Làng Hoàng Xá xưa có tên là làng Hoa Đình (thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Hoa thì đẹp, thơm nhưng sớm nở tối tàn. Làng nhiều người tài nhưng không mấy ai giàu 3 họ, giỏi 3 đời. Một năm nọ, nhà vua kinh lý qua, các bô lão xin đổi tên làng. Vua ban cho tên Hoàng Xá, từ đó đến nay mãi không đổi.
Hoàng Xá nổi danh là làng nhiều văn hóa, tục lệ xưa đặc sắc. Năm 2016, Nhà xuất bản Phụ nữ đã xuất bản cuốn "Tục hay, lệ lạ Thăng Long", trong đó có những bài viết của ông giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1936) - "người chép sử" của làng Hoàng Xá.
Trước khi vào câu chuyện, cụ Thiêm pha một ấm trà mời khách. Những ngày đầu thu, trời mát rượi. Hoàng Xá như vừa được gội rửa sau cơn mưa rào bất chợt. Cụ lần dở từng trang sách, miệng tấm tắc khen: "Làng tôi là một làng quê đáng sống, có hơi hướng thị thành từ ngày xưa. Mọi người sống hòa thuận, không cãi vã. Tôi ghi chép lại những nét văn hóa độc đáo của ông cha, hy vọng con cháu sau này sẽ biết đến".
Gái làng xinh đẹp, giỏi giang nhưng không ai dám cưới
Không biết tự bao giờ, ở Ứng Hòa có truyền ngôn "tứ vật", tức 4 điều không nên: Vật giao hòa xá hữu (không nên kết bạn với người Hòa Xá); Vật thú hoa đình thê (không nên lấy vợ Hoa Đình); Vật ẩm Vân Giang Thủy (không uống nước sông Vân Đình) và Vật thực Tử Dương kê (không ăn thị gà Tử Dương).
Cụ Thiêm giải thích, con gái Hoa Đình xưa nổi tiếng xinh đẹp, đảm đang, nhưng lệ cheo cưới nặng và phiền phức. Các chàng trai nơi khác chỉ có thể nhìn, ngắm chứ không dám cưới.
Vào ngày cưới, người ta vắt một sợi dây song qua nóc đình, một bên buộc một cối đá, bên còn lại buộc một giỏ tiền cheo sao cho cân bằng. Thật khó để biết bao nhiêu tiền là đủ, nhưng chắc chắn không phải "quan tám tiền cheo" như ca dao, mà phải gấp nhiều lần.
Đấy mới chỉ là khoản nộp cheo cho làng, còn với nhà gái thì "7 lần ra 3 lần vào": dạm ngõ, sêu tết, ăn hỏi, cưới xin, khi đón dâu,... ít ra cũng bị chăng dây 3 chặng vòi tiền mãi lộ. Số lần chăng dây phụ thuộc vào việc cô gái xinh đẹp, giỏi giang cỡ nào. Nhan sắc càng nhiều thì số lần chăng dây càng lớn.
Theo lời cụ Thiêm, vào ngày đón dâu, cánh trai làng sẽ bày bàn giữa đường, trên có bát hương nải chuối. Sau đó, họ căng một sợi dây thừng ngang đường. Nhà trai gặp chặng đường ấy phải tới thương lượng, đưa cho trai làng số tiền theo yêu cầu hoặc phải đối thơ sao cho hợp tình hợp lý, họ mới chịu rút dây cho đi qua.
Chính vì thế, nhiều chàng trai làng bên dẫu khao khát con gái Hoa Đình xưa nhưng cũng đành chịu. Còn với trai làng thì việc nộp cheo sẽ ít hơn, lại không chịu cảnh "chăng dây vòi tiền" nên dẫu không giàu có hoặc tài ba nhưng 2, 3 vợ là chuyện bình thường! Lác đác các đời đều có những cô gái bỏ trốn, đành chịu tiếng theo trai vì nhà chàng không lo nổi.
Quãng năm 1935-1936, cô Trần Thị Tuyến lấy chồng Bạch Mai (Hà Nội). Cô rất đẹp, có thể nói là đẹp nhất làng. Đám trai làng, ai ai cũng say đắm nhưng lại không dám ngỏ lời. Nhà gái thách cưới 20 lạng vàng, 3 hòm quần áo cùng các đồ lễ khác như rượu Tây, trầu cau, chè thuốc,... Đón dâu phải bằng ô tô con đủ cho nhà gái đi đưa tiễn.
Nhà trai chỉ lo được 17 lạng. Bố mẹ cô dâu thấy vậy liền bỏ thêm 3 lạng nữa và đặt vào mâm lễ của nhà trai, cho con đủ 20 lạng vàng làm vốn trước mọi người. Sau đó, trước mặt họ hàng đôi bên, họ tuyên bố cho đôi trẻ toàn bộ số tiền đã thách cưới. Về sau, cô Tuyến có một cuộc sống hạnh phúc và giàu có cho đến tận lúc qua đời.
Gia chủ phải mời cỗ 3 lần thực khách mới đến
Nói về cỗ bàn, các cụ cao niên làng Hoàng Xá thường rất tự hào: "Cỗ làng ta vừa hậu hĩ vừa phong phú", cứ phải xếp 2 tầng. Dấm ghém (cỗ đơn giản) thì cũng phải 8 đĩa, 4 bát. Người ta lấy số đĩa, số bát, mà định lượng, định chất của mâm cỗ: 8 đĩa - 4 bát, 10 đĩa - 4 bát, 12 đĩa - 5 bát...
Giò nem ninh mọc, bóng mực vây yến, nem chạo tam sinh... đó là những cái tên gọi ra công thức cỗ bàn. Nhà càng giàu, càng sang thì cỗ càng to. Ngày xưa cỗ đóng 4, nhiều món như vậy, từng món thường thanh cảnh. Người dự tiệc sẽ thật thoải mái thưởng thức tài nghệ gia nhân và thịnh tình gia chủ.
Tuy vậy, người Hoàng Xá rất khó đi dự tiệc, phải thân lắm, vai vế lắm họ mới đi. Dù là nội tộc thì mỗi gia đình chỉ một đại biểu là... nhiều. Việc mời mọc cũng khá cầu kì, thường là phải 3 lần.
Lần thứ nhất, trước độ 1 tuần, gọi là sơ thỉnh, mời khách đến ăn trầu uống nước. Lần 2, đích thân chủ nhà ân cần mời tiệc, gọi là tái thỉnh. Lần 3 người nhà tiếp tục tái thỉnh trước giờ ăn khoảng 2 tiếng đồng hồ. Không có lần 3 này thì coi là mời rơi (mời lịch sự), mời "chiết bài" và đương nhiên thực khách không dự.
Cụ Thiêm phân tích, "Làng khác, khi đã có đám là ăn suốt ngày, khách đến đủ mâm là dọn tiệc ra ăn. Nhưng ở làng tôi, tất cả cùng ăn 1 giờ, đồng loạt và không dầm dề. Người làm cỗ phải là nghệ nhân, người bình thường không bày được cỗ. Bởi thế, làng tôi có rất nhiều đầu bếp giỏi".
Khi mở đám, món quà người đi ăn cỗ gửi mừng gia chủ chỉ có ý nghĩa tinh thần. Cũng phong bao, giấy hồng gói tử tế, nhưng trong đó thường chỉ có bài thơ hoặc câu đối, mừng về tinh thần là chính, không có tiền như bây giờ.
Khi ăn cỗ, người đi ăn cỗ lịch sự, ai đi cũng thủ 1 cái tăm vào túi. Nếu như đến muộn, nhà đám đã khai cỗ, họ giả vờ ngậm tăm bước vào và xin kiếu với gia chủ vì trót tiếp khách tại nhà, rồi cáo lui. Khi dự tiệc, mọi người ăn uống từ tốn, tỏ ra thanh lịch, lấy sự nhấm nháp thưởng thức là chính. Vì vậy, cỗ Hoàng Xá bao giờ cũng dư, nhà chủ phải khéo léo gói phần đem kính tận nhà.
Việc uống, người Hoàng Xá cũng rất cẩn thận. Khách đến nhà đám chiều hôm trước, sau bữa cơm chiều thì bao giờ nhà chủ cũng mời nước chè tươi hãm đặc. Nếu ấm chè đã ngả màu thì không dùng nữa.
Cách hãm chè tươi khá kỹ thuật. Người ta chọn loại chè gốc lá dày và nhỏ, đem rửa sạch, để ráo rồi tráng qua nước sôi, rong rong cho khô. Sau đó, vò dập đôi dập ba, cho vào một vò sành. Vò đặt trong sọt to, chung quanh ủ rơm. Nước mưa đun sôi, đổ vào, đậy kín, hãm độ 20 phút mới đem chuyên mời khách. Chén nước chè xanh sánh đậm chất và ngậy là đạt. Nhà làm đám thường phải nhờ những người có tay nghề cao giúp cho việc này và thường chuẩn bị ít nhất 2 vò để thay đổi.
Từ khoảng 7h tối trở đi, tất cả vò chè tươi đều... dẹp. Người ta bắt đầu pha chè tàu, chè mạn mời khách. Ngày xưa chưa có phích, nhà chủ phải đắp lò để luôn có nước sôi. Chè búp pha thật đặc làm nước cốt. Khách tới, người chuyên trách dùng nước sôi pha từng ấm. Dù chè mạn hay chè tàu, bao giờ cùng cần đạt 3 yêu cầu: màu, hương và vị!
Người đại diện chủ nhà trân trọng bưng 2 tay, niềm nở, ân cần mời khách. Khách vui vẻ nhận trà, cảm ơn, uống hay không là tùy, nhưng thường chiêu một ngụm nhỏ lướt môi, gật gù thưởng thức. Mọi người đều coi đó là hành vi đáp lễ.
Ngày nay, người làng vẫn còn rỉ tai nhau đôi câu thơ về tập tục "say" chè xanh:
"Cơm xong uống nước chè tươi
Tối, trưa tiếp khách thảnh thơi chè tàu"
Đêm tân hôn, mẹ chồng ngủ với con dâu
Một trong các tục lệ xưa ở làng Hoàng Xá, không nơi nào có là tục đêm tân hôn mẹ chồng ngủ với con dâu.
Nếu như ở làng khác, trai gái cưới nhau, thường có bà mối làm duyên. Nhưng riêng Hoàng Xá, con trai đến tuổi thành gia thất, bà mẹ phải đi hỏi vợ cho con. Từ việc ướm ý để chạm ngõ, trầu cau ăn hỏi,...
Ở nhiều làng quê, khi nàng dâu về đến cửa, mẹ chồng phải tránh mặt để sau này, hai mẹ con sẽ không va chạm. Ở Hoàng Xá, mẹ chồng trực tiếp đi đón con dâu về nhà mình.
Đêm tân hôn, chàng trai ngậm ngùi ôm gối màn sang phòng khác. Mẹ chồng sẽ ngủ với con dâu, với ý nghĩa để truyền dạy nếp nhà. Nếu gia đình nào chẳng may bố mẹ mất sớm, thì công việc hỏi vợ phải được giao cho người khác có uy tín trong nhà, như: bà nội, chị chồng, em chồng, cô, dì... Bởi lẽ rằng, vai trò của người phụ nữ trong gia thất luôn được coi trọng.
Tục "cắt đúm": Trai gái nên duyên từ những phiên chợ
Từ ngày xưa, làng Hoàng Xá nổi tiếng với tục "cắt đúm" - một cách đi chợ cầu duyên của người xưa, chỉ diễn ra vào phiên cuối năm 23 tháng Chạp và phiên đầu năm ngày mồng Tám tháng Giêng. Vào những phiên ấy, trai chưa vợ, gái chưa chồng thường háo hức rủ nhau ra chợ đình làng "cắt đúm".
Theo tiếng địa phương, "đúm" là một chiếc túi vải xinh xinh đựng một vài thứ của con gái, như gương, lược, trầu cau, vài đồng xu, cũng có khi là đôi khuyên tai, nụ hoa... Bình thường, các cô giữ đúm rất cẩn thận. Họ cất trong ruột tượng, nghĩa là cái bao thắt ngang trước bụng, bên ngoài còn choàng thêm một dây lưng rộng khoảng gần gang tay, thắt bỏ múi duyên dáng. Kẻ cắp khó mà nhằn.
Nhưng đến phiên chợ cắt đúm này thì khác. Chiếc đúm mới, màu sắc đẹp, thật xinh chỉ giắt sau dây lưng, buộc hờ hững lùi ra phía sau một chút để nó đong đưa cùng nhịp bước chân. Bên trong thông thường chỉ có trầu cau, gương lược hoặc một tờ bao hương gấp kĩ (chất liệu để thoa chút má hồng), một bông hoa ngọc lan, hoa nhài, hoa móng rồng... tùy theo sở thích mỗi cô.
Đến chợ Đình, các cô ghé vào dãy hàng thầy bói ngồi để xin một quẻ cầu duyên, cầu tài, cầu lộc. Hoặc đến tam quan chùa Chè với ông đồng, bà cốt để được thì thầm, khấn khứa với một niềm tin ngây thơ, trong sáng...
Cánh con trai rủ nhau đi công khai và công phu chuẩn bị con dao lá nhỏ như của người hoạn lợn sắc lẹm, dấu kín trong kẽ tay để rình "cắt đúm".
Hết phiên, các cô gái ý tứ tách ra khỏi đám bạn bè và lặng lẽ ra về. Dưới vành nón nghiêng che, các cô kín đáo liếc tìm, để rồi giật mình khi có ai đó đạp nhẹ vào vai rồi ngượng nghịu cười cười.
Nếu gặp người đã biết hoặc bụng cũng ưng ý, các cô sẽ tủm tỉm lườm nguýt kèm theo một cái liếc nhớ đời! Nếu phải người không ưng, các cô sẽ vùng vằng, ghé nón đi thẳng mặc cho ai đó chưng hửng thẫn thờ!
Rồi họ đi với nhau một đoạn, có khi chả nói với nhau câu nào nhưng tín hiệu của tình tứ, hẹn hò thì không sao kể hết được. Nhưng, nếu trên đoạn đường xuân đôi lứa, các nàng cảm thấy không hợp lắm, hoặc cũng muốn làm kiêu tí chút thì:
"Thưa rằng, bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người!"
Rồi ngoắt đi lối khác. Nhưng dù sao các cô cũng vui, niềm vui kiêu hãnh vì đã có người để ý đến mình.
Chỉ buồn cho những cô ra về mà đúm vẫn còn nguyên, đành bước nhanh đến chỗ kín, cất vội vào bao mà không tránh khỏi chạnh lòng, bâng khuâng. Lòng tự hẹn lòng, đợi phiên sau hoặc liều đi chợ khác... tìm ý trung nhân.
Không ít đôi lứa nên duyên cũng từ những phiên chợ "cắt đúm" này, cho dù họ có là người làng, người thiên hạ hay người dưng.
---
Người làng bên cho là Hoàng Xá cầu kỳ, nhưng người Hoàng Xá lại tự hào về nếp sống văn minh, khoa học, và có phần thị thành đó của hàng chục năm về trước.
Sau cách mạng, mọi thủ tục rườm rà đều bỏ hết. Tục lệ cưới xin trở nên đơn giản, không lệ cheo thách cưới, không cỗ bàn thịnh soạn, lệ tái thỉnh đã bỏ. Người Hoàng Xá vui vẻ hòa vào nhịp sống hiện đại, nhưng vẫn giữ lại chút hồn cốt của cha ông ngày xưa.
Nếu có dịp ghé thăm Hoàng Xá, bạn có thể tìm về nhà cụ giáo Thiêm, dân làng ai cũng biết rõ. Cụ sẽ miên man không biết chán về con người, cuộc sống của dân làng Hoàng Xá tự bao đời nay. Thật không quá khi gọi cụ là "người chép sử" của làng, bởi suốt cả cuộc đời, cụ đã dành trọn con tim và khối óc cho mảnh đất giàu văn hóa này.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)