Một người đi làm nhiều việc và tự giải ngân một số lượng tiền lớn sẽ khó tránh được sai sót
Câu chuyện "lùm xùm" xung quanh vấn đề quyên góp từ thiện, cứu trợ cho bà con gặp lũ lụt tại các tỉnh miền Trung năm 2020 của ca sĩ Thủy Tiên đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.
Mới đây, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã có văn bản yêu cầu 7 tỉnh miền Trung cung cấp thông tin, chứng cứ, dữ liệu liên quan đến hoạt động trao tiền từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên tại địa bàn trong năm 2020.
Trao đổi với PV, PGS. TS Nguyễn Thị Xuân Thu, nguyên Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cho hay, trong lúc gặp phải khó khăn như lũ lụt, dịch bệnh... bất kể ai, dù là ca sĩ, nghệ sĩ hay người bình thường cùng chung tay, có tấm lòng giúp đỡ người dân gặp khó khăn là điều rất tốt.
"Ai trong xã hội mà có tấm lòng giúp được hoàn cảnh nào khó khăn thì cũng rất đáng quý. Tuy nhiên, muốn giúp được người thì trước hết phải biết bảo vệ mình, đừng để giúp được người xong mình lại phải đối mặt với những rủi ro, hậu quả không lường trước được", bà Thu nói.
Nhắc đến trường hợp ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện, bà Thu cho hay, việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân kịp thời trong lúc khó khăn, lặn lội đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ đồng bào là rất đáng hoan nghênh, cần trân trọng.
Tuy nhiên, bà nói, ngay từ tháng 10/2020, bên lề kỳ họp Quốc hội, khi trao đổi với báo chí, đã có cảnh báo về các rủi ro mà nữ ca sĩ Thủy Tiên có thể gặp phải khi làm từ thiện một mình với khối lượng tiền rất lớn như vậy.
Theo bà Thu, đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng như Thủy Tiên có thế mạnh kêu gọi, vận động rất nhiều fan, người ủng hộ với số tiền lớn. Nếu phối hợp với Mặt trận tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ hay các địa phương để trao cho bà con nhân dân sẽ rất tốt, không có vấn đề gì phải bàn.
Nhưng khi một người đi làm nhiều việc và tự mình giải ngân một số lượng tiền lớn như vậy sẽ khó có thể tránh được sai sót.
Bà dẫn chứng, trước đây, ở Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, có những dự án tài trợ với số vốn chỉ vài tỷ đồng nhưng cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương phải ra nhiều văn bản hướng dẫn, quy trình, quy định rồi chính quyền địa phương giúp đỡ lựa chọn người được hưởng lợi.
Sau đó, người dân tiếp tục họp bình xét ra người được hưởng, mức hưởng thế nào, có danh sách ký tên người nhận, đóng dấu xác nhận của chính quyền mới đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình với nhà tài trợ.
"Ở Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, chương trình chỉ có 1 - 2 nhà tài trợ nhưng như trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên huy động ủng hộ bà con bị lũ lụt vừa qua có tới hàng ngàn, hàng vạn nhà tài trợ.
Nên nếu không có quy trình từ đầu, không làm chuẩn sẽ khó giải trình được với các nhà tài trợ. Dù nhà tài trợ chỉ cho rất ít tiền nhưng họ vẫn có quyền đòi hỏi mình phải giải trình số tiền mà họ chuyển đến đã được sử dụng như thế nào.
Rõ ràng, đây là việc mà những người làm từ thiện không chuyên nghiệp đã không lường trước được.
Nhiều người tưởng mình làm như vậy là tốt, được nhiều người khen ngợi nhưng không hiểu hết được tiềm ẩn những hậu quả phía sau và thực tế, như câu chuyện của Thủy Tiên hay một số người khác đã xảy ra", bà Thu nhận định.
Chi như thế nào, chi bao nhiêu không thể dùng sao kê để chứng minh được!
Trước việc ca sĩ Thủy Tiên đã tiến hành sao kê tài khoản nhận tiền từ thiện và công khai, bà Thu cho rằng, vấn đề sao kê chỉ thể hiện được đã có bao nhiêu người gửi tiền đến tài khoản đó, số tiền là bao nhiêu và rút ra bao nhiêu.
Còn việc chi như thế nào, chi bao nhiêu không thể dùng sao kê để chứng minh được. Ở đây, số tiền không phải mấy chục triệu, mấy trăm triệu mà là hơn 170 tỷ đồng nên không đơn giản, không thể dùng sao kê như vậy để chứng minh.
Qua những sự việc "lùm xùm" trong quyên góp, cứu trợ thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, đây sẽ là bài học cho tất cả mọi người trong việc làm từ thiện, trong đó, phải chọn được cách làm chuẩn, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo trách nhiệm giải trình về tính công khai, minh bạch.
Đồng thời, qua những sự việc này, mọi người không nên suy nghĩ cực đoan, tiêu cực mà hãy tiếp tục phát huy tấm lòng thiện nguyện để cùng hỗ trợ, giúp đỡ những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong xã hội.
Nguyên Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội sớm đưa đề xuất xây dựng Luật Từ thiện do Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam và Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đề nghị vào chương trình xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để có khung pháp lý cụ thể cho vấn đề này.
Cũng trao đổi với PV, một nguyên lãnh đạo TAND tối cao cho rằng, trong vấn đề làm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên đợt mưa lũ miền Trung năm 2020 không thể áp dụng theo Nghị định 64 của Chính phủ quy định về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai... Bởi Nghị định này, chỉ áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ.
Theo vị này, các cá nhân như Thủy Tiên quyên góp từ thiện cần áp dụng theo quy định của Bộ Luật Dân sự, bởi nữ ca sĩ này là người được ủy thác, trung gian để đem tiền, vật chất của người gửi cho người nhận. Đồng thời, nữ ca sĩ cũng không đại diện cho tổ chức nào làm việc này.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)