Người TQ bị bán sang Campuchia: 'Sợ mất mật' khi súng chĩa vào đầu, chấp nhận mất hết - Cú lừa đau thấu tâm can!

11/10/2021 15:40:48

Khi nhớ lại những tháng ngày địa ngục đã qua, nạn nhân người Trung Quốc trong phóng sự của báo Khmer Times (Campuchia) vẫn không khỏi rùng mình kinh hãi.

Xiao Li (*) chưa bao giờ nghĩ rằng một mẩu tin tuyển dụng trên mạng sẽ khiến anh rơi vào những tháng ngày đen tối dài nhất từng thấy trong cả cuộc đời mình.

Một ngày sau kỳ nghỉ Tết 2021, Xiao Li - khi đó chỉ mới ngoài 20 tuổi và đang ở nhà chờ cơ hội việc làm - đã nghĩ đến chuyện tìm việc làm trên mạng. Một quản cáo tuyển dụng trên trang web của thành phố đã thu hút sự chú ý của Xiao Li:

"Chúng tôi đang tuyển dụng nhân viên đánh máy, chuyên viên chăm sóc khách hàng và các vị trí khác ở Quảng Tây - thu nhập hấp dẫn! Ngoài lương cơ bản còn có thêm nhiều đãi ngộ tốt như nơi ở, thưởng và hoa hồng theo hiệu suất."

Với đãi ngộ hấp dẫn như vậy, và công ty lại không yêu cầu kinh nghiệm làm việc và trình độ học vấn đã khiến Xiao Li cảm thấy cơ hội này rất đáng thử dù địa điểm làm việc ở xa nhà anh. Xiao Li đã đặt vé tàu cao tốc đến Nam Ninh, Quảng Tây ngay tắp lự.

"Thôi thế là xong"

"Sau khi tôi đến Nam Ninh, công ty đã sắp xếp cho tôi ở khách sạn hai ngày, sau đó nói rằng sẽ chở tôi đến công ty xin việc. Trên xe còn có vài thanh niên khác mà tôi không quen biết", Xiao Li kể lại.

Khi ấy Xiao Li chẳng suy nghĩ nhiều, và đã bước lên chiếc xe chạy từ Nam Ninh đến Sùng Tả.

Thế nhưng khi chiếc xe đến Sùng Tả, người tài xế không hề dừng lại mà tiếp tục lái xe ra phía ngoại ô. Trời càng lúc càng tối, chiếc xe đi càng ngày càng xa.

Xiao Li cảm thấy có điều gì đó không ổn nên đã hỏi "Chuyên viên lễ tân của công ty", nhưng lại bị mắng một trận.

"Thôi thế là xong, tôi muốn bỏ chạy nhưng chẳng thể chạy trốn được nữa", Xiao Li nói.

Xiao Li bắt đầu sợ hãi. Sau gần 30 phút, cuối cùng chiếc xe cũng dừng lại khi trời đã tối. Xiao Li mở điện thoại lên kiểm tra thì mới tá hỏa rằng anh đã bị đưa đến gần biên giới.

Xiao Li cùng các thanh niên đã bị đưa xuống xe và bắt đi bộ một đoạn dài. Con đường núi tối om, nhưng họ không được phép bật đèn flash điện thoại, cũng không ai dám chạy trốn. Họ không biết mình đang đi đâu, cuối cùng khi đến một hàng rào, có hai người đến đón và cả đoàn người tiếp tục đi thêm 3 tiếng đồng hồ trước khi "nhìn thấy ánh đèn, những ngôi nhà và một số khẩu hiệu viết bằng chữ nước ngoài."

"Lúc đó tôi mới nhận ra rằng chúng tôi vừa mới vượt biên", Xiao Li nói.

Tệ hơn nữa, vào lúc này, điện thoại di động của Xiao Li không còn tín hiệu và đã gần cạn pin.

