Để nói về những mỹ nhân Hà Thành xưa, cô Phượng hàng Ngang có lẽ là một trong những cái tên đình đám bậc nhất. Cô được xếp vào hàng “Tứ đại mỹ nhân” của Hà Thành, mệnh danh là Tây Thi phố cổ. Thế nhưng có lẽ giống như quy luật của tất cả những người phụ nữ đẹp, bi kịch “hồng nhan bạc phận” cũng vận vào cuộc đời của mỹ nhân này.
Tài sắc vẹn toàn nức tiếng đất Kinh Kỳ
Theo lịch sử ghi chép lại, cô Phượng (Tên thật là Vương Thị Phượng) không chỉ nổi danh với nhan sắc trời phú mà còn được sở hữu tài cầm kỳ thi họa xuất chúng. Ngày ấy, cô Phượng được xem như là một món “bảo vật” mà bao người mê đắm.
Nói về nhan sắc của cô Phượng, trong cuốn hồi ký “Những năm tháng ấy” của Vũ Ngọc Phan có miêu tả rất chi tiết. Những lời vàng, ý ngọc đều được dành để ngợi ca sự xuất sắc về ngoại hình của cô Phượng: "Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười. Gò má cô hơi cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlene Dietrich lừng danh thời bấy giờ".
Cũng vì sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành này mà người ta kể lại giai thoại rằng, ngày ấy bất cứ ai đi ngang qua cửa hàng nhà cô Phượng, không ai bảo ai, 100 người thì cả 100 phải ngoái đầu nhìn vào với hi vọng có cơ may được nhìn ngắm mỹ nhân Hà Thành này.
Trước nhan sắc tuyệt trần của con gái, không muốn lãng phí viên ngọc sáng giá, cha mẹ của cô Phượng vô cùng cưng chiều con gái. Họ không tiếc tiền mời thầy về nhà để dạy cho cô cầm, kỳ, thị, họa như một cách để làm trọn vẹn hơn “báu vật” của gia đình mình.
Có thể nói, cô Phượng thời bấy giờ như bước ra từ những áng văn, thơ miêu tả, khắc họa về một mỹ nữ tài sắc vẹn toàn không gì sánh được.
Được gả cho gia đình quyền thế vẫn bất chấp bỏ chồng chạy theo người tình
Thời ấy hôn nhân đại sự của con cái là do cha mẹ quyết định, cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Cô Phượng cũng chịu chung sự sắp đặt này như mọi cô gái khác.
Cha cô Phượng là người gốc Hoa nên đã chọn A Cẩu – cháu của ông chủ buôn tơ lụa Phạn Vạn Thành để con gái thành thân. Cô chính thức trở thành dâu của một gia đình giàu có. Cuộc sống ở nhà chồng của cô Phượng không vất vả về tay chân, dư giả vật chất bởi lẽ cô chẳng phải làm gì, có kẻ hầu, người hạ lo hết. Không những vậy, cô còn được cha mẹ chồng vô cùng cưng chiều, ưng ý. Nhất là khi cô lại sinh cho nhà chồng một quý tử khôi ngô.
Thế nhưng, cuộc đời không bao giờ vẹn toàn. Đằng sau vẻ ngoài yên ấm đó lại là những bi kịch ngầm mà người đàn bà đẹp này phải một mình đối diện. Chồng của cô A Cẩu là một kẻ vô công rồi nghề, chẳng có tài cán gì, tối ngày ăn chơi, rượu chè, ngập trong bê tha, trác táng. Anh ta coi việc cưới được cô Phượng chỉ là một chiến tích để hãnh diện với đám bạn, chỉ là một món hàng tô điểm cho thanh thế của anh ta mà thôi.
Ngoài ra, A Cẩu là người vũ phu, cục cằn, gái gú và hay ghen tuông. Anh ta đã nhiều lần đánh cô Phượng khi có chuyện không vừa ý. Là một người giỏi giang, có học thức, cô Phượng không hề cảm thấy hạnh phúc bên người chồng tệ hại ấy. Chính những tổn thương này đã khiến cô Phượng sau này đi tới một quyết định táo bạo nhất của cuộc đời mình.
Cuộc sống đẩy đưa, cô Phượng tình cờ gặp nhà báo Hoàng Tích Chu. Cuộc hôn nhân không tình yêu, không hạnh phúc bên người chồng vừa kém cỏi, vừa tàn độc đã khiến mỹ nữ Hà Thành nảy sinh tình yêu với người đàn ông tài hoa này. Có lẽ sự cô đơn và tủi hờn trong nhiều năm đã khiến người đàn bà đó dám vứt bỏ mọi thứ để chạy theo ái tình. Cô sẵn sàng bỏ lại tất cả, bao gồm cả chồng, con và một gia đình giàu có để bỏ trốn theo tình nhân vào Sài Gòn sau khi để lại 1 lá thư từ biệt.
Sự kiện này gây chấn động dư luận thời bấy giờ, cả khu phố cổ rúng động bởi cái tin Tây Thi phố cổ bỏ chồng theo trai. Người bênh vực, kẻ cười chê, người tôn vinh cô dám vứt bỏ lề lối, luân thường đạo lý để chạy theo tiếng gọi con tim, kẻ lại khinh thường gọi cô là ả đàn bà lăng loàn Thế nhưng, cô bỏ lại mọi lời đàm tiếu để sống hết mình với tình yêu.
Những tưởng sự liều mình, gan dạ này của cô sẽ được đền đáp nhưng đời là một bể trầm luân, kể từ đây, cuộc đời cô liên tiếp trải qua quá nhiều biến cô. Người đàn ông mà cô lựa chọn vứt bỏ tất cả để ở bên anh ta, cuối cùng lại rời bỏ cô để sang Pháp học nghề báo. Trước khi đi, Hoàng Tích Chu đã viết thư gửi cho cha mình – một quan tri huyện ở Bình Lục, Hà Nam với lời gửi gắm mong họ đón nhận cô Phượng làm con dâu. Thế nhưng gia đình họ không đồng ý việc này.
Cô Phượng được gia đình nhà họ Hoàng dẫn về phố cổ với mục đích xin lỗi gia đình nhà chồng để có đường quay về. Lúc này, A Cẩu không chấp nhận tha thứ cho vợ. Cô chính thức trở thành kẻ tứ cố vô thân khi bố mẹ đều đã qua đời. Một mình cô Phương lăn lộn, buôn bán qua ngày nuôi hi vọng một ngày Hoàng Tích Chu quay về.
Nhưng ngay cả cái hi vọng mong manh ấy cũng bị dập tắt. Trong một lần cô bị người ta lừa gạt, mất trắng tài sản, không còn gì để cầm cự, người đàn bà đẹp này đành dựa vào những người đàn ông xung quanh mình để cầm cự qua ngày.
Bao đàn ông si mê, cuối đời thành nạn nhân màn trả thù cay độc vì tình
Sau biến cố bị lừa về tiền bạc, cuộc đời của cô Phượng chính thức bước vào giai đoạn đầy bi kịch. Cô khiến nhiều đàn ông phải si mê mình nhưng rồi lại khốn khổ vì chính điều đó.
Dù đã trải qua trầm luân, dâu bể, thế nhưng nhan sắc của cô Phượng vẫn bao người đàn ông si mê, điển hình trong đó là ông Lưu – một đại gia giàu có. Rơi vào lưới tình của cô Phượng, ông ta thuê cho cô một ngôi nhà bên Long Biên để tiện qua lại. Nhưng ông Lưu là một người đã có gia đình, thói đời đàn bà không chấp nhận cảnh chung chồng, vợ của ông Lưu khi biết chuyện đã tìm mọi cách để ngăn cản mối quan hệ này. Trước sức ép quyết liệt từ vợ, ông Lưu buông tay cô Phượng, để mặc cô một mình. Không chốn dung thân, cô Phượng lên một ngôi chùa tại Hưng Yên để xin xuất gia nhưng không thành.
Cũng chính trong những ngày nương náu ở chùa đó, cô Phượng lại tiếp tục gặp một người đàn ông khác. Đây là viên tham tán tên Bách. Chỉ vừa nhìn thấy cô Phượng, ông ta đã bị rơi vào lưới tình và nằng nặc đòi cưới cô làm vợ. Sự cuồng si của người đàn ông này lớn tới nỗi ông ta còn yêu cầu đích thân vợ cả lên chùa để làm lễ, rước cô Phượng về làm vợ hai cho mình.
Những tưởng được bao bọc, bảo vệ như vậy, cuộc đời cô Phượng sẽ được ấm êm, hạnh phúc. Thế nhưng chính sự si mê này của viên tham tán lại gieo vào cuộc đời cô Phượng thêm một tấn bi kịch. Người vợ cả của tham tán Bách quá cay cú nên đã lên kế hoạch để trả thù. Khi ông nhận chức mới bổ nhiệm tại Lai Châu, theo kế hoạch cô Phượng sẽ lên đó phục dịch chồng. Nhân lúc đó, người vợ cả đã lừa cho cô Phượng uống một loại thuốc độc khiến cô ốm đau, nửa điên nửa dại. Không còn cách nào khác, trước tình hình bệnh tật của cô Phượng, viên tham tán đành đưa cô quay trở lại Hà Nội.
Trở về nơi sinh ra của mình nhưng giờ đây, cô Phượng chỉ còn là một người đàn bà tàn tạ, trong túi chỉ còn 15 đồng bạc, không người thân thích, không nơi nương tựa. Cô Phượng quay về Gia Lâm, nhờ cậy vào một bà hàng xóm. Thương tình cảnh sống kiệt quệ của cô, bà hàng xóm cũng hết lòng chăm sóc, thương yêu như con đẻ. Nhưng bệnh tình của cô Phượng quá nặng, không còn cách nào khác, bà đành gửi cô vào nhà thương. Chỉ 1 tuần sau đó, cô Phượng qua đời trong cô độc, đớn đau, không một ai bên cạnh.
Mãi đến sau này, mỗi khi nhắc đến cô Phượng – Tây Thi phố cổ, người ta lại tiếc thương một tuyệt sắc giai nhân, một mỹ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng không thoát khỏi bi kịch hồng nhan bạc phận.
Theo Hà Anh (Thoidaiplus.giadinh.net.vn)