Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan siết chặt mức giá điện kinh doanh, nhất là đối với những đối tượng công nhân, người thuê nhà trọ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của những chủ nhà trọ trong việc thu tiền điện kinh doanh (năm 2018), tuy nhiên, ghi nhận của PV, nhiều người thuê trọ ở Thủ đô vẫn phải "rút hầu bao" chi trả 4.000 đồng/kWh cho chủ nhà trọ.
Vì là công dân tỉnh lẻ về Hà Nội học tập, nên sau khi học xong, chị Nguyễn Thị Tươi (SN 1991) tiếp tục ở lại Thủ đô để làm việc.
Do kinh tế khó khăn, nên chị Tươi vẫn tiếp tục thuê trọ tại một gia đình trong ngõ 75 đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) để làm nơi lưu trú. Vì vậy, ngoài giá phòng 1,9 triệu đồng/tháng thì chị Tươi phải chi thêm cả tiền điện, nước, internet với số tổng là khoảng 2,6 triệu đồng/tháng.
Chị Tươi cho biết: "Chủ nhà trọ thu của tôi 4.000 đồng/số điện (kWh), nước là 40.000 đồng/số (khối), tiền internet thì không đáng là bao bởi ở đây chúng tôi chia cổng, nhiều nhà dùng thì tiền chi sẽ ít đi. Ngoài mức tiền nhà cố định 1,9 triệu đồng thì các khoản chênh cũng lên đến 500.000 – 1 triệu đồng/tháng, tùy từng tháng. Đơn cử như mùa Đông thì mức chi cho tiền điện của tôi ít hơn nhưng vào mùa hè, phải dùng điều hòa thì có khi, riêng điện cho điều hòa của tôi cũng lên đến 1,2 triệu đồng".
"Đợt thu tiền điện tháng 4 vừa rồi, phòng tôi được chủ nhà hỗ trợ 500.000 đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền điện do dịch COVID-19. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy rằng, mức thu 4.000 đồng/số điện là quá nhiều so với những người đi làm có mức thu nhập thấp như tôi. Đó chưa kể, phần đa người thuê trọ ở đây đều là sinh viên", chị Tươi cho hay.
Mức thu tiền điện tại khu trọ của bà Lê Thị Mỹ (63 tuổi) ở gần cổng Bệnh viện Nhi Trung ương (Đống Đa) cũng tương tự.
Ngoài khoản tiền thuê phòng trọ 1,7 triệu đồng/tháng mà bà Mỹ và những người sinh sống trong dãy trọ phải chi trả hàng tháng thì khoản chênh thêm khoảng 500.000 đồng/tháng sẽ là tiền tiện và tiền nước. Trong đó, mức giá điện dành cho những người thuê trọ như bà Mỹ là 4.000 đồng/kWh và 27.000 đồng/số nước.
Bà Mỹ cho biết: "Vì khu trọ này được lợp bằng mái fibro xi măng nên mùa hè rất nóng, cả ban ngày lẫn ban đêm, sức nóng lúc nào cũng hầm hập. Tuy nhiên, mặc dù rất nóng nhưng chúng tôi cũng không thể sử dụng thiết bị làm mát nào ngoài quạt điện, bởi phòng trọ ở đây rất tạm bợ".
Theo bà Mỹ, bởi không có điều hòa sử dụng nên vào ban ngày, bà và những người thuê trọ ở đây đều tranh thủ quét sân và tưới nước nhiều lần xuống hành lang khu trọ mỗi khi rảnh. Còn ban đêm thì đặt chiếc quạt cây ở chính cửa sổ để quạt hút gió mới lùa vào không gian phòng.
Cũng theo ghi nhận của PV tại một số nhà nghỉ trọ lân cận cổng Bệnh viện Nhi Trung ương như nhà nghỉ trọ T.A, nhà trọ H.C… mức giá mà người thuê trọ phải chi trả 100.000 đồng/người/ngày đêm cho phòng không có điều hòa và 130.000 đồng/người/ngày đêm cho phòng có điều hòa… là đã bao gồm cả tiền điện và tiền nước.
Mức chi kể trên khiến không ít người thuê trọ xót xa, bức xúc, nhất là vào thời điểm mùa hè nóng nực. Bởi muốn được ở phòng mát, lạnh thì phải chi thêm nhiều tiền hơn.
Trong khi đó, hầu hết, những người thuê trọ đều là người ở tỉnh lẻ có hoàn cảnh khó khăn, đến Hà Nội để làm thêm, làm thuê hoặc có người điều trị trong bệnh viện.
Theo đó, Điều 10, Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện đã quy định, trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện sẽ được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ).
Cụ thể, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Theo đó, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.
Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh: 1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do Công ty Điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
Như vậy, nếu tính cả thuế VAT thì giá điện mà người thuê nhà phải đóng sẽ không cao hơn 2.300 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnEconomy, mức thu tiền điện của các chủ nhà trọ tại Hà Nội hiện nay thường dao động từ 3.500 - 5.000 đồng/kWh, thậm chí còn cao hơn nữa.
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)