Nhiều trường hợp tín nhiệm thấp nhưng không từ chức
Ban chấp hành Trung ương đã ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương, trong đó quy định chủ động xin từ chức khi không còn đủ năng lực, uy tín. Tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề này cũng được nêu ra nhiều lần, và có thể sẽ cụ thể hóa việc từ chức bằng một hình thức văn bản. Phải chăng đây sẽ là cơ sở để hình thành “văn hóa từ chức”?
Tiếp theo việc sửa đổi những quy định về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, lần này Trung ương ban hành quy định về nêu gương. Tôi cho rằng, quy định này rất cần thiết. Đây là “hai chân” của chỉnh đốn cán bộ: Pháp trị và nhân trị. Đây là những cảnh giới không thể vượt qua, nếu vượt qua sẽ dùng các công cụ kỷ luật để xử lý, vừa giáo dục thuyết phục, vừa cưỡng chế. Giáo dục thuyết phục không được thì cưỡng chế thực hiện bằng hình thức kỷ luật của Đảng, thậm chí xử lý nghiêm khắc hơn bằng pháp luật của nhà nước.
Đây là bước đi rất hợp lý để thay đổi diện mạo, làm sao cán bộ là hồn cốt và bộ mặt của Đảng, Nhà nước, phải thực sự xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân. Vì sao nhân dân thất vọng với trường hợp cán bộ không tương xứng với chức vụ? Một anh cán bộ mà phát ngôn ra câu nào bị dư luận dè bỉu, chê bai; trong lãnh đạo chỉ đạo cũng không có ý tưởng gì, chỉ biết ngồi dò dấu chấm, phẩy; trong sinh hoạt hàng ngày thì cố chấp, xoi mói, trù úm, không trọng dụng nhân tài…Nhân cách, phẩm chất như vậy, làm sao làm lãnh đạo được?
Vấn đề đặt ra là chúng ta phải lấy công cụ nào để đo đếm uy tín, tín nhiệm, để làm cơ sở cho việc chủ động từ chức?
Điều này có thể căn cứ vào việc lấy phiếu tín nhiệm, và chủ thể của nó phải lấy từ bên ngoài. Ví dụ, Quốc hội muốn đánh giá cán bộ do mình quản lý, phải lấy ý kiến thăm dò của mặt trận, hoặc các đoàn thể khác, như thế mới chuẩn. Cũng có ý kiến cho rằng, Quốc hội chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm với hai mức: Tín nhiệm và không tín nhiệm. Còn chia thành ba mức tín nhiệm thấp, tín nhiệm và tín nhiệm cao, rõ ràng chỉ có tín nhiệm, vấn đề là thấp hay cao thôi.
Trong khi thảo luận việc này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Vì đây là vấn đề liên quan đến công tác cán bộ và là vấn đề mới, nên theo tôi cũng cần có trải nghiệm, đi từng bước một thận trọng. Tuy nhiên đã đến lúc cần phải tổng kết lại, xem những lần lấy phiếu tín nhiệm tác động như thế nào đến văn hoá từ chức? Có tác động đến danh dự, uy tín, đặc biệt là liêm sỉ của cán bộ hay không? Vì qua thực tiễn, nhiều trường hợp tín nhiệm thấp, nhưng họ có chủ động xin từ chức đâu.
Đương nhiên có người cho rằng, mình sẽ nỗ lực, phấn đấu và lội ngược dòng, nhưng cũng có người bị trì trệ vì quy định như hiện nay chưa đến mức buộc họ phải từ chức. Tức là đức trị chưa đủ cảnh giới để họ có thể chuyển dòng suy nghĩ, nhận thức về mình, để chuyển hoá được nhận thức về lòng tự trọng và thước đo tự đánh giá uy tín bản thân.
Văn hoá từ chức đã được nêu ra rất nhiều, từ rất lâu rồi, nhưng dường như vẫn còn xa lạ với chúng ta. Phải chăng vì chức tước gắn liền với bổng lộc mà bất chấp tất cả?
Đó là một lý do quan trọng để người ta cố đeo bám chức danh mà người ta đã đầu tư, phấn đấu. Ở đây tôi muốn nói đến một dạng quan chức khác, đó là “chạy chức, chạy quyền”. Anh “chạy chức, chạy quyền” nghĩa là đã có đầu tư về thời gian, đầu tư về quan hệ và thậm chí đầu tư cả tiền bạc. Mà khi đầu tư rồi thì đương nhiên phải cố trụ lại để gỡ gạc, để hoàn lại vốn và có lãi.
