Chị Nguyễn Tuyết Phương (32 tuổi, trú thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh) làm nghề mua bán ở cảng cá Đề Gi. Vì mong muốn dành dụm được một khoản tiền để cuối năm trang trải cho gia đình, từ tháng 2/2023 chị Phương tham gia góp hụi cho chủ hụi Hà Thị Thơm, trú cùng thôn.
Mỗi tháng, chị Phương góp cho bà Thơm 5 triệu đồng. Đến tháng 9, chị Phương không thể lấy lại số tiền mình đã góp hụi nên ngừng góp. Từ đó đến nay, chị Phương nhiều lần tìm bà Thơm đòi nợ, nhưng sau nhiều lần hứa hẹn, bà Thơm tuyên bố không có khả năng chi trả khiến chị Phương bức xúc.
“Nhiều người hỏi sao không bỏ tiền vào ngân hàng, nhưng mình lao động tay chân, đồng tiền không cố định, mình phải ăn nhín, nhịn thèm để góp mong cuối năm hốt hụi trang trải cho gia đình. Mình cũng tin tưởng bà Thơm vì là hàng xóm bao nhiêu năm, tuy nhiên, đến ngày xổ hụi bà Thơm không xổ, bỏ vào Sài Gòn ở. Bây giờ bà Thơm nói không có khả năng trả nữa. Đồng tiền đi liền khúc ruột mà thế này phải làm sao”, chị Phương lo lắng.
Chị Đặng Thị Thảo Sương (32 tuổi, trú thôn An Quang Đông) cũng tham gia góp hụi cho bà Thơm từ tháng 2/2022. Ngoài ra, chị Sương còn cho bà Thơm vay 60 triệu đồng.
Đến nay, tổng số tiền chị Sương góp hụi và cho bà Thơm vay lên đến 120 triệu đồng. Sau nhiều lần đòi tiền không được, chị Sương đã làm đơn trình báo lên Công an huyện Phù Cát.
“Tôi chơi hụi để cuối năm lấy tiền thả cá, mà đến ngày lấy hụi thì không lấy được. Mỗi khi muốn lấy bà Thơm đều nói có người khác lấy rồi. Tháng thứ hai, tháng thứ ba cũng không lấy được, đến tháng thứ tư thấy ai cũng không lấy được chúng tôi mới biết là bà Thơm lấy tiền hết rồi”, chị Sương bức xúc.
Sau thời gian dài đòi tiền nhưng bà Hà Thị Thơm không trả, khoảng 20h ngày 12/1, một số người dân tham gia góp hụi và cho bà Thơm vay ở xã Cát Khánh kéo đến nhà bà để đòi nợ. Sự việc được một người dân quay và livestream trên Facebook nên có rất đông người đến xem trước hẻm nhà bà Thơm gây ách tắc giao thông.
Nhận được thông tin, Công an xã Cát Khánh và các đoàn thể của xã đã đến nơi xảy ra vụ việc để ổn định tình hình, vận động giải thích cho người dân không tụ tập đông người. Đến khuya cùng ngày, người dân mới giải tán.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn huyện xảy ra vụ người dân góp hụi và cho vay nhưng không lấy lại được tiền. Dù lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhưng sự việc vẫn tiếp diễn.
Công an huyện đang hướng dẫn người dân làm đơn gửi cơ quan chức năng giải quyết. Qua việc tố cáo của người dân, cơ quan chức năng sẽ tổng hợp số người bị hại và số tiền để có phương án xử lý.
Theo Diễm Phúc (VietNamNet)