Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh tình trạng tái nhiễm Covid-19 sau vài tháng, như chị Đ.T.M.L.(39 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) lại khởi phát bệnh chỉ sau một tháng. Nếu lần trước, chị không ho, chỉ sốt 1-2 ngày rồi dứt, thì lần thứ 2 "nặng nề" hơn.
Tương tự, cuối tháng 12/2021, anh P.Đ. (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) được xác định mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc với đồng nghiệp là F0. Khoảng 3-4 ngày tiếp theo, vợ anh và con trai 2 tuổi cũng nhận kết quả dương tính. Giữa tháng 1/2022, cả gia đình đủ điều kiện khỏi bệnh, được kết thúc cách ly. Tuy nhiên, đến nửa cuối tháng 2, anh Đ. rất bất ngờ khi biết gia đình mình một lần nữa mắc Covid-19. Dù các triệu chứng có nhẹ hơn so với đợt đầu, nhưng anh Đ. cho biết vợ chồng anh rất lo lắng, không ngờ tới việc tái nhiễm Covid-19 chỉ sau chưa đầy 2 tháng.
Trao đổi về vấn đề tái nhiễm Covid-19, thông tin trên báo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị, Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số những bệnh nhân ông từng điều trị, có trường hợp tái nhiễm Covid-19 sớm nhất 3 tuần.
Theo bác sĩ Phúc, các bệnh nhân tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ, được điều trị tại nhà. Hiện, vẫn chưa có bằng chứng khoa học hay thống kê cụ thể về việc người tái nhiễm có triệu chứng nặng hay nhẹ hơn so với lần đầu.
Trong khi đó, một chuyên gia y tế Hà Nội cho biết rất hiếm gặp trường hợp tái nhiễm sau một tháng khỏi bệnh. Một số người bệnh tổn thương nằm ở rìa phổi và ngoại vi, sau đó xác virus bị đẩy về phía trung tâm. Sau khi làm xét nghiệm PCR phát hiện dương tính, bởi xác virus dù đang sống hay chết, đều cho kết quả dương tính.
Để chính xác, các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khoẻ bệnh nhân, thậm chí nuôi cấy virus, để xác định virus sống hay chết. Nếu virus đang sống, thì mới khẳng định là tái nhiễm.
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, hiện đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ngay sau khi bệnh nhân mới khỏi bệnh.
Theo bác sĩ Hoàng, F0 sau thời gian điều trị, xét nghiệm PCR âm tính, nhưng sau đó lại tái dương tính, có thể do quá trình lấy mẫu chưa đúng. Hoặc, cơ thể người bệnh chưa hết hẳn virus, vẫn còn lại xác virus, nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên.
Bác sĩ Hoàng cho hay, để chắc chắn bệnh nhân tái nhiễm, cần giải trình tự gene. Nếu gene virus khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau, và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm.
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Nguyên Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, tình trạng tái nhiễm Covid-19 (tức đã mắc bệnh và khỏi, sau đó mắc lại) có thể xảy ra do một số nguyên nhân.
GS Kính phân tích, theo thời gian, kháng thể do SARS-CoV-2 tạo ra sau lần mắc đầu tiên sẽ bị giảm xuống. Điều này tương tự với việc tiêm vắc xin Covid-19. Sau tiêm vài ba tháng, kháng thể sẽ dần giảm. Đó là lý do ngành y tế khuyến cáo tiêm các mũi bổ sung.
Thứ hai, virus SARS-CoV-2 có nhiều chủng, ngoài các chủng cũ như chủng gốc, Alpha, Delta thì mới đây đã xuất hiện các chủng mới như Omicron. Bệnh nhân đã mắc chủng này có thể nhiễm thêm một chủng khác do giữa các chủng virus không có miễn dịch chéo cho nhau, miễn dịch tạo ra bởi chủng trước không “ngăn chặn nổi” chủng sau.
Như vậy, một người đã nhiễm Delta và khỏi bệnh thì sau đó vẫn có thể nhiễm Omicron. “Cũng giống như bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng virus gây bệnh. Nếu ở vùng dịch tễ, bệnh nhân có thể mắc cả 4 chủng đó vì không có miễn dịch chéo”, GS Kính thông tin.
Theo GS, hiện nay, các nghiên cứu chưa thể khẳng định được cơ chế cơ thể sẽ phản ứng mạnh hơn hay yếu hơn ở lần nhiễm sau. “Ví dụ, dịch sốt xuất huyết qua nhiều năm nghiên cứu, người ta thấy rằng tái nhiễm chủng thứ hai nguy cơ dễ dẫn tới sốc sốt xuất huyết hơn. Nhưng Covid-19 rất mới, chưa nghiên cứu được đầy đủ nên chưa thể khẳng định người bệnh có diễn tiến nặng hơn khi tái nhiễm hay không”, GS Kính nói.
Đồng quan điểm với GS Kính, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, nguyên tắc tái nhiễm là mang chủng khác. Nếu người bệnh hiện giờ phát hiện tái nhiễm, thì khả năng mắc chủng Omicron.
"Nếu F0 mắc chủng Delta khỏi bệnh, nhiễm lại khả năng mắc Omicron, nhưng nhẹ hơn", bác sĩ Khanh nói trên báo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị.
Các bác sĩ khuyến cáo để tránh nguy cơ tái nhiễm, những người từng nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh không nên chủ quan, vẫn cần tuân thủ tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
HL (Nguoiduatin.vn)