Ngược dòng lịch sử, Việt Nam của 100 năm trước từng có những mỹ nhân nức tiếng, được mệnh danh là Hoa hậu, hoa khôi. Mặc dù thời đó chưa từng có một cuộc thi tìm kiếm sắc đẹp một cách chính thống nào nhưng với nhan sắc nổi bật của mình, rất nhiều người phụ nữ đã được ca ngợi với những mỹ từ “Hoa hậu”, Người đẹp”, “Hoa khôi”. Một số nhà nghiên cứu lịch sử giải thích rằng, thời ấy, người ta dùng những từ này để thay cho từ người phụ nữ đẹp chứ không phải là những người phải đoạt giải trong một cuộc thi nào đó.
Trong số rất nhiều những mỹ nhân thời ấy, cái tên cô Ba Trà có lẽ đã trở thành một huyền thoại. Xoay quanh cuộc đời người đàn bà đẹp và truân chuyên này có rất nhiều giai thoại đáng kính nể.
Tuyệt sắc giai nhân, tuổi thơ cơ cực và tuổi 18 đã 3 đời chồng
Đất Sài Gòn xưa không ai là không biết đến danh của cô Ba Trà. Nhan sắc của cô như một bảo chứng cho đẳng cấp của những người được may mắn quen cô. Thời đó người ta mặc định với nhau rằng, cô Ba Trà là niềm mơ ước của tất thảy đàn ông khắp Sài Gòn. Quen được cô là niềm hãnh diện, tự hào của rất nhiều đấng mày râu giàu có.
Cô Ba Trà tên thật là Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906 tại Cần Đước, Long An. Cái tên Ba Trà ra đời do cô là con thứ trong gia đình nhiều anh chị em.
Theo những gì lịch sử ghi nhận lại, cô Ba Trà có một tuổi thơ khá nhọc nhằn. Có người nói bố mẹ cô sống không hạnh phúc nên cô phải theo mẹ về bên ngoại sống. Cũng có người lại đồn rằng cô phải chịu sự ghẻ lạnh từ gia đình bên nội. Nguyên nhân là bởi cha cô mất sớm, nhà nội tin rằng vì cô là người mang xui xẻo, tang tóc đến cho gia đình. Thậm chí họ còn nghi ngờ cô không phải là cốt nhục của gia đình này. Cũng vì thế, tuổi thơ của cô Ba Trà chịu nhiều đòn roi của nhà nội. Nhìn chung, cô đã lớn lên với những tổn thương sâu sắc trong tâm hồn và cả những thiếu thốn về vật chất.
Nhưng trong gian khổ ấy, càng lớn cô Ba Trà càng xinh đẹp hút hồn. Ở tuổi 13 – 14 cô đã khiến bao người phải mê đắm khi ngắm nhìn. Người ta tả lại rằng, cô có làn da trắng ngần, đôi má hồng, hàng lông mi cong vút, đôi mắt ướt, vẻ đẹp khiến ai cũng phải mê đắm.
Cô Ba Trà được gả đi từ rất nhỏ vì mẹ muốn cô thoát khỏi cảnh sống cơ cực nên đã chọn cho cô một tấm chồng là quan ba người Pháp. Ông này lớn hơn cô rất nhiều tuổi. Thế nhưng cuộc hôn nhân đầy nước mắt đó kết thúc chóng vánh chỉ sau 1 năm khi mà viên quan này về Pháp và không quay trở lại.
Sau khi bị người chồng đầu bỏ rơi, cô Ba Trà quyết định mưu sinh tại Sài Gòn hoa lệ. Ở mảnh đất phồn hoa ấy, với nhan sắc nổi bật, cô có cơ hội quen được rất nhiều người đàn ông giàu có. Và rồi cố chính thức bước vào cuộc tình với người đàn ông tên Toàn – thiếu gia của một gia đình tỷ phú người Hoa.
Người ta nói rằng, vì tình yêu với mỹ nhân này, thiếu gia Toàn không tiếc tiền để chiều chuộng cô Ba Trà. Chính sự ga lăng này đã khiến người đẹp đồng ý kết hôn với vị thiếu gia giàu có. Lúc đó, cô Ba Trà chỉ mới 15 tuổi.
Những tưởng cô sẽ có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc bên người chồng giàu có, si mê mình, ấy vậy mà chỉ vỏn vẹn 2 năm, cuộc hôn nhân của cô lại tan vỡ. Nguyên nhân là vì vị thiếu gia đó lại si mê những giai nhân khác mà bỏ mặc vợ.
Tuổi 18, sau 2 đời chồng, cô Ba Trà tiếp tục trở thành vợ của một bác sĩ danh tiếng. Nhưng những lận đận tình duyên của người đàn bà sắc nước hương trời này vẫn chưa dùng lại. Không lâu sau đó, cô lại ly hôn lần thứ ba.
Bất chấp quá khứ qua nhiều đời chồng, mỹ nhân Sài Thành vẫn khiến bao đại gia đốt tiền cưng nựng
Có vẻ như nhan sắc thượng thừa của cô Ba Trà đủ sức làm phai mờ đi những dấu ấn không đẹp trong lịch sử tình trường của cô. Mặc dù đã trải qua 3 đời chồng thế nhưng cô vẫn là “thỏi nam châm” thu hút biết bao đại gia, thiếu gia thời bấy giờ. Theo ghi chép của học giả Vương Hồng Sển, người sinh sống cùng thời với Ba Trà có để lại trong cuốn Sài Gòn Tả Pín lù, cô đã khiến đàn ông “điêu đứng”: "Cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc".
