Thời tiết chuyển lạnh, ngày càng có nhiều người lựa chọn mang bình giữ nhiệt, cốc giữ nhiệt để giữ cho đồ uống được ấm nóng và cũng là để bảo vệ môi trường, hạn chế dùng đồ nhựa. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại vấn đề an toàn khi sử dụng bình, cốc giữ nhiệt bằng thép không gỉ để đựng các loại đồ uống khác ngoài nước lọc ấm.
Đặc biệt, có nhiều người truyền tai nhau rằng không dùng bình, cốc giữ nhiệt để đựng trà hoặc cà phê vì có thể hòa tan kim loại nặng vào nước.
Kim loại nặng có thể hòa tàn vào trong trà, cà phê không?
Cốc, bình giữ nhiệt có bán trên thị trường hầu hết được làm bằng thép không gỉ. Thép không gỉ là một hợp kim, ngoài sắt, còn chứa niken, crom, molypden, vonfram và các nguyên tố kim loại khác. Có 2 loại thép không gỉ phổ biến mà chúng ta thường nghe là 304 và 316. Đây thực ra là một hệ thống đánh số (cấp thép SAE) cho hợp kim sắt do Hiệp hội Kỹ sư Ô tô (SAE) đề xuất.
304 chủ yếu bao gồm 18% crom, cộng với 8% niken và một lượng mangan, trong khi 316 là 18% crom, cộng với 10% niken và một lượng molypden. Trong đó, crom sẽ tạo thành một lớp màng bảo vệ crom oxit trên bề mặt để đạt được tác dụng chống gỉ, trong khi niken có tác dụng chống ăn mòn.
Cho dù bạn đựng đồ uống có tính axit như nước chanh, nước cam, cà phê hay trà, sữa giàu protein hay sữa đậu nành, về cơ bản sẽ không có vấn đề gì. Trừ khi là thực phẩm có tính axit hoặc kiềm mạnh có giá trị pH nhỏ hơn 2 hoặc lớn hơn 10 thì kim loại nặng mới có thể hòa tan. Tuy nhiên, với chất lỏng có giá trị pH này, bạn thậm chí còn không thể uống được nếu không sẽ bỏng thực quản.
Tiến sĩ Yang Zhenchang, Giám đốc Khoa Y học Nghề nghiệp và Độc chất Lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng chỉ ra rằng các kim loại nặng như chì, niken và crom thường không hòa tan khi vật liệu thép không gỉ tiếp xúc với chất có tính axit. Trừ khi bề mặt thép không gỉ đã bị ăn mòn. Vì vậy, trong trường hợp bình thường, đồ uống thông thường sẽ không có tác dụng có hại đối với thép không gỉ.
Thời gian lưu trữ và làm sạch mới là vấn đề
Khi sử dụng cốc (chai) giữ nhiệt bằng thép không gỉ, loại đồ uống thực sự không phải là vấn đề, điều thực sự cần chú ý là thời gian lưu trữ và phương pháp làm sạch.
Đối với các đồ uống có tính axit và kiềm như nước chanh, nước cam, cà phê, trà thì việc sử dụng bình thường không phải là vấn đề lớn nhưng nếu bạn để đồ uống đó trong bình, cốc giữ nhiệt vài ngày thì chất liệu thép không gỉ sẽ tiếp xúc với axit và kiềm, để lâu không thể tránh khỏi phản ứng xảy ra. Còn sữa và sữa đậu nành rất giàu protein, dễ bị phân hủy và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sản.
Ngoài ra, nhiều người ngay cả khi đã uống hết nước nhưng chỉ đơn giản rửa sạch nó bằng nước, cách làm này không đảm bảo loại bỏ được hết cặn bẩn trong cốc, bình giữ nhiệt. Nhưng nếu dùng bàn chải thép hay sắt để chà xát cũng không được vì có thể để lại những vết xước không thể phục hồi trên bề mặt inox, những vết xước này không chỉ dễ sinh sản vi khuẩn mà còn làm giảm tác dụng chống gỉ, chống ăn mòn của thép không gỉ.
Cách tốt nhất để vệ sinh cốc, bình giữ nhiệt đó là ngâm trong nước ấm trước, sau đó dùng một ít chất tẩy rửa hoặc baking soda, dùng bàn chải mềm (hoặc miếng bọt biển) có cán dài làm sạch bên trong.
Ngoài việc vệ sinh trong lòng cốc, bình, cũng cần đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh phần vành và nawos cũng như tất cả các loại cao su, nhựa tiếp xúc với miệng. Mục đích của các vòng cao su, nhựa, silicon của cốc (bình) giữ nhiệt là để chống rò rỉ, đây cũng là nơi dễ tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn dễ sinh sản nhất nên hãy đặc biệt chú ý vệ sinh cẩn thận, có thể dùng tăm bông hoặc bàn chải nhọn để xử lý bụi bẩn ở các kẽ hở.
Cuối cùng, khi sử dụng cốc, bình giữ nhiệt, bạn hãy thường xuyên kiểm tra xem thân bình có bị biến dạng, hư hỏng do va chạm hay không, bên trong bình có bị trầy xước quá nhiều hay không, có cao su, nhựa, silicone chịu nhiệt bị nứt, giòn và có mùi rỉ sét không? Nếu xảy ra tình trạng trên hãy thay thế ngay.
Theo Minh Minh (Đời Sống Gia Đình)