Một buổi sáng, chúng tôi tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Âu (28 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) – chồng người phụ nữ sống sót trong vụ nổ Văn Phú vừa mới qua đời hồi đầu năm. Không gian xung quanh ồn ào tiếng rèn rũa của những chiếc máy cơ khí nhưng ngôi nhà nhỏ vẫn đượm màu ảm đạm…
Người đàn ông vừa làm cha vừa thực hiện thiên chức làm mẹ
Tháng 3/2016, vụ nổ bom lớn tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) khiến chị Nguyễn Thị Lệ (26 tuổi) – vợ anh Âu chấn thương sọ não và sống thực vật. Anh tâm sự: “10 ngày sau khi biết tin vợ tai nạn, tôi mới bình tĩnh trở lại. Nhìn vợ nằm bất động, con nhỏ nheo nhóc khóc đòi mẹ khát sữa mà tôi rối trí không biết phải làm sao. Tôi mất một khoảng thời gian để chấp nhận sự thật, cố gắng “gượng dậy” chăm sóc vợ bệnh và lũ con thơ”.
Sau gần 2 năm điều trị tại các bệnh viện rồi được đưa về nhà sống thực vật, ngày Mồng 6 Tết Mậu Tuất, chị Lệ đã trút hơi thở cuối cùng. Dù rất buồn và đau đớn nhưng sâu thẳm trái tim anh Âu luôn nghĩ vợ đã được giải thoát. “Cô ấy đã ra đi thanh thản, không còn phải chịu những cơn đau thêm phút giây nào nữa”, anh nói.
Vợ qua đời, anh Âu rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”. Anh bắt đầu tháng ngày vừa làm cha vừa làm mẹ của 2 đứa con nhỏ. “Hồi bà xã nằm viện, tôi luôn cố gắng chăm sóc các con thật tốt với hy vọng tỉnh lại cô ấy sẽ mỉm cười khi thấy chúng lớn khôn. Nhưng cuối cùng ước nguyện ấy chẳng bao giờ thành hiện thực. Tôi lại tiếp tục vừa làm cha vừa thực hiện thiên chức người mẹ, nuôi dưỡng và dạy dỗ lũ trẻ thành người”.
Nghĩ về các con, anh Âu tâm niệm sẽ dành tất cả những điều tốt để chúng không thua bất cứ một đứa trẻ nào. Anh bảo nghề gia công cơ khí giúp anh có mức thu nhập khá ổn định nhưng từ khi chị Lệ gặp nạn, kinh tế không mấy dư giả. Vì vậy anh luôn cố gắng làm lụng để các con có được cuộc sống ấm no.
Ban ngày, anh Âu chạy đi chạy lại nhiều nơi để mưu sinh. Vì vậy, buổi tối anh dành hết thời gian bên con. Anh tắm rửa, bón cơm cho con và chơi đùa cùng chúng. Thậm chí, khi ra ngoài công chuyện, anh cũng chở các con theo cùng.
“Cuộc sống sau khi vợ mất cũng đảo lộn nhiều lắm, nhất là việc chăm sóc các cháu. Nhưng ông trời đã an bài nên tôi đành chấp nhận. Tôi cô gắng dành nhiều thời gian cho các con để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm của mẹ”, anh trải lòng.
“Tôi lo thằng út mắc chứng tự kỉ…”
Những hôm bé Nguyễn Hà Linh Chi (5 tuổi, con gái lớn) ốm khóc đòi mẹ, anh Âu không biết an ủi con thế nào. Khi ấy anh vừa thương con vừa buồn tủi. “Đàn ông vụng về lại không có vợ nên con ốm tôi cứ cuống quýt, rối tung lên. May mắn có ông bà nội đỡ đần nên mọi chuyện dần ổn”, anh thở dài.
Đôi lúc anh Âu cũng mệt mỏi, chán nản vì áp lực cuộc sống nhưng chưa bao giờ than thở với ai. Nghĩ tới các con, anh lại tiếp tục cố gắng. Nhiều người bảo anh như vậy là chịu đựng giỏi, chứ như người khác thì nát lâu rồi! Tuy nhiên đó là việc của người ta, còn anh thì khác. Anh luôn nghĩ về người vợ quá cố và các con. Anh sống vì họ.
Ngoài nhờ ông bà nội chăm sóc 2 đứa trẻ, anh Âu gửi bé út Nguyễn Minh Khang (3 tuổi) đi nhà trẻ để cô trông nom, đồng thời để bé có bạn bè chơi đùa cùng khi vắng bố. Riêng bé Chi đã đến tuổi học mẫu giáo, anh gửi học bán trú tại một trường mầm non gần nhà.
“Thằng út chậm nói nên tôi khá lo. Tôi sợ cháu mắc hội chứng tự kỷ, thiếu tình thương của mẹ mà lại vậy thì tội nghiệp lắm. Vì vậy tôi cho cháu đi nhà trẻ sớm để phát triển và có bạn bè chơi đùa cùng.
Hồi vợ tôi tai nạn, nó mới 7 tháng có biết gì đâu. Thiếu mẹ, con phải uống sữa ngoài sớm. Tôi sợ vì những lý do đó mà ảnh hưởng với khả năng ngôn ngữ của con. Tôi dự định cho con đi khám bác sĩ để có gì còn can thiệp sớm”, anh Âu chia sẻ.
Nhắc đến bé Linh Chi, anh Âu trùng giọng cho biết ngày chị Lệ gặp nạn, bé đã biết chuyện. Lúc đưa vào viện thăm mẹ, bé đã kêu sợ. Dù vậy về nhà thi thoảng vẫn khóc đòi mẹ và hỏi đủ thứ chuyện liên quan. Anh kể: “Lúc mẹ mất, các cháu cũng không biết. Giờ chúng đã lớn, biết nhận thức nên thi thoảng tôi lựa lời nói mẹ đã về trời”.
Với Chi và Khang, anh Âu chính là mẹ là cha và là người chúng yêu thương nhất. “Con thương ba nhất, sau đó thương ông và bà. Còn mẹ đã về trời với Chúa rồi!”, Chi hồn nhiên khoe với chúng tôi. Bé còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau mất mẹ.
Nghe con gái lớn nói vậy, anh Âu thở dài bảo con luôn như vậy! Hễ đi đâu ai hỏi về mẹ, bé đều trả lời thế. “Khi lớn lên chúng biết mọi chuyện chắc sẽ rất buồn”, anh nói.
Kìm nén nỗi đau “xa” vợ, anh Âu luôn tự nhủ phải sống tốt để làm gương cho các con nói theo. Với anh nỗi đau nào cũng sẽ nguôi ngoai theo thời gian nhưng ký ức xưa sẽ còn mãi. Và tình yêu dành cho vợ cũng vậy, anh sẽ cất riêng vào một góc trong trái tim để tập trung nuôi dạy các con lớn khôn.
Theo Minh Anh (Khampha.vn)