Dạng cán bộ này là cố tình đeo bám lại, bất chấp danh dự, tổn thương, bất chấp xã hội nhìn và đánh giá như thế nào. Đương nhiên, họ chưa có sai phạm gì nghiêm trọng, không buộc người ta từ chức được. Nhưng với người không có năng lực, trong hành vi ứng xử, đạo đức có những biểu hiện tha hoá mà bằng con đường đạo đức không khiến họ tự giác từ chức. Nếu tiếp tục đeo bám họ sẽ vấp phải những quy định, rào chắn của pháp luật, khi đó buộc phải từ chức.
Tôi cho rằng, giáo dục con người không phải chỉ bằng hình phạt mà bằng cả các biện pháp giáo dục, thuyết phục. Việc ban hành quy định về nêu gương là giải pháp giáo dục thuyết phục, để hướng con người ta tự giác hơn, nói như Tổng Bí thư là cảnh báo, cảnh tỉnh để tự mình nhận thức ra vấn đề. Tự mình đào tạo, tự mình sửa lỗi, tự mình uốn nắn mình, tự mình chiến thắng chính mình là quan trọng nhất. Còn nếu anh không làm được điều ấy thì đã có công cụ xử lý kỷ luật rồi. Trong Đảng có quy định 102, pháp luật có nhiều văn bản, đặc biệt là Bộ luật Hình sự.
Nhận diện hành vi “chạy chức, chạy quyền”
Ông vừa nói “chạy chức, chạy quyền”, được biết Ban Tổ chức Trung ương cũng vừa xây dựng quy định về kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền” qua việc nhận diện 19 hành vi. Theo ông, có thể nhận diện những hành vi “chạy chức, chạy quyền” như thế nào?
Hành vi “chạy chức, chạy quyền” mà Ban tổ chức Trung ương đã nhận diện, tôi cho là rất cần thiết, càng cụ thể càng tốt và không loại trừ khả năng càng bàn, càng nghiên cứu thì hành vi đó càng nhiều. Trong cuốn “Từ thụ yếu quy” của tác giả Đặng Huy Trứ ở triều Nguyễn, ông ấy liệt kê ra 104 hành vi không được làm, liên quan đến tham nhũng và trong đó nhiều hành vi liên quan đến “chạy chức, chạy quyền”. Đấy là một bộ quy định mà người ta cho rằng sẽ sống mãi với thời gian, không bị lạc hậu.
Ngày nay, chúng ta nhận diện hành vi “chạy chức, chạy quyền” không chỉ thể hiện ra những quan hệ xã hội, những thao tác bình thường mà nó tinh vi hơn rất nhiều. Nó phát triển nhiều hơn vì dựa vào những thành tựu của công nghệ. Nếu trước đây chúng ta không có tài khoản để chuyển tiền, người ta phải vác tiền đến nhà thì bây giờ chỉ bằng thao tác đơn giản vài cú nhấp chuột, thậm chí lập tài khoản không phải của mình.
Tham nhũng quyền lực thông qua “chạy chức, chạy quyền”, đút lót tinh vi xảo quyệt lắm. Ngăn chặn cái đấy là tốt, nhưng quan trọng nhất là làm sao anh có một công cụ để đo lường được chất lượng cán bộ. Chất lượng đó là năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức. Người ta nói rằng, “họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Với con hổ thì chúng ta có thể vẽ được hình ảnh bên ngoài, còn bên trong xương cốt không vẽ được. Cũng như con người, chúng ta gặp gỡ nhìn thấy khuôn mặt hiền lành tử tế, nhưng cái tâm bên trong khó đoán định được. Công tác cán bộ khó chính là ở chỗ này.
Cảm ơn ông.
“Vì đây là vấn đề liên quan đến công tác cán bộ và là vấn đề mới, nên theo tôi cũng cần có trải nghiệm, đi từng bước một thận trọng. Tuy nhiên đã đến lúc cần phải tổng kết lại, xem những lần lấy phiếu tín nhiệm tác động như thế nào đến văn hóa từ chức? Có tác động đến danh dự, uy tín, đặc biệt là liêm sỉ của cán bộ hay không? Vì qua thực tiễn, nhiều trường hợp tín nhiệm thấp, nhưng họ có chủ động xin từ chức đâu “.
ĐBQH Lê Thanh Vân
Theo Thành Nam (Tiền Phong)