Người thân ở quê nhà của đại tá Toàn: Cả dòng họ tôi giấu bố mẹ anh ấy, các cụ 80 tuổi rồi!

17/06/2016 21:35:00

Kể từ khi nghe tin Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918 (cơ trưởng máy bay CASA) mất tích cùng 8 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp khi tìm kiếm nạn nhân Su-30, người dân nơi quê huơng Đại tá đứng ngồi không yên chờ tin ông.

Kể từ khi nghe tin Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918 (cơ trưởng máy bay CASA) mất tích cùng 8 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp khi tìm kiếm nạn nhân Su-30, người dân nơi quê huơng Đại tá đứng ngồi không yên chờ tin ông.

Như tin đã đưa, vào lúc 12h30 ngày 16/6, chiếc máy bay tuần thám CASA số hiệu 8983 do Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918 lái chính đã bị mất liên lạc cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý. Máy bay chở theo 6 sĩ quan và 3 quân nhân chuyên nghiệp,

Máy bay gặp nạn khi đang trên đường đến nơi phát hiện vật nghi vấn là áo phao của phi công Trần Quang Khải - người mất tích trên máy bay Su-30 ngày 14/6 trước đó.

Người thân quê nhà mong ngóng tin tức cơ trưởng máy bay CASA mất tích - Ảnh 1.
Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân Vận tải 918, lái chính chiếc CASA-212 số hiệu 8983 gặp nạn. Ảnh Zing

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam, vào thời điểm gặp nạn, trên máy bay CASA-212 có tất cả 9 người. Trong đó hiện mới chỉ công bố danh tính của lái chính. Đó là Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân Vận tải 918.

Đại tá Lê Kiêm Toàn (SN 1961, quê ở Thanh Oai, Hà Nội) là một phi công dày dạn kinh nghiệm với tổng số giờ bay tích lũy gần 3.000 giờ. Trong chiến dịch của không quân Việt Nam tìm kiếm máy bay MH370 mất tích vào tháng 3/2014, Đại tá Toàn chính là người đã lái chính máy bay CASA-212 được cử đi.

Sáng nay 17/6, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam đã công bố nguyên nhân xảy ra sự việc là do máy bay gặp thời tiết xấu, xin giảm độ cao rồi dẫn đến sự cố đáng tiếc.

Người thân quê nhà mong ngóng tin tức cơ trưởng máy bay CASA mất tích - Ảnh 2.
Ông Cự lo lắng khi nghe tin Đại tá Toàn mất tích cùng 8 cán bộ chiến sĩ.

Một ngày kể từ khi nghe tin Đại tá Toàn cùng 8 cán bộ chiến sĩ khác mất tích khi tham gia tìm kiếm nạn nhân Su-30, tiếp chúng tôi tại quê hương Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) là những người trong dòng tộc Lê Đình của Đại tá Toàn. Bởi lẽ, từ nhiều năm nay, gia đình Đại tá Lê Kiêm Toàn đã không sinh sống trên mảnh đất này.

Khi vừa nhắc tới câu chuyện của Đại tá Toàn, ông Lê Đình Cự (63 tuổi, bộ đội nghỉ hưu) thở dài: "Cả dòng họ chúng tôi cũng đang lo lắng lắm, suốt qua đến nay mọi người cứ hỏi han thông tin về anh ấy mãi".

Nói rồi, ông Cự dẫn chúng tôi tới nhà thờ họ, nơi mà hàng năm, Đại tá Toàn vẫn cùng gia đình về thắp hương mỗi dịp lễ tết hay ngày trọng đại của dòng họ.

Người thân quê nhà mong ngóng tin tức cơ trưởng máy bay CASA mất tích - Ảnh 3.
Theo ông Ngân, Đại tá Toàn là người hiền lành, quan tâm mọi người.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Đình Ngân (57 tuổi), người trong dòng họ với Đại tá Toàn vẫn chưa hết bất ngờ kể từ khi biết tin. Suốt từ qua đến nay ông liên tục hỏi han anh em dòng họ về tình hình tìm kiếm người thân của mình.

Ông Ngân cho biết, tối qua (16/6), ông đang ngồi xem tivi thì giật mình khi nghe tin báo Đại tá Toàn cùng 8 chiến sĩ mất liên lạc khi tìm kiếm máy bay Su-30 mất tích từ 2 ngày trước đó.

"Nghe tên anh ấy mà tôi giật cả mình nên liền gọi điện thoại cho mọi người thân thì bảo đúng là anh ấy mất tích. Suốt từ qua đến nay anh em trong nhà đứng ngồi chờ tin lực lượng chức năng tìm kiếm nóng ruột quá", ông Ngân chia sẻ.

