Người dân "like mạnh" hình thức phạt lao động công ích khi vi phạm giao thông
07/08/2016 08:41:00
Đề xuất xử phạt vi phạm giao thông bằng hình thức lao động công ích được đăng tải trên VTC News đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận, có bạn đọc còn dùng từ "like mạnh" cho vấn đề này.
Đề xuất xử phạt vi phạm giao thông bằng hình thức lao động công ích được đăng tải trên VTC News đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận, có bạn đọc còn dùng từ "like mạnh" cho vấn đề này.
Từ đầu tháng 8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ được áp dụng. Trong đó, sẽ tăng mức phạt 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông so với Nghị định 171, 107 được ban hành và áp dụng trước đó.
Nghị định này lập tức nhận được những ý kiến phản hồi trái chiều từ người dân, đặc biệt là những tranh cãi quanh việc tăng mức xử phạt.
Sau khi chúng tôi đăng tải bài phỏng vấn chuyên gia giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – ông Bùi Danh Liên về vấn đề này thì ông có đưa ra quan điểm và đề xuất là: “Thay vì cứ đè cổ người dân ra phạt tiền thì nên có thêm hình thức phạt lao động công ích đối với người vi phạm những lỗi ý thức như vượt đèn đỏ, vàng, đi sai làn, không chấp hành biển báo…” |
Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ độc giả.
Độc giả Đức Dân bình luận: “Tôi rất ủng hộ quan điểm này, cứ vi phạm những lỗi ý thức thì phải đi lao động công ích. Kẻ cậy lắm tiền nếu vi phạm cứ móc ví nộp rồi lại được đi, như thế họ sẽ coi thường pháp luật. Vì vài trăm nghìn có đáng gì với những người có tiền đâu. Có tăng nữa thì họ cũng chẳng sợ, nhưng nếu vi phạm phải ra đi lao động công ích thì sẽ xấu hổ lắm, lần sau đảm bảo chẳng dám vi phạm.”
Độc giả Lê Anh Tuấn cũng cho rằng: “Rất đồng ý với đề xuất. Việc tăng nặng mức xử phạt gây nhiều ức chế cho người vi phạm và nếu thực hiện không tốt thì phát sinh nhiều tiêu cực tinh vi hơn…”.
Anh Bùi Thắng (TP.HCM) cho biết: “Tôi ủng hộ hình thức phạt này, vừa không tiêu cực vừa mang tính giáo dục cao, chắc chắn sẽ có hiệu quả. Một yếu tố nữa là các cơ quan chức năng đã làm là làm đến nơi đến chốn, chứ làm kiểu đánh chống bỏ dùi thì có làm kiểu gì thì ý thức người dân cũng vẫn thế thôi.
Thực tế cho thấy đợt ra quân nào cũng báo cáo đẹp nhưng rồi 1 thời gian sau tình trạng vi phạm lại tái diễn. Sao không là cả năm ra quân, ngày nào cũng là ngày ra quân có phải tốt hơn không. Tóm lại, người thi hành pháp luật phải nghiêm minh, trách nhiệm thì mới mong thay đổi được ý thức người dân.”
Nhiều người chỉ ra rằng, đây không phải lần đầu nhà chức trách nâng mức xử phạt đối với vi phạm giao thông. Song có thể thấy, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận lớn người dân vẫn không được nâng cao, nếu không muốn nói là xuống cấp trầm trọng.
Tình trạng vượt đèn đỏ ở các ngã tư nếu không có CSGT đứng chốt vẫn thường xuyên xảy ra, giờ cao điểm xe lao lên cả vỉa hè, đi sai làn đường… xảy ra phổ biến. Hệ lụy nhãn tiền có thể thấy hằng ngày, hàng tháng đó là những vụ tai nạn tàn khốc mà nguyên nhân tai nạn vẫn lại là câu chuyện ý thức người tham gia giao thông.
Vì thế, việc đánh vào ý thức người dân chứ không phải túi tiền mà Chủ tịch HHVT Hà Nội đưa ra được người dân rất kỳ vọng sẽ làm thay đổi, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Thực tế, một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng hình thức này từ rất lâu, đơn cử như “hàng xóm” nước ta là Trung Quốc.
Cũng có ý kiến cho rằng khó thực thi việc phạt lao động công ích: “Bố trí việc cho người vi phạm làm, rồi phải có cán bộ giám sát, quản lý họ sẽ mất nhiều thời gian và nhân lực lắm. Với tình trạng vi phạm như cơm bữa ở ta thì lấy đâu đủ người để giám sát người vi phạm bị phạt. Ý kiến rất tốt nhưng không khả thi đâu, cứ phạt nặng tiền, tịch thu xe, tiêu hủy xe là khiếp sợ hết” – độc giả Trương Đình Lam nêu quan điểm. Theo Đức Thuận (Vtc.vn)