Mùa xuân đầu tiên của 'liệt sĩ' trở về sau 26 năm

27/01/2019 08:03:42

Sau 26 năm được công nhận liệt sĩ, ông Trịnh Thanh Bình (63 tuổi, quê tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bất ngờ trở về trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của người thân. Một mùa xuân mới lại về sau nhiều năm xa gia đình, nay được đoàn tụ đầm ấm – nó hơn cả một giấc mơ của người cựu binh già.

26 năm thờ liệt sĩ

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, phóng viên Báo NTNN quay lại thăm gia đình cựu binh Trịnh Thanh Bình sau 4 tháng ông trở về quê hương, đoàn tụ với vợ con, họ hàng… trên mảnh đất mình sinh ra. Căn nhà nhỏ mà vợ và các con ông Bình ở nay rộn ràng tiếng cười. Bà Nguyễn Thị Hợp (69 tuổi) - vợ ông Bình, rạng rỡ khi chia sẻ: “Cả nhà tôi sẽ đón một cái tết thật đặc biệt, các con cháu về đầy đủ, đứa thì góp con gà, đứa mua gạo nếp, cân thịt lợn để làm bánh chưng… và quây quần đón xuân “đầu tiên” cùng bố”.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Hợp cho biết: Ông Bình nhập ngũ vào Đoàn 7704MT479 (Quân khu 7) năm 1976, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1980, bà Hợp và ông Bình cưới nhau, sau đó có 3 đứa con.

Mùa xuân đầu tiên của 'liệt sĩ' trở về sau 26 năm
Cựu binh Trịnh Thanh Bình và vợ trong ngày đoàn tụ.  Ảnh: Hữu Anh

Trong thời gian tại ngũ, ông Bình được nghỉ phép về thăm vợ con 3 lần, vào các năm 1982, 1986 và 1988. Đến ngày 16.7.1988, gia đình nhận được giấy thông báo ông Bình hy sinh tại Campuchia, trường hợp mất tích trong chiến đấu. Đến ngày 21.7.1992, gia đình nhận được giấy báo tử nên lập bàn thờ, cúng giỗ...

“Lần cuối cùng chồng tôi được nghỉ phép về thăm nhà là vào năm 1988. Khi ông ấy chia tay vợ con quay trở lại đơn vị là lúc tôi đang mang bầu đứa con gái thứ 3. Khoảng vài tháng sau thì tôi được đơn vị của chồng thông báo ông ấy mất tích. Nhiều năm sau, tin tức về chồng vẫn không có nên gia đình mới chuyển sang đi tìm mộ. Tôi cùng con đi vào các nghĩa trang ở Quảng Bình, Đồng Nai, Tây Ninh tìm kiếm nhưng vẫn không có kết quả”- bà Hợp kể lại.

“Hơn 26 năm tôi là góa phụ, một mình lo cho 3 đứa con ăn học nên người và không nghĩ có ngày gặp lại được chồng. Trưa 11.9.2018, con trai tìm được bố còn sống từ Campuchia đưa về quê. Ông Bình về đến nhà bằng da bằng thịt, mà sau một hồi trấn tỉnh tôi mới dám tin đó là sự thật”- bà Hợp xúc động.

Anh Trịnh Thanh Hoàng (33 tuổi, con trai ông Bình) kể: “Sau thời gian đi tìm mộ không có kết quả, gia đình chuyển sang tìm đồng đội của ông Bình để tìm hiểu thông tin về trường hợp mất tích của bố tôi. Mãi đến năm 2017, tôi tìm được ông Nguyễn Hữu Thọ công tác cùng đơn vị với bố ngày trước, hiện sống tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Rất may là ông Thọ có quen biết nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại nơi mà đơn vị của bố tôi đóng quân ngày trước ở Campuchia nên có thể hỏi dò thông tin. Ông này sau đó đã nhờ một người tên Sơn đi vào các bản làng dò hỏi. Thông qua hình ảnh mà gia đình cung cấp, đầu tháng 8.2018, ông Sơn bất ngờ tìm được bố tôi vẫn còn sống, đang ở tại một bản dân tộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Battambang, Campuchia”.

Ông Sơn đã gọi điện thoại về thông báo cho anh Hoàng và cho biết hiện ông Bình có vợ là người bản xứ và đã có với nhau 5 người con. Khi hỏi thì ông Bình không biết nói tiếng Việt, chỉ nói tiếng dân tộc bản địa. Một ngày đầu tháng 9.2018, anh Hoàng cùng hai người chú ruột sang Campuchia để xác minh thông tin. Sau nhiều lần gợi nhớ và cho xem những bức ảnh của gia đình, ông Bình bất ngờ nhận ra anh Hoàng, bố con ôm nhau khóc nức nở. Ông Bình đã đưa cho anh Hoàng tập hồ sơ về tên tuổi, đơn vị công tác, ngày nhập ngũ mà ông  lưu giữ suốt 30 năm qua.

