáo người bệnh không nên quá hoang mang lo lắng, nếu bạn là F0 nhẹ và không triệu chứng thì chỉ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, nghỉ ngơi, súc họng hàng ngày là đủ. Bởi vì bệnh nhân Covid-19 trong 5 ngày đầu thường điều trị triệu chứng là chính.

Nếu có triệu chứng thì dùng các thuốc điều trị triệu chứng theo phác đồ. Người có bệnh nền, người cao tuổi nên sử dụng thuốc kháng virus theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

NT (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật