Phạm Sỹ Long (sinh 1988 tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là một trong những người Việt Nam đầu tiên "khao khát" được hiến đầu cho y học.
15 tuổi Phạm Sỹ Long không may gặp tai nạn, từ một người khỏe mạnh anh đã trở thành người tàn phế, đặt đâu nằm đó. Sau nhiều năm vật vã trong đau đớn và tuyệt vọng, anh đã tự tập viết, tập vẽ bằng miệng làm thơ, viết nhật ký, vẽ tranh để vui sống.
Cuối năm 2015, qua thông tin trên báo chí liên tiếp đăng tải chuyện y khoa trên thế giới và Việt Nam đang nghiên cứu việc ghép đầu người, anh Long đã ấp ủ dự định hiến đầu cho y học. Phạm Sỹ Long đã trở thành người đầu tiên của Việt Nam đăng ký hiến đầu cho y học.
Nếu chỉ còn 1 ngày để sống, tôi sẽ dành thời gian vô cùng quý giá đó bên những người thân yêu, đặc biệt là mẹ. Với tôi 24 giờ đó không có gì quý hơn gia đình.
Tôi muốn dành thời gian ngắn đó cho mẹ nhất. Vì bao nhiêu năm qua mẹ chính là động lực để tôi sống. Nếu tôi là cái bấc đèn thì mẹ chính là dầu để bấc cháy. Mẹ chính là nguồn năng lượng để tôi sống. Mẹ đã chịu khổ quá nhiều vì tôi.
Điều là tôi lo lắng nhất, nếu tôi chết đó chính là mẹ. Mẹ đã từng nói với tôi: "Nếu con chết, mẹ cũng không muốn sống tiếp". Tôi sẽ phải làm công tác tư tưởng cho mẹ trước khi chết, sẽ làm mẹ tôi bớt đau buồn. Người sống đau lòng thì người chết làm sao có thể nhắm mắt được.
16 năm qua tôi chỉ đặt đâu nằm đó, nếu chỉ còn một ngày để sống tôi sẽ không làm cho mẹ buồn, mẹ khóc. Tôi sẽ làm những điều gì đó để mẹ cười thật nhiều. Mẹ tôi là người rất khó cười vì cuộc đời mẹ gặp quá nhiều biến cố, con trai tai nạn liệt nằm một chỗ, chồng mất sớm, bao năm qua mẹ đã khóc quá nhiều rồi.
Tôi sẽ nói chuyện, đùa vui để mẹ cười hoặc tôi sẽ hát cho mẹ nghe sẽ làm cho mẹ thấy vui.
Ngày cuối cùng tôi sẽ cho mẹ được nghỉ ngơi hoàn toàn, không phải bồng, bế, cho tôi. 16 năm qua lúc khỏe cũng như ốm mẹ đã luôn phải phục vụ tôi. Cả cuộc đời tôi gắn bó và sống phụ thuộc vào mẹ, nhưng chưa một lần tôi báo hiếu được cho bố mẹ.
16 năm qua, tôi sống bên mẹ không xa rời. Mẹ là người luôn để bên cạnh phục vụ ăn, uống, đi lại… cho tôi, khi phải xa mẹ chắc tôi sẽ nhớ mẹ rất nhiều.
Tôi sẽ nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ, nếu chỉ còn một ngày để sống tôi muốn dành thời gian cho mẹ đầu tiên.
Sau đó, còn thời gian tôi sẽ nhờ mẹ đứa tôi đi thăm mộ bố. Nếu còn dư thời gian tôi sẽ đi chơi quanh xóm làng, chào từ biệt mọi người.
Tôi sẽ dành 1 giờ đồng hồ ra ngắm biển. Khi đứng trước biển cảm giác trong tôi rất khó tả giống như "cá gặp nước vậy". Tôi sẽ nhờ ai té nước lên người mình.
Tôi sẽ yêu cầu gia đình thực hiện di nguyện hiến đầu và xác mình cho y học.
Cuối cùng tôi muốn được chết tại nhà trong vòng tay của mẹ. Mẹ sẽ hát cho tôi một bài hát bất kỳ nào đó và tôi từ từ chìm vào giấc ngủ ngon.
Theo Ngọc Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)