Sau đó, Xiao Li cùng những người thanh niên đi cùng anh đã trải qua hành trình di chuyển "hành xác" trước khi chính thức đặt chân đến thủ đô Phnom Penh của Campuchia: Bị nhốt lại, liên tục thay đổi phương tiện di chuyển trong khi không biết mình đang đi đâu.

Sau hành trình địa ngục, Xiao Li đã cạn kiệt sức lực, mệt rũ, buồn ngủ và hôi hám vì nhiều ngày không được tắm rửa tử tế. Khi Xiao Li tỉnh dậy, chiếc xe đã đưa anh cùng với những thanh niên kia đến cổng "Thành phố XX" ở Sihanoukville.

"Nhân viên" của công ty đón Xiao Li ở cửa, tịch thu điện thoại di động và đưa anh về "ký túc xá", sau đó thực hiện các thủ tục "nhập cảnh". Vào ngày thứ hai ở "Thành phố XX", công ty bắt đầu "đào tạo kinh doanh" cho Xiao Li.

Sau khi nhận được "tài liệu huấn luyện", Xiao Li chợt nhận ra: Đây không phải là công việc của một "nhân viên đánh máy" hay "chuyên viên chăm sóc khách hàng" như trong quảng cáo tuyển dụng, mà thực chất đó là "trò lừa đảo qua mạng" thường thấy trên TV trước đây. "Công ty" đã tuyển dụng anh thực chất là một ổ lừa đảo trực tuyến.

Người TQ bị bán sang Campuchia: 'Sợ mất mật' khi súng chĩa vào đầu, chấp nhận mất hết - Cú lừa đau thấu tâm can!
Hình ảnh minh họa

Cú lừa đau thấu tâm can

Sau khi biết mình trở thành nạn nhân của một "công ty lừa", Xiao Li không thể ăn ngon ngủ yên. Anh hạ quyết tâm nhất định phải tìm cách thoát khỏi đây.

Những cái gọi là "công viên" ở Sihanoukville, Campuchia thực chất giống những cộng đồng khép kín. Các lối ra vào của cộng đồng khép kín này đều được nhân viên an ninh canh gác để kiểm soát chặt chẽ việc ra vào. Thậm chí, mỗi tòa nhà trong khu phức hợp chỉ có một lối ra vào và hệ thống kiểm soát ra vào.

Những người làm việc trong "công viên" thậm chí không thể rời khỏi tòa nhà. Sau đó Xiao Li nghe ngóng được thông tin rằng một số người cố gắng bỏ trốn đã bị bắt lại và đánh đập dã man. Mặc dù vậy, Xiao Li vẫn quyết tâm thử bỏ trốn.

"Hôm đó tôi đã chườm nóng rất lâu, sau đó tôi báo với nhân viên là tôi bị sốt và được đưa đến trạm y tế trong công viên để đo nhiệt độ. Sau đó, tôi được đưa đến một bệnh viện ở bên ngoài và cách ly trong vòng 2 ngày. Đến ngày thứ ba, có người đến làm xét nghiệm Covid cho tôi.

Nhận được kết quả âm tính, tôi đã được đưa đến một nơi khác - trong đó có một số người khác nữa. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng tất cả bọn họ đều giống tôi, đều là những người muốn bỏ trốn vì không muốn tham gia đường dây lừa đảo", Xiao Li nói.

Vài giờ sau, Xiao Li bị một nhóm người khác bắt đi và nhốt trong "phòng đơn". Một số người trong số đó đã đánh đập Xiao Li bằng gậy và dùi cui điện, đồng thời yêu cầu anh gọi điện cho người nhà, yêu cầu khoản chuộc 100.000 nhân dân tệ.

Ban đầu, gia đình của Xiao Li không tin anh đang ở Campuchia và bị bắt cóc tống tiền - cho đến khi họ nhận được đoạn video cho thấy Xiao Li bị đánh đập dã man.

