Tất cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được giảm 10% giá điện
Theo Bộ Công Thương, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của bộ về việc khách hàng sản xuất và kinh doanh sẽ được giảm giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm với mức giảm 10% so với biểu giá hiện hành.
Với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mức giảm giá là 10% so với đơn giá đối với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng). Các khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, điều chỉnh giá điện giảm từ mức giá điện áp dụng cho khách hàng kinh doanh dịch vụ nay xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất.
Bộ Công Thương cũng cho hay, ngành điện cũng sẽ giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm virus Sars Cov-2. Cùng đó, giảm 20% tiền điện cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm virus Sars Cov-2 và các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm Sars Cov-2.
“Với các giải pháp hỗ trợ nêu trên, ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là gần 11.000 tỷ đồng. Trong đó các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỷ đồng. Các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng. EVN giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch COVID-19 khoảng 100 tỷ đồng”, Bộ Công Thương cho hay.
Lấy ý kiến các bộ, ngành để giảm tiền điện từ tháng 5/2020
Theo Bộ Công Thương, các khách hàng sử dụng điện thuộc các trường hợp nêu trên được hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6). “Thời điểm giảm giá điện và giảm tiền điện được xác định theo kỳ ghi chỉ số của đơn vị điện lực tại công tơ điện của khách hàng. Do vậy đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện khách hàng sử dụng trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2020”, Bộ Công Thương cho hay.
Theo Bộ Công Thương, ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 4 của Chính phủ, ngày 10/4, Bộ Công Thương đã dự thảo Văn bản hướng dẫn chi tiết và gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật trước khi chính thức phát hành văn bản chỉ đạo EVN thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng sẽ yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các khách hàng sử dụng điện phù hợp với thực tế ghi chỉ số và phát hành hoá đơn tiền điện. “Bộ Công Thương sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện, đảm bảo đúng đối tượng, thời gian, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân do tác động của dịch COVID-19”, Bộ Công Thương cho hay.
Giảm giá điện, Bộ Tài chính nhắc không để lỗ gây áp lực tăng giá
Về đề nghị giảm giá điện của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong đó có giá điện. Qua rà soát các phương án giảm giá điện, nguồn kinh phí thực hiện là giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN. Điều đó cũng tác động làm giảm các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế và lợi nhuận sau thuế so với dự toán.
Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí... ), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá.
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)