Bà Nguyễn Thị Tâm cho biết, chồng bà là viên chức công tác tại UBND huyện, có 29 năm 9 tháng tham gia BHXH bắt buộc.
Vì lý do sức khỏe, chồng bà Tâm được cơ quan đưa vào danh sách nghỉ hưu sớm theo diện nghỉ hưu trước tuổi. Thời điểm chính thức hưởng lương hưu là từ tháng 1/2025, sớm hơn 3 năm so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Bà Tâm thắc mắc vì sao chồng bà lại được áp dụng chế độ nghỉ hưu theo Nghị định 29/2023 về quy định tinh giản biên chế, mà không phải theo Nghị định 178/2024 là nghị định mới hơn và đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 67/2025 về sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn.
Giải đáp về trường hợp này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, thời điểm chồng bà nghỉ hưu rơi vào giai đoạn chuyển tiếp giữa hai nghị định nên cần căn cứ rõ theo quy định tại khoản 19, Điều 1 của Nghị định 67/2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178/2024.
Theo quy định này, có hai trường hợp cụ thể:
Trường hợp đang trong quá trình giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Nghị định 29, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định nghỉ hưu, thì sẽ được áp dụng chế độ mới theo Nghị định 178/2024.
Trường hợp đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định nghỉ hưu theo Nghị định 29, nhưng thời điểm nghỉ hưu diễn ra sau ngày 1/1/2025, thì vẫn được áp dụng chính sách của Nghị định 178.
Nếu người lao động không thuộc hai trường hợp trên, tức đã có quyết định nghỉ hưu từ trước và không nằm trong mốc thời gian quy định, thì vẫn áp dụng theo Nghị định 29, là căn cứ pháp lý đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, điều quan trọng là việc nghỉ hưu trước tuổi nhưng không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu là chính sách xuyên suốt, thống nhất từ Nghị định 29 đến Nghị định 178.
Do đó, dù chồng bà Tâm nghỉ theo nghị định nào, nếu nghỉ hưu đúng theo diện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, hoặc lý do sức khỏe được xác định rõ, thì lương hưu vẫn được tính đủ theo số năm đã đóng BHXH, không bị trừ tỷ lệ do nghỉ sớm.
Đại diện BHXH cũng lưu ý, các khoản trợ cấp khác (nếu có) mà người lao động nhận được khi nghỉ hưu, như trợ cấp một lần, hỗ trợ thêm từ đơn vị công tác, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH. Những khoản này do đơn vị sử dụng lao động hoặc cơ quan nội vụ địa phương xem xét và chi trả.
Vì vậy, nếu vẫn còn băn khoăn về việc áp dụng chính sách, bà Tâm nên liên hệ trực tiếp với cơ quan công tác của chồng hoặc cơ quan nội vụ địa phương, nơi lập và phê duyệt hồ sơ nghỉ hưu, để được giải thích cụ thể theo đúng thẩm quyền và quy định hiện hành.
Theo Vũ Điệp (VietNamNet)