"Gửi tro cốt vào chùa là xuất phát từ niềm tin tâm linh của người dân. Ai cũng mong người gửi tro cốt người thân vào chùa để linh hồn người thân được nghe kinh kệ, được cầu nguyện mà sớm ngày vãng sinh cực lạc. Đây là nhu cầu lành mạnh, theo thời gian nhu cầu này càng tăng lên. Dĩ nhiên, sẽ đến lúc các chùa không thể tiếp tục nhận tro cốt.
Quan điểm của chùa Vĩnh Nghiêm sẽ nhận giữ tro cốt đến khi hết chỗ và tro cốt được giữ ở chùa vĩnh viễn, không phân biệt thời gian gửi. Tuy nhiên, nhà chùa cũng khuyên Phật tử, người dân đừng quá đặt nặng việc tro cốt nhất thiết phải gửi ở chùa vĩnh viễn hay nhiều năm thì người mới được siêu thoát.
Chúng ta hãy xem tro cốt như một di vật của người mất để lại. Còn muốn người mất sớm đạt an vui cực lạc thì người còn sống nên hành thiện, tích đức cho mình và cho người thân quá cố.
Nhiều quốc gia khác theo đạo Phật, khi tro cốt của thân nhân gửi được một thời gian, người thân sẽ tự nguyện đến chùa nhận lại tro cốt và thủy táng, còn di ảnh thì được tiếp tục thờ ở chùa. Nhiều chùa tại Nhật Bản còn có các tượng Phật được đúc bằng tro cốt từng gửi ở chùa. Đây là những ví dụ chúng ta nên học hỏi".
(Thượng tọa THÍCH THANH PHONG - Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm - cho biết trên Báo Pháp luật TP HCM ngày 8/9).
Theo PV (Người Lao Động)