Thủ tướng vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách của các cơ quan hành chính nhà nước và các hội có tính chất đặc thù năm 2018.
Tổng biên chế công chức năm 2018 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, công chức dự phòng và các hội có tính chất đặc thù là hơn 265.000 (giảm 4.000 so với năm trước đó). Số này không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã.
Cụ thể, biên chế các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là trên 107.000.
Trong khối cơ quan trên, Bộ Tài chính có biên chế lớn nhất với trên 70.000, tiếp đến là Bộ Tư pháp trên 10.000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hơn 6.400, Ngân hàng Nhà nước trên 5.400.
Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện có hơn 155.000 biên chế. Số biên chế của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước lần lượt là hơn 1.000 và 686. Tổng số biên chế dự phòng gần 800.
Hà Nội và TP HCM có số biên chế lớn nhất trong nhóm cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện với trên 8.000 (Hà Nội 8.900; TP HCM hơn 8.000).
Trước đó, tại nghị quyết số 1 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Thủ tướng ban hành, mục tiêu trong năm 2018 là giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Những cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế. Các tổ chức và cá nhân vi phạm trong thực thi công vụ sẽ bị xử lý.
Theo Võ Hải (VnExpress.net)