Chị Yến (1986) người Hà Đông lấy chồng năm 22 tuổi. Chồng chị là người cùng huyện nhưng khác xã. Vào năm chị đi lấy chồng, vùng Hà Đông vẫn là tỉnh lị của Hà Tây cũ. Và đa phần người dân ở đó là nông dân, cả đời bám mặt cho ruộng đồng.
Nhưng sau thời điểm sát nhập vào Hà Nội, người dân nơi đây dường như đổi đời nhờ... bán đất. Và cuộc đời chị như sang một trang mới với nỗi đau đớn, ê chề vì cả nhà chồng ngược đãi.
Cuộc hôn nhân địa ngục
Hôn nhân của chị không hẳn xuất phát từ tình yêu. Từ lúc yêu tới lúc cưới chỉ vẻn vẹn vài tháng. Chồng chị Yến hơn vợ 4 tuổi. Mẹ chị Yến, bà Đỗ Thị M. cho biết: "Lúc đó, đáng lẽ tôi nên ngăn cản cái đám cưới này", bà M. thở dài khi nỗi buồn bị khơi gợi lại.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Nồi bên cạnh bà M., chị Yến vẫn như cái xác không hồn, khuôn mặt ngờ nghệch, ngồi thõng thượt ngay trước hiên nhà, lúc nói, lúc cười, lúc khóc tu tu như một đứa trẻ lên ba.
Bà M. thay mặt con mình kể tiếp: Chồng chị Yến vốn không được ăn học đàng hoàng, cả đời chắc chỉ bám vào mấy xào ruộng, trồng lúa, trồng rau để sống. Anh thì cục tính, kèm theo cái thói gia trưởng nên đã khiến con gái bà trở thành một thứ "người chẳng ra người, ma chẳng ra mà".
Ngày chị Yến về nhà chồng, của hồi môn nhà ngoại đưa cho, mẹ chồng chị lấy hết. Chị toan giữ lại đôi bông tai mẹ chị tặng thì bị chồng tát một cú trời giáng, đó là câu chuyện của ngày đầu tiên chị về làm dâu.
Sau ngày đâu tiên bàng hoàng vì cái tát của chồng, chị lại bắt đầu lao vào công việc làm nông nặng nhọc. Sáng sớm, chị phải là người dậy đầu tiên để chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả đại gia đình chồng, từ bố mẹ chồng, và cả cô em chồng ghê gớm.
Nếu vô tình chị ngủ dậy muộn, thì y như rằng cả ngày hôm đó, thậm chí kéo dài vài ngày, chị phải nhận được những lời chì chiết của mẹ chồng. Đôi khi chồng chị còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để cho chị... chừa.
Ngay sau đó, chị phải lao ra ruộng đồng để lao động như một người nông dân thực thụ bất kể ngày hôm đó nắng hay mưa. Kể cả khi chị bụng mang dạ chửa cũng phải lao động quần quật như phận làm trâu, làm ngựa. Chả trách, đứa con gái đầu lòng của chị phải sinh thiếu tháng mà chỉ vẻn vẹn 2,1 kg.
Con thứ 2, chị đẻ là con trai sau đó 2 năm. May mắn thay, đứa con trai giống bố và bà nội y như tạc tượng. Vì vậy, trong một thời gian ngắn, cuộc sống của chị dễ thở hơn “bình thường”. Nhưng cũng chỉ được vài năm.
Đến lúc con chị cai sữa, mẹ chồng chị “cách ly” chị luôn ra khỏi con. Bà M. kể rằng: “Nhà chồng nó, được cả mẹ lẫn con. Ai đời, bà chăm chăm bế cháu không rời nửa bước, nếu con Yến mà có nhớ con, muốn ôm con thì phải xin phép gãy lưỡi, mẹ chồng nó mới bố thí cho một tí”.
“Chỉ khi Yến nó vừa về nhà, vừa khóc tôi mới biết chuyện. Tính sang nói chuyện với bên nhà đó, nhưng Yến nó can. Nó bảo với tôi rằng, mẹ đừng sang đó, mẹ sang đời nó còn khổ hơn bây giờ. Lúc đó, tôi cũng chỉ nghĩ chắc có xích mích gì thôi, nhưng ai ngờ,...”, bà M.thở dài.