Người thân quê nhà mong ngóng tin tức cơ trưởng máy bay CASA mất tích - Ảnh 4.
Kể từ khi nghe tin Đại tá Toàn mất tích mọi người trong dòng họ mở cửa nhà thờ họ cầu nguyện cho ông.

"Trưa nay, gia đình cũng nghe tin từ lực lượng cứu hộ báo về tìm thấy mảnh vỡ của chiếc máy bay CASA. Hiện tại vẫn chưa có thông tin nào về anh ấy và các chiến sĩ khác. Gia đình đang ở nhà chờ tin. Kể từ khi nghe tin nhà thờ họ mở để mọi người đến cầu nguyện cho anh ấy và các chiến sĩ cán bộ trong đội tìm kiếm", ông Ngân chia sẻ.

Ông Ngân cho biết, Đại tá là người cùng anh em trong họ và chơi với nhau từ lúc bé. Đại tá Toàn là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh em. Bản thân ông lập gia đình và vợ cũng công tác trong ngành quân đội và có 2 người con gái.

"Anh ấy học giỏi, là người rất hiền lành, sau này khi lớn thoát ly và làm ăn sinh sống ở Gia Lâm, Hà Nội nhưng trong dòng họ có công việc, đám giỗ nào anh ấy đều đưa vợ con về. Ai ai trong dòng họ cũng yêu quý", ông Ngân nói.

Cha mẹ của Đại tá vẫn chưa biết tin ông mất tích

Người thân quê nhà mong ngóng tin tức cơ trưởng máy bay CASA mất tích - Ảnh 5.
Ông Quảng buồn bã khi nghe tin.

Nói về Đại tá Toàn, ông Lê Đình Quảng (Trưởng chi dòng họ Lê Đình) cũng không ngớt lời khen ngợi. Nghe tin ông mất tích cùng đoàn tìm kiếm ông và một số người thân liên tục tìm đọc thông tin. Hôm nay, 2 người trong dòng họ cũng đã về nhà của Đại tá Toàn để chờ tin tức. Và người thân cũng đang rất nóng lòng. Theo người thân, hiện tại cha mẹ Đại tá Toàn (khoảng 80 tuổi) vẫn chưa biết tin ông mất tích.

"Mọi người trong nhà phải giấu hết thông tin, cũng tắt cả tivi để tránh các cụ biết bất cứ thông tin gì. Giờ ai ai cũng mong ngóng chờ tin thôi. Cách đây gần 2 tháng anh ấy mới về quê chơi, còn mang quà cho các cháu nữa. Giờ chỉ biết cầu mong sớm có tin tức của anh ấy", một người thân nói.

Theo thông tin mới nhất, vào khoảng 12h trưa 17/6 tàu cảnh sát biển 2008 của Bộ tư lệnh Hải quân vùng 1 đã trục vớt những mảnh vỡ của tuần thám CASA gồm mảnh thân máy bay bị vò nát có dòng chữ "Cảnh sát biển Việt Nam", một chiếc giầy, chiếc balô đựng vật dụng cá nhân, đồ cứu hộ đi cùng phi công…

Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương được đặt tại Bộ Tư lệnh Hải quân, do trung tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng trực tiếp chỉ huy.

Bộ Quốc phòng cho hay, lực lượng tham gia tìm kiếm được huy động lên tới hơn 1.500 người, trong đó có hơn 700 người đến từ Quân khu 4, Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Phòng không không quân. Khoảng 800 ngư dân tàu cá được huy động tham gia tìm kiếm các dấu vết của hai chiếc máy bay và 10 cán bộ, chiến sĩ.

Bộ Quốc phòng cũng điều 184 phương tiện, trong đó có 3 chiếc Mi171, 2 chiếc EC1555 của Binh đoàn 18 cùng 155 tàu xuồng các loại và hàng trăm phương tiện của ngư dân. Đặc biệt, Trung tâm cứu nạn hàng hải đã bố trí 3 tàu SAR với trang thiết bị hiện đại, camera hồng ngoại giúp phát hiện, tìm kiếm các đối tượng, vật thể cả ngày và đêm, thậm chí trong thời tiết xấu.

Do vị trí máy bay CASA rơi gần với đường phân định vịnh Bắc Bộ nên từ đêm qua, qua đường dây nóng, Bộ Quốc phòng đã đã liên hệ với cơ quan hữu quan Trung Quốc để cùng tìm kiếm, tạo điều kiện cho tàu, máy bay Việt Nam hoạt động ở phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ.


Theo Định Nguyễn (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)