Kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, dịch Covid-19 đã lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ trong vòng 4 ngày, số ca mắc từ trên 300.000 hiện nay đã lên trên 700.000 ca. Chủ tịch UBND TP tin rằng, với tốc độ lây lan này, chỉ trong vòng 3-4 ngày nữa số ca mắc sẽ tăng lên tới hàng triệu ca.
Chủ tịch thông tin thêm, tại Trung Quốc đang diễn ra tình trạng lây nhiễm trở lại. Sau Trung Quốc, đến Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Đông Nam Châu Á, Nga, Ấn Độ, Brazil, Châu Phi, Úc…dịch bệnh lây lan với mức độ nhanh và tàn phá khủng khiếp. Các nước cạnh Việt Nam như Lào và Campuchia cũng đã bùng phát dịch bệnh.
Tại Việt Nam, đến nay đã khống chế được nguồn dịch về từ Châu Âu, Mỹ, vùng Đông Nam Châu Á. Số người trở về từ những vùng này đã được đưa vào các khu cách ly tập trung trên các tỉnh, thành phố. Đối với những trường hợp này, Hà Nội đang kiểm soát tốt và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt trong thời gian thực hiện cách ly.
Tuy nhiên, với diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay, chưa ai và chưa quốc gia nào đưa ra dự báo dịch bệnh sẽ kết thúc vào thời điểm nào. Đối với các nước kém phát triển, mức độ tàn phá của dịch bệnh sẽ càng lớn hơn vì hệ thống y tế kém, sinh hoạt ở cộng đồng cũng kém, có thể sẽ gây ra hệ lụy lớn.
“Dịch bệnh sẽ còn kéo dài, chứ không thể trong vòng 1 đến 2 tháng. Vì thế chúng ta phải xây dựng phương án phòng chống dịch dài hạn” - Chủ tịch Hà Nội nói
Nói về thông tin có người nhiễm Covid-19 có thể tự khỏi bệnh, Chủ tịch UBND Thành phố khuyến cáo người dân rằng việc tự khỏi sẽ rất khó, phải có điều trị mới khỏi được bệnh. Đồng thời, yêu cầu sở Y tế nghiên cứu, có khuyến cáo về việc người dân mắc bệnh phải đi điều trị tại cơ sở y tế, không nên tin rằng bệnh tự khỏi.
Ông Chung nêu: “Với diễn biến hiện nay, rất có thể toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta sẽ không thể cho học sinh đi học vào ngày 15/4; ngành hàng không hiện 97% dừng, nửa triệu lao động thất nghiệp; ngành dịch vụ, khách sạn nửa tháng qua không có việc...
“Nếu không dự báo đúng tình hình để đưa ra các biện pháp chính xác trong phòng chống dịch này thì sẽ trả giá bằng sinh mạng của người dân và rất có thể chúng ta sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của người thân của chúng ta”, Chủ tịch Thành phố nói.
Nếu không quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, chúng ta phải trả giá bằng mạng sống chứ không phải là kinh tế. Ông Chung cũng lo ngại dịch sẽ tạo ra khủng hoảng về y tế vì đây là điều nhiều nước đang phải đối mặt.
Chủ tịch cũng đề nghị các quận huyện, phường xã phải luôn cập nhật các kiến thức và nhận thức về dịch bệnh, không được bảo thủ. Nhắc lại, từ ngày 6/3 đến nay, các ổ dịch nhỏ tại Hà Nội đều đã được phát hiện và dập dịch tương đối triệt để. Nhưng giai đoạn hiện nay là giai đoạn rất nghiêm trọng, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai hiện đang là nơi nguy hiểm nhất.
Hà Nội nguy hiểm hơn khi có thể xuất hiện những ca nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ lây nhiễm ra người bệnh, người nhà và người khác chỉ trong vòng thời gian ngắn. Khi đã lây và phát tán, dịch bệnh sẽ phát triển rất nhanh, nếu không có các biện pháp dứt khoát, dịch bệnh sẽ lây theo cấp số nhân của cấp số nhân. Thực tế tình hình dịch bệnh trên thế giới đã chứng minh điều đó.
Vì thế, Hà Nội phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, không có thời gian để bàn bạc. Cần phải định hình lại nguồn lực, các vật tư y tế; khẩn trương tổ chức nhân lực có khả năng lấy mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch Thành phố cũng đề nghị Bệnh viện Bạch Mai đề xuất với bộ Y tế công khai những trường hợp tử vong do những bệnh lý khác, tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng thông tin rằng đây là những trường hợp tử vong do Covid-19 gây hoang mang dư luận. Bên cạnh đó, tuyên truyền và xét nghiệm lại toàn bộ cho các nhân viên y tế, y tá, bác sĩ yên tâm làm việc.
Theo Hữu Thắng (Nguoiduatin.vn)