Về sau, khi Hà Nội mở rộng, Hà Đông trở thành một quận của Thủ đô. Giá đất ở đây tăng lên chóng mặt, vì vậy sản sinh ra nhiều đại gia giàu nứt đố đổ vách nhờ “bán đất.
Nhà chồng chị Yến cũng không ngoại lệ, thay vì đầu tắt mặt tối như ngày trước, gã chồng vũ phu tự dung có một đống tiền. Gã sắm sửa cho bản thân, ăn chơi, trác tán chẳng khác gì một “trưởng giả học làm sang”. Nhiều tiền gã sa lầy vào mấy em chân dài rồi về ruồng rẫy vợ con.
Sau tiếng thở dài, bà M. rưng rưng nước mắt: “Đến khi thằng chồng nó đuổi nó ra khỏi nhà hôm 23 tháng Chạp, tôi mới biết chuyện, con mình bị đánh đập như thế nào, bị ruồng rẫy ra sao, phải chịu đựng trước những con người khốn nạn đó. Một người phụ nữ làm mẹ như tôi khi nghe chuyện mà như muốn chết để cho con được hạnh phúc”.
Hạnh phúc của ... người phụ nữ điên
Lúc chị được bố mẹ đẻ đưa về nhà, chị đã trở thành một người ... điên. Những lúc chị tỉnh táo, chị lại khóc lóc đòi con. Còn những ngày bình thường chị lầm lì, thường hay nhìn vào khoảng trời xa xăm với ánh mắt vô hồn, vô cảm.
Chị Yến có sở thích thêu thùa từ bé. Và chỉ khi chị cầm mũi kim thêu, chị mới bình tĩnh được. |
“Từ lúc nó bị đuổi đi đến giờ, nhà chồng nó không cho con bé gặp con. Những lúc nó tỉnh, nó lại chạy đến nhà chồng để đòi nhưng cái nhà ác nhân đó nào có cho con bé gặp con mình dễ dàng như thế”, bà M. nấc tiếng khóc lên từng hồi.
Thậm chí, chồng chị đâm đơn ra tòa li dị với lí do chị bị ... điên. Anh ta đòi hết quyền nuôi con, chị thì chỉ biết gào thét. Vị chủ tọa hôm đó, nhìn thấy chị cũng thấy ai ngại nên đồng ý giao cả hai đứa con cho chồng.
“Lúc nó mới về, tôi cứ động vào người nó là nó cầu xin tôi đừng đánh nó nữa. Chứng kiến cảnh đó liệu có ai mà không đau lòng. Mãi về sau, tôi mới nghe hàng xóm kể lại rằng, chồng nó đánh nó dữ lắm”, bà M. Cho biết
Nhưng có lẽ trong khoảng thời gian này, chị Yến thực sự hạnh phúc. Hạnh phúc của một người điên khi đã không còn bị những trận đòn roi vô cớ của chồng hay những lời chì chiết, cay nghiệt từ mẹ chồng.
Chị được yêu thương, chăm sóc từ những người thương mình thật lòng. Chỉ tiếc rằng, hạnh phúc của chị không được trọn vẹn, khi một người mẹ không được gần gũi với những đứa con do chính mình đẻ ra.
“Bây giờ, tình trạng bệnh của nó đỡ hơn rồi. Những lúc nó tỉnh mà nhớ con, nó lại ngồi may áo, may quần cho con. Hai đứa con nó còn bé nhưng hiểu chuyện lắm. Thỉnh thoảng lại thấy con chị lẻn ra thăm mẹ”, bà M.cho biết.
Lúc Pv hỏi chị Yến, chị có nhớ con không? thì chị lờ mờ hiểu chuyện, ú ớ vài câu mà bấu víu lấy tay áo như để cầu cứu. Trong đôi mắt người đàn bà điên đó, chị đang khóc vì nhớ con, nỗi nhớ đau đến tột cùng.
Theo Tiểu Lâm (Nguoiduatin.vn)