Mùa xuân đầu tiên của 'liệt sĩ' trở về sau 26 năm - 1
Từ ngày trở về quê, ông Bình làm vườn và sống vui vẻ với vợ con, các cháu.  Ảnh: H.A

Anh Trịnh Thanh Hoàng cho biết thêm: “Khi qua nơi bố đang sinh sống tìm hiểu thì mới biết bố được người dân trong bản này cứu sống vào năm 1988 sau khi bị trúng bom mìn, thương tích khắp người và mất trí nhớ. Bố hầu như quên hết tiếng mẹ đẻ, chỉ nói được dăm ba chữ... Sau khi hoàn tất các thủ tục, bố đã theo gia đình trở về Việt Nam”.

Mùa xuân “đầu tiên”

"Đã 26 năm nay tôi được vợ, con lo “hương khói”, nay chính tôi tự tay sửa soạn bàn thờ, sắm đồ để thắp hương tổ tiên, bố mẹ mình trong những ngày tết. Còn gì vui sướng hơn nữa hả anh?”. 

Cựu binh Trịnh Thanh Bình

Một mùa xuân đoàn viên, ấm áp đang đến với mọi nhà, thế nhưng đối với gia đình cựu binh Trịnh Thanh Bình, không khí sum vầy, ngập tràn hạnh phúc đã chính thức gõ cửa gia đình khi ông Bình về nhà sau 26 năm có giấy báo tử.

Đây không chỉ là niềm vui của riêng cựu binh Trịnh Thanh Bình được trở về quê mà, còn là niềm hạnh phúc vỡ òa đối với vợ và 3 đứa con ông đã không quản khó khăn, miệt mài đi tìm chồng, tìm bố trong nhiều năm và có những lúc tưởng chừng như vô vọng. “Đối với tôi năm nay được đón tết sum họp bên gia đình thật sự là một niềm hạnh phúc vô bờ, nó giống như cuộc “hồi sinh” lần hai. Và càng hạnh phúc hơn là khi vợ và các con dù đã nhận được giấy báo tử của tôi nhưng vẫn luôn đau đáu tìm bố, thậm chí nhiều người nói tôi đã hi sinh nhưng các con vẫn không bỏ cuộc”- cựu binh Trịnh Thanh Bình chia sẻ.

Ngày trở về, vợ và các con, họ hang, làng xóm có chút bất ngờ vì trí nhớ ông Bình không còn như trước, thậm chí ông nói được ít tiếng Việt với giọng lơ lớ. Vậy nhưng trên khuôn mặt ông luôn nở nụ cười khi được đoàn tụ với vợ con, gặp lại người quen. Từ ngày ông Bình về quê, không ngớt người đến nhà thăm hỏi, chúc mừng, tặng đủ thứ quà: Người tặng cho cái áo, đôi dép, người mang theo con gà, cân gạo nếp… - dù không lớn về giá trị vật chất nhưng thắm đượm nghĩa tình.

"Tết này tôi sẽ mua lá dong còn gạo nếp thì các con mua về cho, tôi sẽ gói thật nhiều bánh chưng để bạn bè, xóm giềng và khách qua ăn tết chung. Tết năm nay chắc chắn là sẽ rất vui” - bà Hợp hồ hởi nói.  

Một ngày đầu tháng 9.2018, anh Hoàng cùng hai người chú ruột sang Campuchia để xác minh thông tin. Sau nhiều lần gợi nhớ và cho xem những bức ảnh của gia đình, ông Bình bất ngờ nhận ra anh Hoàng, hai bố con ôm nhau khóc nức nở…

Trong niềm vui ngày đoàn tụ, cựu binh Trịnh Thanh Bình cũng không giấu nỗi lo mình đang phải đối mặt sức khỏe ngày một yếu, bệnh tật vì vết thương hành hạ. "Đến nay sau 4 tháng tôi trở về, gia đình đã báo cáo lên cơ quan chức năng mong các cấp, ngành xem xét hoàn cảnh, hoàn thiện hồ sơ để tôi có chiếc thẻ bảo hiểm đi khám chữa bệnh vì hoàn cảnh gia đình tôi cũng rất khó khăn"- ông Bình bày tỏ. 

Ông Phạm Văn Công-Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cho biết: Qua xác minh thì các loại giấy tờ mà ông Bình vẫn giữ được 30 năm qua trùng khớp với hồ sơ công nhận liệt sĩ. Nay ông Bình trở về không còn là liệt sĩ nữa nên ngành đã làm hồ sơ cắt các chế độ chính sách của thân nhân liệt sĩ. Còn các chế độ tới đây của ông Bình như thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc hóa học... thì thuộc thẩm quyền xử lý của quân đội”.

Theo Hữu Anh (Dân Việt)

Nổi bật