Có lẽ chỉ nhờ tới phép màu, nạn nhân mới thoát được “lưỡi hái của tử thần”, nhưng gần 1,5 tháng đã qua, người này và gia đình vẫn đang phải chật vật trải qua từng giờ, từng phút khó nhọc trong bệnh viện…
Là phóng viên bám sát từng diễn biến trong vụ tô đâm, kéo lê người và xe máy hàng trăm mét ở Ô Chợ Dừa ngay từ đầu, tôi có nhiều dữ liệu thông tin xung quanh vụ án này.
Cho tới khi lái xe bị tạm giam và bị khởi tố, còn nạn nhân Đỗ Mạnh Đạt (SN 1976, trú tại ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) được phẫu thuật thành công, tôi đã tạm yên tâm gác lại sự việc này, để tập trung vào những thông tin nóng hổi, cập nhật khác…
Đến tối ngày 9-5-2018, khi đang ngồi ở sân bay để chuẩn bị đi công tác, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi của Đại úy Nguyễn Duy Bình – Điều tra viên Đội CSHS, CAQ Đống Đa, là người tham gia trực tiếp vào quá trình điều tra vụ án nói trên.
“Em bận không? Có chuyện này anh muốn chia sẻ… Vừa rồi, anh củng cố hồ sơ và đã tới kiểm tra tình hình của nạn nhân Đạt. Thấy nhà họ khổ quá, nhìn rất thương, vẫn bà mẹ già ngồi trông con trên giường, tiền thì không có, mà phía đối tượng lái xe chắc cũng chẳng dư dả để hỗ trợ. Em xem thế nào, viết một bài về hoàn cảnh của họ để xem có ai muốn làm từ thiện và quan tâm thì biết rõ hơn. Nhìn hoàn cảnh như thế, mình cũng không cam lòng…”, anh đã nói vậy qua điện thoại.
Những lời chân thành đó từ một điều tra viên hình sự đã khiến tôi day dứt, và dặn lòng rằng ngay khi chuyến công tác kết thúc, tôi sẽ lại tới để ghi nhận hoàn cảnh lúc này của gia đình nạn nhân vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” một cách khó tin.
“Vẫn phải cột chân nó vào giường vì đau quá…”
Tôi đến Bệnh viện Xanh Pôn vào một ngày đầu hè, nắng nóng, oi bức. Anh họ của nạn nhân Đạt – anh Nghiêm Tiến Thắng - dẫn tôi lên cầu thang để tới phòng bệnh. Khi vừa tới khoa Bỏng, những âm thanh “hãi hùng” xuất hiện: Tiếng trẻ con khóc thét, tiếng người bệnh rên la đau đớn…
Nhưng khi tới cửa phòng bệnh nơi anh Đạt đang nằm điều trị, lại là một bầu không khí yên ắng, trầm lắng tới lạ kỳ. Yên ắng là bởi những giường bệnh trống gần như toàn bộ, có lẽ những người bệnh khác đã đứng dậy được và ra ngoài cho thoải mái.
Trong căn phòng đó, chỉ có duy nhất một người đàn ông đang nằm bất động trên tấm đệm nước dành cho người bệnh nằm lâu ngày, và phía cuối giường, bà Diệp Thị Lan (mẹ anh Đạt, 70 tuổi) ngồi xếp chân, nhìn vô định.
Thấy có khách tới, bà gượng gạo tiếp chuyện, nhưng không giấu được sự mệt mỏi, thất thần của người phụ nữ đang tuổi đã cao mà vẫn phải thức chong nhiều đêm liền để chăm sóc người con trai trên giường bệnh.
“Nó vẫn chưa tỉnh táo đâu, cậu ạ. Chưa nói năng được gì cả. Hỏi có ăn uống gì không thì cũng chẳng gật chẳng lắc gì. Mệt mỏi lắm!”, bà Lan chia sẻ qua tiếng thở khó nhọc.
Trên giường bệnh, anh Đạt nằm yên một tư thế, đôi mắt mở dài dại, không có biểu hiện nhận biết điều gì xung quanh, một tay thả lỏng trên giường. Bất giác, tôi nhận ra chân anh bị cột bằng dây buộc vào mép giường. Cả hai chân!
- Tại sao lại phải buộc chân anh ấy như vậy ạ?
- Nó đau quá! Không thể thả ra được, nên cứ phải buộc cả hai chân như vậy đấy!
Sau mỗi câu trả lời, người mẹ già lại đưa tay lên vuốt mặt như để giữ cho mình tỉnh táo hơn. Có lẽ bà phải tự tạo ra thứ thuốc tinh thần cho mình như thế, bởi khi nói về nỗi đau của người con trai đang phải chịu, nói về những tháng ngày u ám trước mắt, nếu không giữ được sự tỉnh táo, con người ta chắc sẽ ngã gục mà buông xuôi…
Cảm giác xót xa bỗng dâng nghẹn trong tôi lúc đó. Nhưng ngay lập tức, tôi đã tự “giải mã” được cảm xúc của mình: Trước mặt tôi lúc này là nạn nhân của vụ ô tô đâm, kéo lê hàng trăm mét trên đường. Anh đã bị lọt hẳn vào gầm xe trong cuộc tháo chạy tóe lửa, và khi rời ra khỏi gầm xe đó, những người chứng kiến đều bảo “chết rồi!”...
Ngày hôm sau, không ai tin người đàn ông đó còn sống… Nhưng như có phép màu nào đó, anh đã không bị “thần chết” đưa đi. Dù vậy, người đàn ông ấy vẫn cứ nằm đấy, trên giường bệnh, chịu cơn đau dày vò thể xác với 2 chân buộc dây bám vào mép giường… Bởi thế, chắc không chỉ riêng tôi, ai cũng sẽ thấy xót xa khi chứng kiến hình ảnh đó.
Khi câu chuyện vừa dứt, tôi chợt nghe thấy tiếng anh Đạt ngáy khe khẽ, nhưng mắt vẫn mở. Một giấc ngủ “lạ” của người bệnh chưa một phút tỉnh táo kể từ sau cú va chạm định mệnh.
Tôi nói lời từ biệt, khi trong lòng vẫn ngổn ngang suy nghĩ: Liệu hai mẹ con họ sẽ tiếp tục hành trình chữa trị chưa có hồi kết đó như thế nào, khi cả tài chính và sức lực đều kiệt quệ đến cùng cực?
Hoàn cảnh bi đát của nạn nhân bi đát
Anh Nghiêm Tiến Thắng – người anh họ của nạn nhân - kể, nhà anh Đạt neo người, chỉ còn mẹ già, người bố và các chị em đều đã qua đời. Bản thân anh Đạt lúc trước cũng khá “lêu lổng”, sau đó, các anh chị em họ góp tiền mua cho anh Đạt chiếc xe máy để chạy xe ôm, kiếm tiền qua ngày, còn bà Lan bán hàng nước ở đầu ngõ.
“Khi xảy ra sự việc, vợ của lái xe gây án từng tích cực liên lạc, cam kết thanh toán mọi chi phí chữa trị. Thế nhưng từ khi biết chồng chị ấy bị khởi tố tội ‘Giết người’, thì chị ấy cắt đứt liên lạc, không nhắc tới cam kết trước đây nữa”, anh Thắng chia sẻ.
Cho tới giờ, số tiền chi trả viện phí chủ yếu do các anh chị em họ của nạn nhân đi vay mượn các nơi để hỗ trợ bà Lan. Người mẹ đau khổ này từng nghĩ tới việc bán căn nhà sập xệ không có sổ đỏ trong con ngõ Cống Trắng để lấy tiền lo toan, nhưng anh Thắng và mọi người kiên quyết gạt đi.
“Bán nhà xong, chữa trị xong, mẹ con cậu ấy lấy gì để ở? Nên tôi kiên quyết không đồng ý phương án đó!”, người anh họ lý giải thêm.
Trong suốt cuộc trò chuyện kéo dài 30 phút, tôi không hỏi về dự định trong thời gian tới của họ, bởi có lẽ, câu trả lời sẽ chỉ là… “không biết”. Làm sao biết được khi chính những người anh họ, chị họ đó cũng chẳng có kinh tế dư dả để bước vào cuộc đua đường trường, trên hành trình tìm lại sức khỏe cho nạn nhân bị đâm và kéo lê hàng trăm mét đó?
Khi chia tay anh Thắng, tôi bất chợt được nghe một thông tin mới mà trước đây chưa từng biết. Đó là ngay trước khi xảy ra vụ tai nạn, anh Đạt từng về trình bày với gia đình về kế hoạch “cuối năm nay sẽ lấy vợ”. Tuy chưa được gặp em dâu tương lai, nhưng anh Thắng và mọi người đều cảm thấy mừng rỡ, và đã nghĩ tới việc hỗ trợ cho đám cưới của người đàn ông 42 tuổi này.
“Vậy mà vừa nói chuyện cưới vợ xong, nó lại bị như thế… Từ đó tới nay, cũng chẳng thấy cô gái nào xưng là vợ sắp cưới vào thăm nó cả!”, lời nói nghèn nghẹn của người anh họ có lẽ đã diễn tả được hết sự bi đát mà anh Đạt đã và đang phải trải qua.
Có lẽ, khi tỉnh dậy sau những cơn đau triền miên hành hạ, nạn nhân sống sót kỳ diệu sau vụ bị đâm và kéo lê đó vẫn còn phải chịu đựng thêm một vài cơn đau khác - những cơn đau khó có loại thuốc nào chữa lành.
Theo Trung Hiếu (An Ninh Thủ Đô)