Hoạt động vận tải khách liên tỉnh theo tuyến cố định được Bộ GTVT thí điểm từ ngày 13 đến 20-10. Trong một tuần thí điểm, hoạt động này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, từ hôm nay (21-10), Bộ GTVT vẫn tiếp tục cho các địa phương tổ chức vận tải khách liên tỉnh.
11 địa phương kết nối với TP.HCM
Hiện nay, nhu cầu của người dân từ TP.HCM về các tỉnh, thành và ngược lại ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, trên thực tế số chuyến xe chở khách liên tỉnh còn hạn chế nên việc đi lại của người dân chưa được thuận tiện.
Một đơn vị vận tải tuyến Thái Nguyên - TP.HCM cho biết đa phần tài xế ở các tỉnh mới chỉ được tiêm một mũi vaccine nên các đơn vị vận tải chưa thể chở khách được. Theo đó, đơn vị kiến nghị Bộ GTVT có các biện pháp nới lỏng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được đi lại, hoạt động ổn định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết trong một tuần thí điểm vận tải khách liên tỉnh, lượng khách từ TP.HCM đi các địa phương còn ít. Nguyên nhân là do số địa phương kết nối với TP.HCM chưa nhiều, còn các tuyến đã kết nối thì công suất hoạt động còn hạn chế.
Ông Chín dự báo thời gian tới, sau khi các địa phương đánh giá được cấp độ dịch thì việc vận tải khách liên tỉnh sẽ khởi sắc hơn. “Mặc dù hết thời gian thí điểm song các tuyến đã đăng ký hoạt động kết nối liên tỉnh với TP.HCM và ngược lại sẽ tiếp tục được thực hiện. Tất cả đều tuân thủ phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ GTVT và Bộ Y tế” - ông Chín thông tin thêm.
Theo ghi nhận của PV, đến ngày 20-10, vẫn chỉ có 11 địa phương kết nối với TP.HCM. Theo đó, tại bến xe Miền Đông và Miền Tây vẫn có nhiều trường hợp khách không mua được vé để về quê.
Còn một số vướng mắc nhất định
Bộ GTVT cho biết trong quá trình thí điểm vận tải khách liên tỉnh, bộ nhận thấy có một số vướng mắc nhất định.
Cụ thể, việc yêu cầu tài xế, phụ xe, tiếp viên phải tiêm đủ liều vaccine là khó thực hiện. Bởi thực tế hiện nay, những trường hợp này ở hầu hết địa phương đều mới chỉ được tiêm một liều vaccine. Bên cạnh đó, tâm lý hành khách còn e ngại, chưa tự tin đi lại bằng xe công cộng. Nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với người về.
Ngoài ra, theo Bộ GTVT, việc kiểm soát hành khách lên, xuống xe dọc đường còn gặp nhiều khó khăn. Các xe chở khách còn tồn tại tình trạng đón, trả khách dọc đường không đúng quy định; hoặc việc kiểm soát xe chở khách ra, vào mỗi địa phương lại có quy định khác nhau, chưa thống nhất.
Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định các tỉnh, TP phải xác định cấp độ dịch trên địa bàn, tuy nhiên việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương còn chưa kịp thời. Do đó, việc tổ chức hoạt động vận tải khách tại địa phương còn lúng túng, khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tương ứng với hoạt động vận tải khách theo quy định.
Mặt khác, việc công bố cấp độ dịch chưa có tổng hợp chung trên toàn quốc mà mỗi tỉnh công bố tại một trang web riêng. Điều này gây khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải khi theo dõi và cập nhật thông tin để có phương án hoạt động phù hợp. Đặc biệt, có một số địa phương dù thuộc vùng xanh nhưng vẫn duy trì chốt kiểm soát dịch bệnh.
Trước thực trạng trên, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo UBND các tỉnh, TP tiếp tục ủng hộ việc mở lại hoạt động vận tải khách liên tỉnh. Cạnh đó, các địa phương cần công bố kịp thời cấp độ dịch để Sở GTVT các địa phương tra cứu, thống nhất cho phù hợp theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
Đặc biệt, các địa phương cần có kế hoạch khẩn trương tiêm vaccine cho tài xế, phụ xe, cán bộ, công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ để đảm bảo nhân sự cho công tác tổ chức vận tải.•
Bộ GTVT cho biết theo báo cáo của các sở GTVT, đến thời điểm hiện tại, có 48 địa phương đã được UBND tỉnh đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động vận tải khách liên tỉnh theo tuyến cố định.
Tiền Giang cho hoạt động chở khách nội tỉnh và liên tỉnh
Ngày 20-10, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết đã có thông báo tổ chức lại hoạt động vận tải khách theo tiêu chí “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh ở cấp độ 2. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 20-10.
Theo đó, đối với hoạt động vận tải khách nội tỉnh sẽ tổ chức hoạt động bình thường bao gồm cả đường bộ, đường thủy. Đối với hoạt động vận tải khách liên tỉnh, chỉ được phép hoạt động khi có sự chấp thuận của các tỉnh, TP nơi đi, nơi đến.
Theo ghi nhận của PV, dù được phép hoạt động lại bình thường nhưng trong ngày 20-10, bến xe khách tại Tiền Giang vẫn còn vắng vẻ, yên ắng.
Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang, cho biết khi nhận được thông báo cho phép hoạt động vận tải khách trở lại, công ty rất phấn khởi bởi hơn bốn tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty đã phải tạm dừng hoạt động.
Đông Hà
Theo Đào Trang (Pháp Luật TPHCM)