Cô Ba Trà lao vào rất nhiều cuộc tình. Danh sách người tình của cô tạo thành một “bộ sưu tập” mà ở đó toàn các đại điền chủ, đại công tử hào hoa bậc nhất Nam Kỳ như: Lê Công Phước (biệt hiệu Bạch công tử) - con trai của quan Đốc Phủ Sứ Lê Công Sủng, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (biệt hiệu Hắc công tử) hay công tử Bích, chủ nhà băng Đông Pháp.
Không chỉ là những tay chơi khét tiếng giàu có, đến ngay cả tầng lớp trí thức cũng không thoát khỏi lưới tình của cô. Dường như ai gặp cũng bị cô Ba Trà mê hoặc. Từ quan tòa, luật sư, bác sĩ hay đến cả vua cờ bạc Sài Gòn thời bấy giờ là Sáu Ngọ cũng phải mê mẩn cô.
Dĩ nhiên, đi cùng những cuộc tình ấy, cô Ba Trà như một bà hoàng, được các đấng mày râu cung phụng, chu cấp tiền bạc. Trong 10 năm rực rỡ nhất của nhan sắc, cô đã có khoảng trên mười nghìn lượng vàng – một con số khủng khiếp thời bấy giờ. Đây là số tiền mà các tỷ phú đã vung ra để lấy lòng người đẹp.
Trong số những người tình của cô Ba Trà, có lẽ giai thoại về cuộc đối đầu giữa Hắc – Bạch công tử là nổi đình đám hơn cả. Cả hai đều si mê cô Ba Trà và cuộc chiến ngầm giữa hai công tử lắm tiền này diễn ra. Người được lợi duy nhất là cô Ba Trà.
Bạch công tử đi du học ở Pháp về, sở hữu vẻ ngoài đẹp trai, tài giỏi, cộng với nhà lắm tiền nên xung quanh ông đầy gái đẹp vây quanh. Thế nhưng vị công tử xuất chúng ấy lại chỉ mê mệt mỹ nhân 3 đời chồng là cô Ba Trà.
Theo kể lại, cô Ba chẳng cần phải đòi hỏi mà các công tử cứ tự nguyện dâng vàng bạc, đồ giá trị tới cho mình. Hễ Hắc công tử tặng cô Ba Trà món quà quý gì thì ngay lập tức, Bạch công tử lại tìm mua bằng được những món đồ đắt giá hơn để vượt mặt đối thủ. Ngược lại, Bạch công tử tặng nhẫn kim cương trị giá hơn 3000 đồng (ngày đó vàng mới chỉ có 60 đồng một lượng). Ngay lập tức, Hắc công tử đã đến gặp cô Ba Trà và tặng nhẫn trị giá gấp đôi của Bạch công tử. Nhờ vậy, trang sức, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, đồ hiệu… tất cả cô Ba Trà đều ngập ngụa.
Đặc biệt nhất, giai thoại khiến đời sau phải kính nể nhiều nhất chính là việc hai vị công tử này tổ chức một cuộc thi luộc trứng hoặc nấu chè mà lửa để nấu được dùng chính tiền để đốt. Để nấu sôi một nồi chè đậu xanh trong gần 1 giờ, mỗi công tử phải đốt 100 tờ giấy bạc. Theo tính toán, nếu Hắc công tử đốt bằng tiền giấy mệnh giá 50 đồng trở lên thì chí ít ông cũng phải đốt tới 5.000 đồng Đông Dương. Số tiền đó là một gia tài lớn đối với người dân thời bấy giờ.
Ai cũng hiểu, tiền giấy kém nhiệt, cháy nhỏ và nhanh lụi, nấu 1 nồi chè thực sự là một cuộc thi quá căng thẳng. Những người chứng kiến hôm đó đã thót tim chờ đợi nồi chè sôi trong trạng thái vô cùng… xót tiền. Cuối cùng, nồi chè của Bạch công tử đã sôi trước, công tử Bạc Liêu đành thua cuộc.
“Nướng” sạch bạc tiền vào cờ bạc, cuối đời sống cảnh cơ hàn
Được 2 vị công tử coi như báu vật, tìm mọi cách chinh phục trái tim người đẹp, ấy thế nhưng cả Hắc công tử và Bạch công tử đều không khiến cô Ba Trà ưng thuận. Cô không lựa chọn ai trong cả hai người họ.
Cô Ba Trà cũng tiết lộ, vung tiền tái gái như hai vị công tử trên nhưng thực chất họ vẫn chưa phải là người chu cấp nhiều tiền nhất cho cô. Người thương và cho cô nhiều tiền nhất là Lâm Kỳ Xuyên, còn gọi là công tử Bích. Ông là chủ chi nhánh ngân hàng Đông Dương ở Cần Thơ, có cha là chủ hãng rượu lớn ở miền Tây. Vì quá si mê cô Ba Trà mà ông đã từng tặng người đẹp tới hơn 70.000 tiền Đông Dương.
Sống trong nhung lụa, tiền bạc không thiếu nhưng cô Ba Trà lại nướng hết vào cờ bạc, đỏ đen. Cô là một con khát bạc bậc nhất. Có bao nhiêu tiền bạc cô đều ném cả vào những canh bạc. Cứ hết tiền cô lại được các đại gia chu cấp.
Những năm tháng sau này, khi nhan sắc đã tàn phai, không còn đủ sức khiến các đại gia mê mẩn. Họ dần rời xa bà, vì thế bà cũng chẳng còn tiền để mà chơi cờ bạc. Năm 1966, người ta thấy cô Ba Trà nhan sắc lẫy lừng một thời làm thuê ở một tiệm tồi tàn ở chợ lớn. Ngoài 60 tuổi, bà sống cô đơn, tiều tụy một mình mặc dù những đường nét thanh tú của một tuyệt sắc giai nhân cũng còn vương lại trên gương mặt.
Theo Minh Khuê (Thoidaiplus.giadinh.net.vn)