Người Hà Nội khổ sở khi thành phố chìm trong sương mù dày đặc vào sáng sớm

20/10/2015 11:09:08

Bầu trời mù sương khiến nhiều người thích thú khi cảnh sắc Thủ đô khá lãng mạn vào đầu giờ sáng. Tuy nhiên, hình thái thời tiết này cũng đem lại cảm giác khó chịu cho nhiều người dân, nhất là đối với người già, phụ nữ và trẻ em.

Bầu trời mù sương khiến nhiều người thích thú khi cảnh sắc Thủ đô khá lãng mạn vào đầu giờ sáng. Tuy nhiên, hình thái thời tiết này cũng đem lại cảm giác khó chịu cho nhiều người dân, nhất là đối với người già, phụ nữ và trẻ em.

Sương mù xuất hiện mạnh nhất vào khoảng 5-6h và từ 8h sáng, khi mặt trời bắt đầu lên cao hơn, sương tan dần. Đến trưa thì hiện tượng sương mù cũng hoàn toàn biến mất.

Thời tiết mù sương đem lại một quang cảnh khá lãng mạn vào sáng sớm. Nhiều người cho rằng, thời gian gần đây, bầu trời Thủ đô luôn mịt mờ sương khói, chẳng khác nào thành phố của xứ sở sương mù - London. Tuy nhiên, hình thái thời tiết này cũng khiến khá nhiều người cảm thấy khó chịu, nhất là những ai có việc phải di chuyển vào sáng sớm.
 

Một góc đường Liễu Giai - Văn Cao hướng đi Nguyễn Chí Thanh bị hạn chế tầm nhìn vì sương mù. Nhiều phương tiện phải bật đèn để tiện di chuyển.

Sự khó chịu đầu tiên phải kể đến là tầm nhìn bị che khuất. Anh Nguyễn Văn Tám (Long Biên - Hà Nội) chia sẻ: "Mình thuê nhà cách chỗ làm khá xa, từ Long Biên đi tới chỗ làm ở Trường Chinh gần như hôm nào cũng mất 1 tiếng nên tranh thủ đi sớm. Mấy hôm nay đi từ 7h kém 15 mà trời sương mù dày đặc, tầm nhìn bị hạn chế nên mình phải giảm tốc độ, không dám đi nhanh, thành ra cuối cùng lại thành đi muộn hoặc gặp phải nạn tắc đường khủng khiếp".

Bên cạnh đó, hình thái thời tiết này cũng khiến nhiều người già, phụ nữ và trẻ em cảm thấy khó chịu. Lớp sương mù dính vào quần áo khiến họ có cảm giác bị lạnh. Nhiều người khi ra đường quên không mang theo khẩu trang thường cảm giác cổ họng bị khô, lạnh. Một số người khác thì cảm thấy háo nước, cơ thể mệt mỏi, đầu đau nhức vì sương mù.

"Hôm qua mình đi từ sáng sớm lúc 5h sáng, di chuyển từ quê nội (Thanh Oai - Hà Nội) đến chỗ làm ở Nguyễn Trãi - Thanh Xuân với khoảng cách khoảng 35km. Khi đến nơi thì miệng khô khốc, đau họng, mệt mỏi vì sáng sớm đi đường mặc hơi ít áo mà trời mù sương, nền nhiệt khá thấp và lạnh. Đi đến được chỗ làm thì quần áo cũng ẩm ẩm vì sương mù nên càng cảm thấy khó chịu", chị Hoàng Thị Thùy (nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội) tâm sự.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết, thời tiết nhiều sương khiến bà cảm thấy đầu óc đau nhức, tóc rụng nhiều, cơ thể mệt mỏi, háo nước. "Bình thường mọi sáng tôi đi tập thể dục từ  5h sáng, đi bộ từ Thụy Khuê lên tận Quảng trường Ba Đình nhưng mấy hôm nay cũng đành chịu vì sương mù làm tôi mệt quá. Hôm qua đi tập thể dục về chẳng những không khỏe ra mà còn thấy mệt vì đau đầu, bị lạnh, người rất mệt mỏi và háo nước. Mấy hôm nay ra đường vào buổi sáng, tôi đều đội mũ lưỡi trai tránh sương nhưng không hiểu sao mỗi khi về, đầu tóc vẫn ướt dính và gãy rụng nhiều".

Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại Hà Nội vào sáng nay:
 
Cầu Long Biên trở nên huyền ảo hơn vì sương mù.
 
Bên cạnh vẻ thơ mộng thì thời tiết mù sương cũng khiến việc di chuyển gặp khó khăn, nguy hiểm hơn khi tầm nhìn bị hạn chế.
 
Hồ Tây như biến mất trong làn sương mù trắng xóa.
 
Mặt nước phẳng lặng, yên bình khiến người ta có cảm giác lòng hồ rất nông.
 
Những chiếc thuyền ra khơi sớm chìm lấp trong làn sương khói mịt mờ.
 
Những tòa nhà cao ốc gần như bị sương mù "nuốt chửng".
 
Khung cảnh sáng sớm ở hồ Gươm.
 
Cả TP như chìm trong mây khói. Nhiều tòa nhà vẫn sáng đèn dù đồng hồ đã điểm qua 6h sáng.
 
Cụ già trầm ngâm ngắm mặt hồ ngập trắng sương mù.
 
Bãi cỏ lau ở khu vực bãi giữa sông Hồng.
 
 
 
Những góc cảnh này khiến người ta có cảm giác, Hà Nội thật giống với một TP ở miền núi cao.
 
Cầu Long Biên nhìn từ xa như trở nên bé nhỏ, mảnh mai và chìm lấp hẳn trong làn sương mù dày.
 
Hình thái thời tiết này chỉ thực sự biến mất khi về trưa, ánh mặt trời chiếu rọi mạnh mẽ.
 

Sương mù có độc không?

Theo các chuyên gia, vào những ngày có sương mù để tránh hít phải các chất độc bay lơ lửng trong không khí, người dân nên tránh ra đường vào lúc sáng sớm.

Nếu phải ra đường thì tốt nhất là nên đeo khẩu trang để tránh bụi, khói, các chất độc có trong không khí.

Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ giải thích, bản chất của sương mù là không độc bởi sương mù chỉ là hiện tượng hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt nước rất nhỏ lơ lửng trong không khí.

Sự nguy hiểm lớn nhất của sương mù là làm giảm tầm nhìn. Ngoài ra, đối với một số người bị bệnh về đường hô hấp cũng có thể bị ảnh hưởng nếu bị dính các "hạt nước nhỏ".

Bản thân sương mù không chứa các chất độc cũng là quan điểm của ông Bùi Hoài Thanh, trưởng phòng Quan trắc môi trường, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý là khi sương mù xuất hiện chúng có thể cản quá trình khuếch tán của các bụi, khói... có trong không khí, khiến các chất này bị "lưu giữ" lại ở tầng thấp lâu hơn.

Các chuyên gia cảnh báo, vào những ngày có sương mù, các phương tiện giao thông nhất là các phương tiện giao thông đường thủy cần phải giảm tốc độ do sương mù hạn chế tầm nhìn. Đối với việc đóng kín nhà cửa để hạn chế sương mù thì không quá cần thiết vì khi sương mù "xâm nhập" vào nhà sẽ bị các đồ dùng trong gia đình (quạt, điều hòa...) cản lại và đẩy ra.

(Tổng hợp)

 
>> Hà Nội xuất hiện sương mù
>> Sài Gòn lại chìm trong sương mù
>> "Mù khô" nguy hiểm đến sức khỏe như thế nào?
>> Màn mù khô trắng đục phủ khắp Sài Gòn, nghi từ Indonesia "tràn" sang
>> Sài Gòn chìm trong "sương" do ô nhiễm
>> Chìm trong sương mù, Sài Gòn thành "Đà Lạt thứ hai"

Theo Thu Hường - Ảnh: Doãn Tuấn (Kenh14.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật