Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 30 tuổi ở Phú Thọ đến khám do hốt hoảng, lo âu.
Bệnh nhân cho biết, khoảng 3 – 4 tháng trước, bệnh nhân bị con chó lạ cắn. Sau đó bệnh nhân đã đánh chết con chó và làm thịt ăn. Bệnh nhân cũng không đi tiêm kháng huyết thanh.
Trước khi vào viện hai ngày, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kích thích, sợ nước, sợ gió lạnh, không tắm, đau mỏi đầu và hai vai. Khi đó, bệnh nhân đi khám ở phòng khám tư nhưng không đỡ.
Ngày 21/12, bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, được chẩn đoán và làm xét nghiệm vi rút dại có kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại khoa Cấp Cứu.
Đến 18h15 cùng ngày, bệnh nhân hốt hoảng, kích thích, sợ nước sợ gió của bệnh nhân tăng dần. Được bác sĩ giải thích tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.
Trước đó vào đầu tháng 12, một người phụ nữ 44 tuổi tại Bắc Kạn cũng tử vong do bị chó dại cắn cách đây 4 năm nhưng không tiêm phòng vaccine bệnh dại.
Cần làm gì khi bị chó mèo cắn?
Khi bị chó, mèo cắn bạn hãy chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại.
Nếu chủ động tiêm phòng trước bạn sẽ không phải tiêm huyết thanh kháng dại: được sản xuất từ huyết thanh ngựa nên dễ có phản ứng dị loài, cần thận trọng trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm. Chỉ cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng dại nếu đã tiêm phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm.
Phác đồ tiêm phòng trước phơi nhiễm đối với bệnh dại như sau:
Liều cơ bản: Tiêm bắp 3 liều (0.5 ml/liều) VERORAB vào Ngày 0, Ngày 7, Ngày 28 hoặc Ngày 21
Liều nhắc lại: sau mũi 3 một năm và cứ 5 năm nhắc lại 1 mũi vắc xin phòng bệnh dại.
Theo M.V (Báo Pháp Luật)