Vì gia đình của Xiao Li không thể thu xếp 100.000 nhân dân tệ tiền chuộc, nên Xiao Li đã tiếp tục bị giam giữ trong một căn phòng tối tăm trong 3 ngày và chỉ được phát một cốc mì tôm cho 3 ngày.

Vào buổi trưa ngày thứ 3, một người có vẻ là thủ lĩnh của băng nhóm bắt cóc đã mang điện thoại di động của Xiao Li đến để hỏi mãGợi ý sửa:đã thanh toán của anh. Xiao Li không trả lời, nên tên này đã lấy súng ra chĩa vào đầu Xiao Li. Xiao Li sợ hãi,và có thể chuyển tất cả tiền trong WeChat và Alipay cho những tay cầm đầu băng đảng.

Đến chiều, một nhóm người khác đã đến đón Xiao Li. Khi đó Xiao Li mới biết rằng anh đã được thả vì gia đình đã trả tiền chuộc.

Thế nhưng, tất cả chỉ là một cú lừa, Xiao Li không hề giành được tự do mà lại bị bán cho một công ty lừa đảo trực tuyến khác với giá 6.000 USD.

Người TQ bị bán sang Campuchia: 'Sợ mất mật' khi súng chĩa vào đầu, chấp nhận mất hết - Cú lừa đau thấu tâm can! - 1
Hình ảnh minh họa

Cuối cùng cũng được về nhà

Khi được đưa đến "công ty" mới, Xiao Li đã bị đánh bầm dập khắp người. Khi đó cơ thể Xiao Li đã rất yếu, và một lần nữa mất liên lạc với gia đình.

Sau khi được nghỉ ngơi 2-3 ngày, "nhân sự" của công ty mới bắt đầu "tẩy não" Xiao Li và nói với anh rằng công việc này không hề khó, chỉ cần làm theo kịch bản và lời nói của công ty để trò chuyện với "khách hàng" - thực chất là những con mồi. Và số tiền hoa hồng nhận được rất cao, số tiền kiếm được cũng đủ để anh bù vào khoản tiền chuộc trước đó của gia đình.

Lúc này, Xiao Li chỉ có thể lựa chọn cố gắng sống sót trước, sau đó mới tìm cách trốn thoát. Sau khi được "đào tạo" và nhận được điện thoại để sử dụng cho công việc, Xiao Li đã đăng ký tài khoản WeChat và liên lạc lại với gia đình.

Gia đình của Xiao Li đã thử mọi cách và cuối cùng đã liên lạc được với một quan chức của cảnh sát Campuchia.

"Tối hôm đó, một người phụ trách 'công ty' đến gặp tôi, trên điện thoại của anh ta có hình ảnh của tôi. Anh ta yêu cầu tôi ký một thỏa thuận và nói rằng tôi có thể rời đi. Người của công ty trùm kín đầu tôi, đẩy tôi vào bên trong một chiếc ô tô, sau đó lái xe hơn 10 phút trước khi dừng lại. Khi cửa mở ra, tôi đã bị đuổi ra khỏi xe, và đó là cách tôi được giải cứu", Xiao Li nói.

Nhờ sự giúp đỡ của nhiều đồng hương tốt bụng, Xiao Li cuối cùng đã lên máy bay trở về nhà.

Khi Khmer Times liên hệ và phỏng vấn Xiao Li, anh đã trở về nhà an toàn, nhưng khi đó anh vẫn đang trong quá trình cách ly và chưa được trở về với gia đình.

Khi nhớ lại và kể lại những tháng ngày địa ngục đã qua, Xiao Li vẫn cảm thấy kinh hãi.

"Đó là một cơn ác mộng. Tôi khá may mắn vì đã được trở về nhà an toàn. Nhưng còn những người bị đưa sang Campuchia cùng tôi khi đó, những người vẫn còn mắc kẹt trong 'công ty', tôi không biết họ giờ ra sao", Xiao Li nói./.

(* Họ tên nhân vật đã được thay đổi)

Theo Hồng Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)