Ngày 7/9, toàn thể cán bộ, công chức khối văn phòng Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống đến công sở dự lễ chào cờ, giao ban đơn vị và làm việc.
Trong đó, các cán bộ nữ mặc áo dài màu tím đặc trưng, có họa tiết hoa sen còn cán bộ nam mặc áo dài ngũ thân với tông nền áo màu xanh đậm, quần trắng.
Theo Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi tham khảo ý kiến của các cán bộ, nhân viên, Sở quyết định chọn thứ Hai đầu mỗi tháng và các ngày lễ truyền thống của ngành, các lễ hội… thì toàn thể CBCC khối cơ quan văn phòng Sở mặc áo dài truyền thống.
Việc mặc áo dài truyền thống nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của “quốc phục” dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh cán bộ, công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ việc mặc áo dài truyền thống nhưng cũng có nhiều ý kiến khác trái chiều, cho rằng “trang phục công sở Nhà nước đã có quy định rõ ràng, mặc như vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc”, “công chức mặc áo dài ngũ thân như các liền anh đi hát quan họ” hay “mặc áo dài mà đi giày Tây, sao không đi guốc mộc”…
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc mặc áo dài truyền thống của nữ giới đã có từ lâu, còn đối với nam giới thì chuyện chọn áo dài ngũ thân làm trang phục truyền thống là phù hợp.
Bởi lẽ, trang phục này ra đời tại Huế từ năm 1744 và vào thời Nguyễn đã lấy làm quốc phục, nghĩa là nó đã hoàn chỉnh và có hàng trăm năm lịch sử.
Ông Hải lý giải, áo dài ngũ thân là di sản của người Việt Nam, áo có năm thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho người mặc.
Áo luôn có 5 cúc cài thể hiện Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, có ý nghĩa người mặc áo dài phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử.
Ngoài ra, Sở VH-TT còn là đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện đề án Huế - Kinh đô áo dài.
Việc mặc áo dài truyền thống nhằm góp phần gìn giữ nét văn hóa riêng của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch, tạo công việc cho những người làm nghề may mặc.
Trước đó, vào tháng 7/2020, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hội thảo khoa học “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.
Hội thảo thu hút sự tham gia các nhân sĩ, trí thức, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nhà thiết kế may mặc trong và ngoài tỉnh và được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.
Theo Anh Khoa (CAND Online)