3h30, chị Đinh Thị Phương Loan thức dậy, chuẩn bị đồ nghề đến nhà tang lễ trang điểm cho khách hàng mới nhận tối qua. Có mặt tại nhà tang lễ, chị Loan, hiện là cộng tác viên trang điểm tử thi của Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, nhanh tay sắp các loại mỹ phẩm, cọ trang điểm ra bàn, sau đó chắp tay vái lạy người quá cố rồi bắt đầu đánh nền cho vị khách nữ ngoài 50 tuổi.
Chị Loan vốn là chuyên gia trang điểm cô dâu. Sau 4 năm gắn bó với nghề, người phụ nữ 32 tuổi ở xã Xuân Áng, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, chuyển công việc từ trang điểm cho người sống sang người chết cách đây một năm.
"Tôi đến với công việc này sau đám tang chị ruột của người bạn mới ngoài 30 tuổi. Bạn tôi khi đó buồn bã nói muốn tìm người trang điểm cho chị trước khi khâm liệm để chị đẹp như lúc đang ngủ nhưng không có ai làm. Ở nhà tang lễ, họ chỉ bôi chút son, phấn", chị kể.
Trước câu nói của người bạn, chị trăn trở cả tháng trời. Trong đầu chị lúc đó quanh quẩn nhiều câu hỏi "sao mình không làm việc này để giúp người ta xinh đẹp hơn trước khi về cõi vĩnh hằng". Thế rồi chị quyết định giấu gia đình, chuyển sang làm công việc chẳng mấy ai dám làm.
"Khi tôi nói với gia đình về ý định làm nghề này, bố mẹ đã không đồng ý vì sợ ảnh hưởng sức khỏe", chị Loan kể.
Từ các mối quan hệ, chị xin cộng tác với Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên để trang điểm cho người chuẩn bị được chôn cất tại đây.
Khách hàng đầu tiên của chị Loan là một cụ bà. Lần ấy, chị cùng đồng nghiệp đến nhà xác, chắp tay vái ba lần rồi tiến lại gần tử thi. Khi tấm vải trắng được lật lên, đồng nghiệp sợ khiếp vía còn chị bình thản đeo găng tay, chải tóc, trang điểm, tô son và sơn móng... Mỗi lần bắt đầu công việc, chị thường "trấn an" các thi thể: "Ra đi thanh thản, đừng lo lắng, tôi sẽ giúp bạn trông thật đẹp...".
"Gia đình nào cũng muốn người thân trở nên tươi tắn, hồng hào, có hồn sao cho giống như khi đang ngủ nên tôi luôn cố gắng làm hết khả năng. Xác người sau khi được lấy ra từ nhà lạnh sẽ được thay quần áo, lau chân, tay và dùng khăn thấm nhẹ ở mặt", chị Loan miêu tả.
Theo chị Loan, so với trang điểm cho người sống, make-up cho người đã khuất gặp khá nhiều khó khăn. Da người chết thường tái và khô, khi trang điểm cần lựa chọn các dòng mỹ phẩm phù hợp với tông màu. Mỗi người có một cách trang điểm khác nhau, đàn ông nhạt, chị em phụ nữ đậm thêm một chút. Các cụ bà thường được trang điểm đậm hơn...
Trang điểm cho tử thi cũng đầy đủ các công đoạn như làm đẹp cho một người còn sống. Chị Loan cũng phải bắt đầu từ kem dưỡng, kem lót, kem nền đến phấn má, phấn phủ, kẻ mày, màu mắt rồi đánh son.
"Những công đoạn làm cho người bình thường như thế nào cũng sẽ được thực hiện như vậy với người đã mất. Có những gia đình yêu cầu đeo trang sức, sơn móng tay, chân nhưng có nhà thì không, nên tùy vào yêu cầu, tôi sẽ thêm phụ kiện cho tử thi", chị Loan cho hay.
Ngoài những khó khăn, trang điểm cho người mất còn có nhiều cấm kỵ mà người làm nghề như chị Loan phải chú ý.
"Đối với người chết, việc cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay là điều cấm kỵ, trừ trường hợp người nhà yêu cầu, tôi mới làm", chị Loan chia sẻ. "Người chết bất động, tôi không thể lật mặt họ từ bên này sang bên kia. Trong khi việc này dễ dàng hơn với người còn sống", chị Loan nói.
Hiện chị Loan thực hiện hai gói trang điểm cho đối tượng khách hàng đặc biệt. Ở gói cơ bản có giá 2-4 triệu đồng, chị sẽ giữ lại đồ mỹ phẩm đã dùng để sử dụng tiếp, còn cọ, bông phấn sẽ bỏ đi. Trong khi đó, với gói Vip giá khoảng 10 triệu đồng, chị sử dụng đồ mới hoàn toàn, sau đó để lại cho gia đình.
Công việc của chị thường bắt đầu từ 4h. Mỗi tháng, chị Loan làm đẹp cho 10-20 tử thi. Sau một năm làm nghề, chị phục vụ cho gần 200 người đã khuất ở mọi độ tuổi. Trong số khách hàng của chị Loan, người nhiều tuổi nhất là 100 tuổi, bé nhất là 15 tuổi.
Mỗi ca làm việc được chị Loan thực hiện trong khoảng 45 phút, bao gồm trang điểm mặt, tay và chân.
"Tôi sẽ có mặt lúc 4h vì thông thường, người mất được khâm liệm lúc 6h sáng. Sau một tiếng trang điểm, người nhà mặc quần áo cho tử thi để chuẩn bị làm lễ", chị Loan kể.
Gắn bó với công việc đặc biệt, chị Loan không ít lần bị người xung quanh kỳ thị, sợ hãi.
"Tôi làm việc này vì cái tâm nên thanh thản khi thấy các gia đình hài lòng và biết ơn", chị Loan nói.
Thời gian tới, chị dự định sang Đài Loan trau dồi tay nghề để trở nên chuyên nghiệp hơn, có thể làm được những ca trang điểm khó hơn.
"Ở Đài Loan, họ dạy chuyên sâu về trang điểm cho người đã khuất. Có những ca khắc phục tử thi sau tai nạn giao thông, mất một bên mắt, một bên tai... sẽ được khắc phục để họ trở về hình dáng bình thường", chị Loan chia sẻ.
Theo Đăng Khoa (Ngoisao.net)