30 năm chỉ mong gặp bố trong mơ
Sự trở về của ông Trịnh Thanh Bình đã khiến mọi người bất ngờ bởi từ ngày vợ ông nhận được giấy báo tử, không ai nghĩ ngày ông vẫn sống để trở về quê hương đoàn tụ với gia đình.
30 năm trước, ông Bình rời gia đình lên đường tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, thời điểm đó các con ông còn rất nhỏ. Cô con gái đầu Trịnh Thị Phượng mới lên 8 tuổi, cậu con trai Trịnh Thanh Hoàng lên 4 và cô em gái út Trịnh Thị Huế còn trong bụng mẹ.
Từ ngày còn nhỏ, anh Hoàng luôn tự hào vì bố mình đã chiến đấu và ngã xuống vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.
“Mẹ tôi kể rất nhiều về bố. Dù không có ký ức nào về ông nhưng tôi cũng phần nào cảm nhận được bố là người đàn ông hiền hậu, dũng cảm. Nhiều đêm tôi cứ ước mong có thể gặp bố dù chỉ là trong giấc mơ”, anh Hoàng kể.
Nỗi khao khát được gặp bố khiến anh Hoàng quyết tâm ngược xuôi tìm tung tích dù trong anh tay chỉ có ít ỏi thông tin “Trịnh Thanh Bình, đoàn 7704-MT479 thuộc Quân khu 7 làm nhiệm vụ tại Campuchia”.
Cũng giống như mẹ mình, anh Hoàng luôn mong muốn được tìm thấy bố để đưa ông trở về với quê nhà. Anh đã cùng mẹ đi vào các nghĩa trang ở Quảng Bình, Đồng Nai, Tây Ninh tìm kiếm mộ bố nhưng vẫn thấy.
Không có kết quả, anh Hoàng chuyển sang tìm đồng đội của ông Bình để hỏi tung tích của bố. Mãi đến năm 2017, anh Hoàng tìm được ông Nguyễn Hữu Thọ, công tác cùng đơn vị với bố ngày trước, hiện đang sinh sống tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Đồng đội này bất ngờ thông tin có người thấy bố anh đang sống tại Campuchia.
“Bác Thọ nói với tôi, có người thấy Trần Bình còn sống, nhưng chưa chắc chắn. Sau đó, bác Thọ nhờ một người gốc Việt đang sống ở Campuchia tên là Sơn để tìm tung tích về bố tôi.
Thông qua hình ảnh mà gia đình cung cấp, đầu tháng 8 vừa qua, ông Sơn bất ngờ tìm được bố tôi vẫn còn sống tại một bản làng thuộc tỉnh Battamba. Mẹ con tôi lúc đó vỡ òa trong niềm hạnh phúc”, anh Hoàng kể lại.
Bất thần vì thấy bố gầy gò, ốm yếu
Qua trao đổi qua điện thoại, ông Sơn cho biết, hiện ông Bình đã có vợ nơi bản xứ và cùng chung với nhau 5 mặt con. Tuy nhiên ông Bình đã mất đi trí nhớ, nên không biết đường trở về quê nhà.
Ngay sau khi chắc chắn được thông tin, anh Hoàng đã cùng hai người anh em của bố sang Campuchia để đưa ông Bình về nhà.
Khi đến thủ đô Pnôm Pênh-Campuchia, anh Hoàng được một người bản địa dẫn vào cánh rừng thuộc tỉnh Battamba có người dân tộc Chăm sinh sống.
“Đến bản lúc này đã 1h sáng. Họ đưa bố tôi ra gặp, lúc này chú và cô đi cùng hét lên rồi chạy lại ôm ông ấy và khóc vì vui mừng. Còn tôi bất thần vì thấy bố gầy gò, ốm yếu… nhưng cảm xúc hạnh phúc khó tả”, anh Hoàng kể lại.
Qua tìm hiểu từ người dân bản địa, năm 1998 ông Bình trúng bom đạn nằm giữa đồi núi và được người dân bản địa cứu sống, chăm sóc tới bây giờ.
“Họ kể bố bị trúng bom, thương tích khắp người và bị mất trí nhớ. Bố hầu như quên hết tiếng mẹ đẻ, chỉ nói được dăm ba chữ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, bố đã theo gia đình trở về Việt Nam”, anh Hoàng nói.
Mệt mỏi sau chặng đường dài trở về, ông Bình ngồi tại giường với vẻ mặt thất thần. Khi có người trò chuyện, hỏi về chuyện cũ, ông Bình phải suy nghĩ một hồi mới trả lời.
Theo hồ sơ phòng LĐTB&XH huyện Hương Khê, liệt sĩ Trịnh Thanh Bình (SN 1956), quê quán Hương Khê (Hà Tĩnh), nhập ngũ năm 1976. Cấp bậc Trung úy, cùng đoàn 7704-MT479 thuộc Quân khu 7 làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia
Ngày 16/7/1988, liệt sĩ Trịnh Thanh Bình hi sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tích.
Đến ngày 21/7/1992, thủ trưởng Thượng tá Nguyễn Văn Hệ, tỉnh đội Hà Tĩnh đã ký giấy báo tử về sự hi sinh của ông Trịnh Thanh Bình.
Theo Giang Sơn (Dân Việt)