Tại cuộc họp chiều 15/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cũng thống nhất, người Việt Nam nhập cảnh qua đường bộ được cách ly tại khu tập trung của quân đội không phải trả phí cách ly.
Tất cả trường hợp nhập cảnh phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó phải nêu rõ sau khi cách ly về sẽ ở đâu. Từ đó, trong nước sẽ có sự chuẩn bị chủ động, từ đón-đưa đến khu cách ly tập trung và đến khi hoàn thành cách ly phải có bàn giao chi tiết giữa cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly với địa phương đón người về. “Hệ thống thông tin đã hoàn thiện và trở thành một vòng giám sát y tế khép kín. Tôi đề nghị phải tập huấn kỹ, không để lọt thêm bất kỳ một trường hợp nào như từng xảy ra.
Đồng thời, dứt khoát không để tình trạng sau này về đến sân bay mới phát hiện chưa khai báo y tế, gây ùn tắc tại sân bay. Ban Chỉ đạo cũng nêu lo ngại với vấn đề nhập cảnh qua đường bộ, trong đó, các trường hợp nhập cảnh hợp pháp vẫn phải tuân thủ cách ly tập trung và ngăn chặn triệt để nhập cảnh bất hợp pháp. Trong mọi trường hợp, người Việt Nam nhập cảnh qua đường bộ và được cách ly tại các trung tâm cách ly tập trung của quân đội, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đồng ý sẽ không thu phí”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, cho biết tại cuộc họp.
Có thể cách ly hơn 14 ngày
Ban Chỉ đạo thống nhất rằng, trước sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2, chủ trương chung là giảm thiểu các chuyến bay. Với các chuyến bay giải cứu, công dân, chuyên gia vào Việt Nam phải được cách ly và đặc biệt là quản lý sau thời gian cách ly một cách nghiêm ngặt. Người trên các chuyến bay từ vùng đã xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 sẽ phải kéo dài thời gian cách ly tập trung. Những trường hợp trước đây có quy định có thể cách ly dưới 14 ngày thì hiện nay phải cách ly tối thiểu 14 ngày. Các lực lượng y tế và quân đội sẽ xem xét cụ thể những trường hợp ở nước ngoài về và có thể quyết định cách ly trên 14 ngày. Thực tế vừa qua, đã có những trường hợp sau 14 ngày cách ly vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Nếu phát hiện người lạ, người có biểu hiện từ nước ngoài về, người dân cần báo với chính quyền địa phương. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho ngư dân để khi phát hiện trường hợp chở người ở nước ngoài về hoặc có người đi nhờ thuyền về thì ngay lập tức có biện pháp phòng dịch và thông tin cho lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương từ ngay trên thuyền. “Đây là trách nhiệm phòng chống dịch cho toàn cộng đồng. Nếu lơ là điều này thì vô hình trung, chúng ta sẽ tiếp tay cho việc nhập cảnh trái phép và có thể gieo rắc mầm bệnh trong cộng đồng. Tôi đề nghị chúng ta phải siết chặt kiểm soát vấn đề này”, Phó Thủ tướng nói.
Ban Chỉ đạo cho biết, dù đã có vắc-xin ngừa COVID-19 nhưng sẽ phải nhiều tháng nữa người dân mới có thể tiếp cận rộng rãi vắc-xin này. Để chống dịch, đảm bảo an toàn cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: “Các tỉnh phải rà soát lại toàn bộ các phương án và kịch bản phòng chống dịch, phân công, cử những người trong thời gian diễn ra đại hội phải trực chống dịch như thế nào, xử lý thay phần việc của lãnh đạo trong Ban Chỉ đạo đang tham dự đại hội ra sao và cơ chế thông tin, báo cáo trong thời gian diễn ra đại hội về tình hình phòng, chống dịch tại địa phương. An toàn chống dịch không chỉ trong đại hội mà còn trên toàn quốc”.
Theo Thái Hà (Tiền Phong)