Tâm tư của người trong cuộc
Mới đây, Dự thảo 2 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục quy định: “Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 25, trong đó có nội dung trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Ngay sau khi Dự thảo này được công bố, nhiều tranh luận trái chiều được đưa ra. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải là vấn đề mới, thực chất đã có một thời nước ta áp dụng việc trông và chăm sóc trẻ ở độ tuổi này.
Cô Nguyễn Thị Hồng, người có một thời gian chăm sóc trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi trong trường mầm non cách đây hơn 30 năm trước cho biết, nếu bây giờ bắt buộc các cơ sở phải tiếp nhận trẻ trong độ tuổi này sẽ phải đào tại lại đội ngũ giáo viên.
“Nhiều người nghĩ rằng cô giáo mầm non chỉ cần có tình yêu với trẻ là được, nhưng với lứa tuổi này chỉ yêu trẻ thôi là chưa đủ mà phải đặt địa vị là mẹ của các cháu thì mới hiểu hết sự vất vả như thế nào, còn những ai chưa nuôi con nhỏ, chắc không thể đảm nhận được”, cô Hồng nói.
Nhớ lại những khó khăn khi trực tiếp nuôi dạy trẻ ở lứa tuổi này, cô Hồng kể: “Tôi vẫn còn nhớ, có thời điểm tôi sút gần chục cân khi chăm các cháu. Ngày đó 1 cô phải trông 6 cháu, mỗi khi thời tiết thay đổi cháu ho như cuốc, cháu bị đi ngoài,… những cô giáo như chúng tôi chỉ có giặt tã, ru cháu ngủ, dỗ các cháu khóc thôi đã mệt lả người rồi, liên tục như vậy 1 tháng trời, nhiều cô không chịu được áp lực đã phải bỏ nghề”.
Còn cô Lê Thị Quy, đang công tác tại Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, đồng thời cũng là người từng có thời gian chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi trong nhà trường cách đây 30 năm nhận định, nếu trường mầm non nhận trẻ trong độ tuổi từ 3-6 tháng tuổi, yêu cầu đối với giáo viên sẽ rất cao.
“Cách đây 30 năm, trước khi ra nghề chúng tôi phải học lớp cô nuôi dạy trẻ một thời gian dài, được đào tạo các kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ từ 0 đến 36 tháng, từ chăm sóc bữa ăn hàng ngày đến các bài hát ru, kỹ năng dạy và dỗ trẻ….”.
Nhưng đó chỉ là những kiến thức được dạy khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi bắt tay vào thực tế lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Cô Quy cho rằng, khi trực tiếp chăm trẻ, nếu cô nào không kiên nhẫn, không chịu được áp lực thì chắc chắn sẽ không trông được trẻ và phải bỏ nghề.
“Qủa thật, khi trông trẻ ở độ tuổi đó vô cùng vất vả, mọi sự chăm sóc từ giờ ăn, giờ ngủ, giờ đi vệ sinh mỗi cháu một khác, nên các cô không có thời gian để nghỉ ngơi”, cô Quy chia sẻ.
Không thể tuyển sinh được trẻ dưới 6 tháng
Là đơn vị giáo dục được thành lập cách đây hơn gần 40 năm, Trường Mầm non thực hành Hoa Sen (trực thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương) nhiều năm nay thông báo tuyển sinh các cháu ở độ tuổi dưới 6 tháng, nhưng đều không thể mở được lớp vì không có phụ huynh nào nộp hồ sơ.
Cô Trương Thị Minh Phượng – Hiệu phó Trường Mầm non thực hành Hoa Sen cho biết, tháng 3 hàng năm nhà trường bắt đầu có thông báo tuyển sinh các cháu từ 3 đến 6 tháng tuổi, tuy nhiên sau 2 tháng đưa ra thông báo chưa năm nào trường nhận được hồ sơ của các bậc phụ huynh cho con đi học ở lứa tuổi này.
“Do là trường thực hành, nên chúng tôi muốn nhận trẻ ở mọi lứa tuổi, để các em sinh viên có môi trường thực hành tốt nhất, sau này ra trường có thể làm quen được với mọi lứa tuổi của trẻ, nhưng không có hồ sơ nộp vào nên chúng tôi không thể mở lớp”, cô Phượng nói.
Cô Phượng cũng chia sẻ thêm, lứa tuổi đó trẻ còn quá nhỏ, khi đưa đến trường 1 cô phải chăm nhiều cháu (1 cô 6 trẻ), hơn nữa chi phí khá cao. Vì thế, nhiều gia đình đã chọn giải pháp thuê người giúp việc chăm con, thay vì đưa đến trường.
“Tới đây, chúng tôi tiếp tục thông báo tuyển sinh, nếu đủ hồ sơ đăng ký chúng tôi sẽ mở lớp nhà trẻ, mọi cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực chúng tôi luôn đảm bảo”, cô Phượng cho hay.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)