|
Công nhân Ngô Văn Lâm thoát chết sau vụ sập giàn giáo. Ảnh: Hải Thuận. |
Rời hiện trường với gương mặt tái nhợt sau khi thoát chết, anh Ngô Văn Lâm (41 tuổi) cho biết, sàn bêtông lầu một của công trình bắt đầu đổ từ tối hôm trước. Đầu giờ sáng nay, anh cùng hàng chục công nhân bắt đầu đổ tiếp, chỉ còn vài xe bêtông nữa là hoàn thành mặt sàn rộng hơn nghìn m2 thì sự cố xảy ra.
"Sau tiếng động mạnh, giàn giáo đổ sập xuống. Tôi bám vào một thanh giàn giáo chưa đổ. Nhìn xuống dưới tôi thấy nhiều người nằm la liệt trong đống sắt thép ngổn ngang, kêu cứu thất thanh. Nhiều công nhân hoảng hốt bỏ chạy", anh kể.
Ngồi ủ rũ ở góc công trình, Đặng Thành Kha (29 tuổi) và em trai Đặng Thành Nghiệp (26 tuổi, quê Vĩnh Long) hướng ánh mắt đầy lo lắng về đống đổ nát, nơi người cha Đặng Văn Hai (59 tuổi) vẫn chưa được tìm thấy sau hơn 10 tiếng xảy ra sự cố. Không đứng vững như hai con trai, bà Dung (vợ ông Hai) gào khóc, vật vã.
|
Lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn do khối sắt thép giàn giáo khổng lồ. Ảnh: Hải Thuận. |
Theo người phụ nữ sống gần công trình, sáng nay đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng động rầm rầm nhưng cứ tưởng là tiếng xe ben đổ đá như thường lệ. Một lúc sau nhiều công nhân chạy ra ngoài la hét, xe cấp cứu chạy đến, bà mới biết công trình bị sập.
|
Cảnh sát cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm công nhân còn lại. Ảnh: Nhật Vy. |
"Sắt thép ngổn ngang, bêtông tươi vừa đổ đã khô khiến việc tìm kiếm nạn nhân vô cùng khó khăn. Chúng tôi sử dụng tất cả các trang thiết bị hiện có như máy khoan cắt bêtông, xe cẩu, máy xúc, thiết bị nâng, kiềm cộng lực... với quyết tâm tìm được nạn nhân mới dừng", đại tá Bửu nói.
Liên quan đến vụ việc, UBND TP HCM đã chỉ đạo Ban quản lý khu Nam phối hợp với UBND quận 7 cùng các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Theo Hà Thuận - Quốc Thắng - Duy Trần (VnExpress.net)