Tối 15/12, tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong nghi do nhiễm virus dại sau khi bị chó cắn.
Bệnh nhân bị chó cắn là chị N.T.Y (SN 1974, ngụ TP.Biên Hòa).
Theo thông tin điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, khoảng 4 tháng trước chị Y. bị chó nhà hàng xóm cắn. Vết cắn ở vị trí trên môi và dưới cánh mũi bên phải, tình trạng vết cắn nông/chảy máu ít, không đau.
Sau khi bị chó cắn, chị Y. có thực hiện rửa vết thương bằng nước muối sinh lý nhưng sau đó vì bận đi làm và chủ quan nên đã không đi đến cơ sở y tế khám và điều trị, cũng như không tiêm vaccine dại/huyết thanh kháng dại.
Tối 12/12, bệnh nhân có các biểu hiện sợ nước, sợ gió, hốt hoảng. Đến ngày 13/12 được người thân đưa nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và được chẩn đoán là dại.
Và đến sáng nay 15/12 chị Y. tử vong.
Điều tra dịch tễ cũng cho thấy, trước đây chị Y. có nuôi nhiều chó, từng bị chó cắn thời gian dài nên người nhà không nhớ rõ. Chó lúc cắn không có triệu chứng nghi dại và không rõ tiền sử tiêm chủng dại. Sau khi cắn chị Y. con chó mất tích nên không theo dõi được.
Ngoài ra, khu vực chị Y. sinh sống có nhiều nhà nuôi chó, trong đó có 1 trang trại nuôi 30 con. Lịch sử bị chó cắn của người dân khu vực này chưa rõ, nên chưa nhận định được hết tình hình. Không loại trừ đã có nhiều người bị cắn và có khả năng đã bị nhiễm nhưng chưa có biểu hiện bệnh dại.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.
Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển được đoạn đường từ 12-24 mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài…, thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Các chuyên gia khuyến cáo khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
NT (Nguoiduatin.vn)