Những ai muốn xin về Việt Nam thì các đối tượng buộc người thân phải nộp tiền vào tài khoản của chúng từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng...
Ngày 28/6, Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Công an các địa phương ở tỉnh Thừa Thiên-Huế và Phòng CSHS Công an tỉnh liên tục tiếp nhận nhiều đơn trình báo về việc các trường hợp mất tích, bị cưỡng đoạt tài sản bắt nguồn từ tìm kiếm việc làm tại Campuchia nghi liên quan đến mua bán người, cưỡng bức lao động.
Trong đơn trình báo gửi đến Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, anh P.Đ.Th. (SN 1984, trú phường An Cựu, TP Huế) kể lại rằng, anh nhận được tin nhắn từ Zalo của người em trai P.Đ.T. với nội dung, trong thời gian T. đang làm công nhân tại công ty chuyên sản xuất hộp đóng giày ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh thì có một người đàn ông đến gặp và nói, ở Hà Nội có một công ty đang cần lao động, thu nhập sẽ gấp đôi so với chỗ làm hiện tại. Vốn hoàn cảnh khó khăn, muốn tìm công việc lương cao để phụ giúp gia đình nên T. đồng ý theo người đàn ông lạ mặt này ra Hà Nội. Sau khi lên xe của người đàn ông này thì gần 3 ngày sau đến một nơi được gọi là “công ty”. Tại đây, T. được giao chỉ tiêu lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khoảng 1 tháng bị buộc tham gia đường dây lừa đảo, môi giới khách hàng để hưởng hoa hồng, T. dò hỏi thì mới tá hỏa vì nơi anh đang ở không phải là Hà Nội mà trên đất Campuchia. T. biết công việc các đối tượng “ép” anh làm là lừa đảo, vi phạm pháp luật nên van xin được về Việt Nam thì các đối tượng yêu cầu, nếu muốn về phải gọi điện cho người thân bảo chuyển khoản ít nhất 90 triệu đồng qua số tài khoản của một ngân hàng, chủ tài khoản là T.P.N.
Đối tượng cho rằng, lúc nào tiền gửi đến tài khoản sẽ cho T. ra khỏi cổng công ty và tự tìm đường về Việt Nam. Lo sợ T. gặp chuyện không hay trên đất người nên anh Th. đã vay mượn khắp nơi được 100 triệu đồng và gửi vào tài khoản T.P.N.
Tương tự, giữa tháng 6/2022, người thân của anh L.H.Q. (SN 2003, trú tổ 8, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) cũng phải chuyển 160 triệu đồng thì con trai họ mới được các đối tượng thả cho về Việt Nam sau hơn 1 tháng sống lay lắt trên đất Campuchia. Thông qua mạng xã hội, em Q. nhận được thông báo tuyển lao động sang Campuchia với mức lương “khủng” 800 USD/tháng.
Theo “nhà tuyển dụng”, công việc rất nhàn, không cần kinh nghiệm, chỉ cần biết sử dụng máy tính. Không ngờ, sau khi qua Campuchia, Q. được các đối tượng người nước ngoài giao chỉ tiêu lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu chống đối thì sẽ bị đánh đập, bỏ đói, bị chích điện. Do không hoàn thành chỉ tiêu, không câu kéo được khách hàng mới nên Q. bị phạt. Mặc dù Q. nhiều lần van xin các đối tượng cho về Việt Nam nhưng không được. Chúng yêu cầu gia đình Q. phải nộp đủ 160 triệu đồng mới cho anh về Việt Nam.
“Nghe con trai tôi nói, nếu không có đủ 160 triệu đồng thì con sẽ bị hành hung, đánh đập, chích điện nên vợ chồng tôi đành đi vay mượn 160 triệu đồng để gửi vào tài khoản mà chúng cung cấp. Sau khi về Việt Nam, con trai tôi tiếp tục ở lại TP Hồ Chí Minh đi làm công nhân để kiếm tiền, gửi về cho gia đình trả nợ”, bố của Q. bức xúc cho biết…
Bên cạnh nhiều gia đình ở Thừa Thiên-Huế phải nộp số tiền từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng để “chuộc” con em mình từ Campuchia về Việt Nam thì một số gia đình đang đứng ngồi không yên khi nhiều ngày qua không liên lạc được với con. Ngày 22/6, 3 gia đình ở xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) gửi đơn đến Công an huyện Phú Lôc trình báo, nhiều ngày qua, họ không thể liên lạc được với các con trai gồm: N.A.T, Đ.V.R, T.V.N. Theo trình báo của thân nhân những nạn nhân này, đầu tháng 4/2022, có 1 phụ nữ tên Th. ở trên địa bàn xã đến nhà của các nạn nhân và nói rằng sẽ đưa qua Campuchia làm việc, hứa nếu những thanh niên này không làm được việc thì sẽ đưa về.
Sau khi được các gia đình đồng ý, Th. đưa 3 thanh niên trên đi làm hộ chiếu, rồi đến sân bay Phú Bài (Huế) vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) để xuất cảnh qua Campuchia. Từ lúc sang Campuchia, 3 thanh niên này có liên hệ với gia đình qua messenger là đang làm việc tại công ty của một phụ nữ (người Việt Nam). Ngày 17/6, các thanh niên này báo về với gia đình là bị cưỡng bức lao động và đang tìm cách chạy trốn. Và, từ ngày 17/6 đến ngày 27/6, cả 3 gia đình không thể liên hệ được với các thanh niên trên…
Lãnh đạo Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, trước sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm với tiêu chí “việc nhẹ lương cao, không yêu cầu tay nghề”, các đối tượng người Việt Nam sống tại Việt Nam móc nối với các đối tượng người Việt Nam, hoặc người nước ngoài sống tại Campuchia để đưa người xuất nhập cảnh hợp pháp, hoặc bất hợp pháp sang Campuchia lao động ngày càng gia tăng. Một trong số đó trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, các nạn nhân còn buộc tham gia vào tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, buộc các nạn nhân phải liên lạc với gia đình để đòi “tiền chuộc” mới cho về Việt Nam. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm về mua bán người, tổ chức môi giới cho người xuất nhập cảnh…
“Trước tình hình này, cơ quan Công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước những lời mời chào cơ hội “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội, nhất là lời mời chào công việc tại Campuchia, nên tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn đơn vị tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động uy tín do các cơ quan Nhà nước cho phép, giới thiệu. Nếu người dân phát hiện các vụ việc, sự việc tương tự như trên thì đề nghị liên hệ với cơ quan Công an gần nhất để trình báo”, Đại tá Phạm Văn Toàn khuyến cáo.
Theo Hải Lan (CAND Online)