Ngày 3/8, ông Lương Trung Thay, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, mấy ngày nay chính quyền địa phương đang cùng người dân tiến hành kiểm tra khu vực sạt lở, lập biên bản để báo cáo lên cơ quan chức năng.
“UBND xã đã thành lập đoàn kiểm tra và nhận thấy, bản Minh Tiến có gần 50 hộ dân sinh sống thì có 22 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp sạt lở. Nếu không xử lý nhanh thì nhiều ngôi nhà có thể bị sụt xuống sông”, ông Thay nói.
Qua xác minh, thiệt hại nặng nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Lục ở bản Minh Tiến. Vào tối 29/7, nhà bà Lục bị sạt lở nghiêm trọng khi nước lũ dâng cao khiến phần sau của căn nhà đổ sập. Tổng diện tích sạt lở lên đến 180m2. Ngôi nhà xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, ở móng nhà khoảng 0,5m, hàm ếch khoét sâu vì vậy nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Lục cho hay, tối 28/7, gia đình đang ngủ thì nghe tiếng gãy răng rắc. Bà mở cửa soi đèn thì phát hiện dãy chuồng lợn, một phần bờ tường đã sụt theo dòng nước.
“Ngày hôm sau chúng tôi lập tức báo cho chính quyền xã, nhưng chưa kịp làm gì thì chiều hôm đó móng nhà tiếp tục lún. Vì vậy, gia đình phải nhờ dân bản chuyển đồ đạc di tản. Mấy đêm nay không ai có thể chợp mắt vì lo nhà sụt xuống sông”, bà Lục nói.
Ngoài ra, nhà ông Nguyễn Văn Minh bị sạt lở nghiêm trọng với tổng diện tích 180m2, có vết nứt dài cách móng nhà 0,5m, nguy cơ sập nhà rất cao. Nhà ông Phan Văn Nhâm ở sát bên cạnh cũng bị sạt lở vào gần đến khu vực móng nhà.
Những hộ dân ở đây cho rằng, nguyên nhân chính gây sạt lở là do nhà máy thủy điện Châu Thắng nằm phía trên cách khoảng nửa cây số liên tục xả lũ trong thời gian qua.
“Hàng chục năm nay chúng tôi sống yên ổn bên bờ sông Hiếu này có sao đâu. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, khi nhà máy thủy điện Châu Thắng được xây dựng và đi vào hoạt động thì dòng nước đã thay đổi. Mỗi lần nhà máy xả lũ thì nước chảy nhanh và mạnh, đẩy tiến trình sạt lở nhanh hơn. Đến nay, sạt lở đất vẫn tiếp tục xảy ra và đã tiến sát mép sau nhà ở”, bà Lục cho hay.
Được biết, nhà máy thủy điện Châu Thắng do công ty Cổ phần Prime Quế Phong làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào tháng 2/2015 với số vốn 449 tỷ đồng. Đến tháng 5/2017, nhà máy chính thức đưa vào sử dụng với công suất 14MW. Vừa qua, do ảnh hưởng của mưa bão nên hồ chứa đầy nước, vì vậy nhà máy đã vận hành xả lũ với tổng lưu lượng 700m3/s.
Từ khi bắt đầu nghe tin sẽ xây dựng một nhà máy thủy điện, người dân nơi đây đã phản ứng rất gay gắt. Mặc dù không phủ nhận việc dự án thủy điện này sẽ cung cấp sản lượng điện phát lên mạng lưới quốc gia, nhưng hệ lụy cũng có thể nhìn thấy rõ khi ruộng đất dần dần bị bào mòn bởi dòng chảy.
Đúng như lo ngại, mới chỉ 2 mùa xả lũ nhưng thủy điện Châu Thắng đã tác động trực tiếp đến sự an toàn và cuộc sống người dân nơi đây. Điều đáng nói, cho đến bây giờ vẫn chưa có một giải pháp nào để giúp người dân khu vực này giảm thiểu sự bất an.
Ông Châu Quang Thuận, Bí thư chi bộ bản Minh Tiến cho biết thêm: “Năm nào chúng tôi cũng thử hết mọi biện pháp như trồng tre, mét, chồng bao cát, sọt đá… để ngăn tình trạng xói mòn này, nhưng tình trạng vẫn không hề thay đổi, thậm chí còn diễn biến nhanh hơn. Đời sống người dân ở đây đã nghèo đói, nay lại càng khó khăn thêm”.
Liên quan đến sự việc, ông Hồ Ngọc Thiết, Giám đốc thủy điện Châu Thắng cho biết, chưa thể kết luận sạt lở là do thủy điện xả lũ. “Cần thành lập một đoàn các nhà khoa học để kiểm tra và giám định. Nếu có kết luận sạt lở là do thủy điện xả lũ, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm”, ông Thiết nói.
Theo Anh Ngọc (Nguoiduatin.vn)