Ngày 19/5, thông xe cầu Vàm Cống 5700 tỷ đồng

16/05/2019 15:02:56

Tổng Cty Cửu Long phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ GTVT, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông để tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống vào ngày 19/5/2019 đảm bảo tiết kiệm và không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký công văn hỏa tốc gửi Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Cty Cửu Long) về việc tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống và đường dẫn đầu cầu.

Ngày 19/5, thông xe cầu Vàm Cống 5700 tỷ đồng
Cầu Vàm Cống là cây cầu thứ 2 (sau cầu Cần Thơ) bắc qua sông Hậu, cách cầu Cần Thơ gần 50km về phía thượng lưu.  

Cụ thể, tại công văn số 4439/BGTVT-CQLXD ngày 15/5, Bộ GTVT yêu cầu Tổng Cty Cửu Long phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ GTVT, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông để tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống vào ngày 19/5/2019 đảm bảo tiết kiệm và không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, yêu cầu Tổng Cty Cửu Long phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện công tác tổ chức giao thông và đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tổ chức lễ khánh thành. 

Trước đó, ngày 14/5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GTVT thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về vấn đề này. Theo đó, Bộ GTVT tổ chức khánh thành cầu Vàm Cống và đường dẫn đầu cầu theo thẩm quyền khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm và không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện buổi lễ.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). Công trình thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án do Tổng Cty Cửu Long trực tiếp quản lý, tư vấn thiết kế là liên danh Dasan – Kunhwa – Pyunghwa (Hàn Quốc), nhà thầu chính thi công là liên danh GS E&C và Hanshin (Hàn Quốc). Dự án được khởi công ngày 10/9/2013 với tổng mức đầu tư được công bố vào thời điểm đó là trên 271 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng). 

Ngày 19/5, thông xe cầu Vàm Cống 5700 tỷ đồng - 1
Đoàn công tác của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ và Tổng Cty Cửu Long kiểm tra thực địa chuẩn bị cho lễ khánh thành cầu Vàm Cống. 

Cầu Vàm Cống có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng chiều dài cầu là 2.969m, trong đó chiều dài nhịp chính 870m, quy mô mặt cắt ngang cầu 24,5m. Đây là cây cầu thứ 2 (sau cầu Cần Thơ) bắc qua sông Hậu, cách cầu Cần Thơ gần 50km về phía thượng lưu và được đánh giá hiện đại hơn cầu Cần Thơ.  

 Kiến nghị giữ lại phà Vàm Cống

Ngày 14/5, tại buổi kiểm tra điểm tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT xem xét không dừng hẳn hoạt động của phà Vàm Cống sau khi cầu Vàm Cống được chính thức sử dụng.

“Đó là mong muốn của thành phố Cần Thơ. Tôi nghĩ rằng tỉnh An Giang chắc cũng có mong muốn tương tự như vậy” – ông Thống nói và cho biết điều này được rút kinh nghiệm từ cầu Cần Thơ trước đây. Cụ thể, sau khi cầu Cần Thơ đưa vào khai thác thì phà Cần Thơ ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhân dân ở hai bờ (người đi bộ, đi phương tiện thô sơ, làm việc ở hai bên bờ) có nhu cầu qua lại trong khi đi qua cầu không thuận lợi lắm do khoảng cách khá xa. Theo ông Thống, số lượng người dân có nhu cầu này không phải ít nên kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu từ kinh nghiệm đó để phục vụ người dân tốt hơn.

Ngày 19/5, thông xe cầu Vàm Cống 5700 tỷ đồng - 2
Bảng thông tin cầu Vàm Cống. 

Tại buổi kiểm tra, ông Trần Văn Thi – Tổng Giám đốc Tổng Cty Cửu Long cho biết công tác xây dựng cầu Vàm Cống đã hoàn tất, công tác chuẩn bị cho lễ khánh thành cũng đã sẵn sàng. Theo ông Thi, phà Vàm Cống vẫn hoạt động bình thường đến ngày cầu khánh thành, Bộ GTVT vẫn chưa có thông báo chấm dứt hoạt động đối với phà này.

Cầu Vàm Cống cùng với cầu Cao Lãnh (đã đưa vào sử dụng) và dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (dự kiến hoàn thành tháng 3/2020) sẽ tạo thành tuyến giao thông đường bộ huyết mạch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Theo Cảnh Kỳ (Tiền Phong)