Người đàn ông nhiễm độc kim loại nặng, suy thận: 'Thủ phạm' là thứ không ngờ tới

24/11/2024 20:43:48

Người đàn ông Thanh Hóa đi khám do đau buốt vùng khớp háng và được chẩn đoán nhiễm độc kim loại nặng, suy thận.

Ông T ở Thanh Hóa tới Bệnh viện Vinmec thăm khám do bị đau buốt vùng khớp háng. Thời điểm đi khám, bệnh nhân phải di chuyển bằng xe lăn do đau buốt không dứt tại khớp hang.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng xuất hiện các dấu hiệu của suy thận do nhiễm độc ion kim loại.

Ông T được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu để xác định khối u tại xương chậu là u xương ác tính hay thể giả u. Sau khi đánh giá, các bác sĩ xác định 80% đây là thể giả u và chỉ định phẫu thuật.

Ở Việt Nam, thể giả u chỉ chiếm dưới 1% các ca thay khớp háng nhưng lại khiến quá trình chẩn đoán trở nên phức tạp, dễ gây nhầm lẫn với ung thư.

Qua khai thác tiền sử, năm 2006 ông T là một trong những bệnh nhân thuộc thế hệ đầu tiên ở Việt Nam được thay khớp háng cả hai bên.

Người đàn ông nhiễm độc kim loại nặng, suy thận: 'Thủ phạm' là thứ không ngờ tới
Bệnh nhân T. (Ảnh BSCC)

Tuy nhiên, khớp nhân tạo thế hệ cũ có thiết kế vật liệu chưa tối ưu, gây mài mòn giữa chỏm kim loại và mặt khớp nhựa. Quá trình này giải phóng các mạt kim loại và nhựa, gây nguy cơ viêm, nhiễm độc và các biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.

Đây cũng là nguyên nhân khiến ông T bị nhiễm độc ion kim loại nghiêm trọng. Biến chứng hiếm gặp này không chỉ gây viêm tiêu xương mà còn dẫn đến sự hình thành khối giả u lớn tại xương chậu.

GS.TS.BS Trần Trung Dũng, Bệnh viện Vinmec cho hay: "Biến chứng nhiễm độc kim loại do mài mòn khớp nhân tạo chỉ chiếm dưới 5% số ca thay khớp toàn cầu. Biến chứng chủ yếu xảy ra với các khớp thế hệ cũ được sản xuất hơn 20 năm trước. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm chẳng hạn như suy thận trước khi khối giả u được xử lý”.

Theo giáo sư Dũng, với trường hợp của bệnh nhân T, đội ngũ y bác sĩ ứng dụng công nghệ 3D để chuẩn bị kế hoạch phẫu thuật, chủ động xử lý khi gặp cả hai trường hợp. Nếu là u ác tính thì bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ xương chậu tổn thương. Trường hợp bệnh nhân có khối giả u thì bác sĩ làm sạch ổ viêm và tái tạo xương bằng vật liệu nhân tạo, bảo tồn tối đa xương chậu và thay khớp háng.

Đồng thời, đội ngũ phẫu thuật cũng phải chọn lựa kỹ lưỡng và chuẩn bị vật liệu khớp háng mới để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc kim loại cho bệnh nhân.

Ca bệnh phức tạp

BSCKII Phạm Trung Hiếu, Bệnh viện Vinmec cho biết, quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân vô cùng phúc tạp. Khi mở ổ khớp háng của bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ phát hiện gần nửa lít dịch khớp màu đen như dầu nhớt tích tụ quanh khớp nhân tạo cũ, chứa đầy mạt kim loại và nhựa. Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc kim loại kéo dài, gây tổn thương cho các cơ quan nội tạng, đặc biệt là thận và tim.

Người đàn ông nhiễm độc kim loại nặng, suy thận: 'Thủ phạm' là thứ không ngờ tới - 1
Bệnh nhân đi lại sau phẫu thuật. (Ảnh BSCC)

Sau khi loại bỏ triệt để khối giả u chứa dịch nhầy đen, các bác sĩ tiếp tục sử dụng công nghệ 3D để thiết kế mô hình xương chậu tùy chỉnh, khắc phục các khuyết hổng do tiêu xương với độ chính xác cao. Phần khớp háng thay thế sử dụng gốm ceramics, đây là loại vật liệu có độ trơ cao, giúp hạn chế tối đa việc giải phóng mạt kim loại và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm độc kim loại sau này.

Ngay ngày đầu tiên sau mổ, ông T đã có thể ngồi dậy và bắt đầu tập đi lại. Đây là một bước tiến vượt bậc sau thời gian dài bệnh nhân phải ngồi xe lăn. Tình trạng suy thận do nhiễm độc kim loại cũng đã được kiểm soát, chức năng thận đang dần hồi phục. Đặc biệt, chỉ sau một tuần, ông T đã có thể đi lại mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật