Làng Vác là tên nôm của làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ngay từ khi bước chân đến đầu làng, người ta đã nhìn thấy những dãy tre, dãy trúc nằm trải dài phơi trên đường, thi thoảng lại nghe tiếng máy xẻ, máy cắt và ngửi được phảng phất mùi bụi tre lẫn trong không khí. Người chơi chim ai cũng hiểu, một chú chim quý nếu được ở trong “nhà” đẹp thì sẽ càng có giá trị, tiếng hót cũng vì thế mà ngọt và lảnh lót hơn. Chính vì vậy, những người có điều kiện chẳng sợ tốn kém mà sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu chiếc lồng chim được chạm trổ công phu theo ý tưởng của riêng mình. Trong làng Vác, nghệ nhân Nguyễn Thanh Sứ (sinh năm 1959) được biết đến là con trai của một gia đình có truyền thống làm lồng chim và là cha đẻ của khá nhiều chiếc lồng “độc”. Ông cho biết, những tác phẩm được bán ở mức giá 10, 20 triệu đồng là khá phổ biến. Còn chiếc lồng cầu kỳ, tinh xảo nhất từ trước đến nay là do một vị đại gia đặt hàng, có giá lên đến 60 triệu đồng. “Những chiếc lồng đắt đỏ này đều được chạm trổ hoa văn rất công phu, thường là hình minh họa các tích xưa như Ngũ Long tranh châu, Thập bát La Hán, tùng – cúc – trúc – mai,… hoặc dựa theo các bức tranh Đông Hồ như đám cưới chuột, cá chép trông trăng, vinh quy bái tổ... Các chi tiết rất nhiều và cầu kỳ, đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ mới có thể cho ra đời sản phẩm sống động, tinh tế”, nghệ nhân làng Vác khẳng định. Hiện nay, trong nhà ông Sứ chỉ còn giữ lại duy nhất tác phẩm “Long, Lân, Quy, Phụng” được làm theo dáng lồng chùa, chế tác từ năm 1997. Ông cho biết, chiếc lồng được làm dựa trên ý tưởng lấy từ chùa Một Cột, dùng để nhốt chim khuyên, họa mi hay chào mào. Trên đỉnh lồng có một con phượng bằng tre dùng làm móc, 6 mặt vanh và đáy lồng chạm trổ hình long, lân, quy, phụng khác nhau. Ở phần mái chùa, 6 góc nhô ra được trang trí bằng 12 chiếc đầu rồng nhỏ. Được biết, chiếc lồng được hoàn thiện trong vòng hơn 1 tháng và chế tác hoàn toàn bằng tay. “Cái khó và kỳ công của chiếc lồng này là việc sắp xếp các nan tre, các điểm đặt sao cho đạt được khoảng cách chính xác nhất. Chỉ cần có một chút sai lệnh, các nan tre sẽ xô đẩy nhau làm mất dáng, xiêu vẹo. Chính vì vậy, trong quá trình chế tác tôi phải đảm bảo tâm trạng thoải mái, tĩnh tâm nhất, vừa làm vừa nghỉ ngơi thì mới tránh được những sai sót không đáng có”, ông Sứ tâm sự. Nghệ nhân này cho biết thêm, từ năm 1997, chiếc lồng đã được bán với giá 1.600.000 đồng. Những năm sau, giá của chiếc lồng lên đến 11, 12 triệu đồng. Gần đây nhất, có người trả 15 triệu nhưng tôi cũng không muốn bán”. Ở làng Vác, nhìn vào sân nhà nào cũng thấy ngổn ngang đầy những nguyên liệu làm lồng chim. Từ đàn ông đến phụ nữ, cả người già và trẻ nhỏ, mỗi người đều tham gia làm một công đoạn tùy theo khả năng của mình. Công việc của họ diễn ra từ sáng sớm, có khi kéo dài đến tận 9, 10 giờ đêm. Các nguyên liệu làm lồng chim. Ông Trần Văn Bồng (80 tuổi) – người làm lồng chim cao tuổi nhất ở làng Vác cho hay, để đáp ứng được các tiêu chí bền, đẹp, sang, người thợ phải kỳ công làm khá nhiều công đoạn như vót nan làm đáy, làm vanh (vành), cửa, cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng… Tre, trúc phải mua về từ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng… rồi sử dụng phương pháp gia truyền để tăng khả năng chống mối mọt. “Gia đình tôi cũng thường sản xuất theo đơn đặt hàng lớn. Cứ 4 – 5 ngày sẽ có 1 chuyến hàng, trung bình từ 40 – 50 chiếc. Mỗi tháng, số tiền thu về cũng xấp xỉ cả trăm triệu đồng. Toàn bộ nguyên liệu làm lồng chim ở đây được xử lý tự nhiên, không qua hóa chất và chế tác bằng tay nên hoàn toàn “ăn đứt” lồng của các nơi khác. Nếu người chơi biết giữ gìn, lồng có thể dùng đến chục năm không hỏng”, ông Bồng nói. Từng chi tiết đặt trong lồng đều được làm bằng một lưỡi dao rất nhỏ. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng Vác, hàng trăm, hàng nghìn chiếc lồng đã được hoàn thiện, chở đi khắp các tỉnh thành và xuất khẩu sang nước ngoài Nhiều người làng cho rằng, thợ làm lồng chim không chỉ có sự khéo léo mà còn phải hiểu biết về hình dáng, tập tính sinh hoạt của từng loài thì mới làm nên những chiếc lồng vừa vặn, phù hợp. Theo Hoàng Ngọc (Dân Trí)