Ngày 15/3, Chỉ huy Đội cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đơn vị đang xác minh, làm rõ 2 trường hợp bị lừa đảo bằng thủ đoạn thông báo "con cấp cứu ở viện", trong đó có một vụ bị hại trình báo bị lừa 200 triệu đồng và một vụ là 40 triệu đồng.
Theo trình báo từ các bị hại, các đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo giáo viên, nhân viên trường học, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện hoặc cán bộ cơ quan chức năng.
Khi gọi điện, các đối tượng sẽ thông báo rằng học sinh bị tai nạn đang trong tình trạng nguy kịch, cần phẫu thuật gấp. Sau đó, chúng sẽ lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của nạn nhân rồi cung cấp tài khoản mạo danh, yêu cầu gia đình chuyển khoản tạm ứng viện phí.
Công an quận Nam Từ Liêm khuyến cáo, khi nhận được những cuộc gọi lạ, phụ huynh cần bình tĩnh xác minh sự việc với cô giáo, nhà trường. Trong trường hợp khẩn cấp, nếu không liên hệ được với trường học, phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp với số điện thoại trực ban của công an phường sở tại, công an địa phương gần nhất hoặc bệnh viện.
Thời gian gần đây, một số phụ huynh ở Hà Nội, TP HCM... nhận được cuộc gọi thông báo con bị tai nạn và đang phải cấp cứu hoặc nằm viện. Phụ huynh cho biết người gọi điện yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân để mổ hoặc nhập viện điều trị, nhằm chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi.
Liên quan đến việc đóng tiền khi cấp cứu, trao đổi với PV báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nguyên tắc của ngành y là "cứu người như cứu hỏa" nên không có chuyện người bệnh phải nộp tiền thì người bệnh mới được nhân viên y tế, bác sĩ cấp cứu.
PGS Điển cho biết khi bệnh nhân nhập viện, người đi cùng sẽ được yêu cầu kê khai những thông tin cơ bản như: Họ, tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại người thân khi cần liên hệ. Việc đóng viện phí không bắt buộc ngay tại thời điểm nhập viện cấp cứu và không phải là điều kiện đưa ra để cân nhắc có cứu chữa cho người bệnh hay không.
Từ thực tế cấp cứu người bệnh hàng ngày, tiến sĩ - bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng Khoa Cấp cứu, chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết đã là bệnh nhân cấp cứu thì khi tiếp nhận người đều được ưu tiên để cấp cứu nhanh nhất. "Chúng tôi đặt tính mạng và sức khỏe của người bệnh lên trước nên không bao giờ có chuyện phải chuyển tiền hay nộp tiền thì mới tiến hành cấp cứu cho con/em của phụ huynh"- bác sĩ Duy khẳng định.
Bác sĩ Duy cũng cho biết theo quy định của bệnh viện, trong quy trình khám chữa bệnh, người bệnh cấp cứu được ưu tiên khám và xử trí trước; thực hiện cứu chữa ngay cho người bệnh cấp cứu (kể cả trong trường hợp chưa kịp đóng viện phí hoặc không có người nhà đi kèm).
"Thực tế tại nhiều bệnh viện đã tiếp nhận không ít người bệnh chuyển đến không có người nhà, không có giấy tờ tùy thân vẫn được các y bác sĩ vẫn tiến hành cấp cứu như bình thường. Sau đó liên hệ để người nhà hoặc tìm người thân đến bệnh viện để hoàn thiện các thủ tục khác, trong đó có vấn đề liên quan đến viện phí hay bảo hiểm y tế"- bác sĩ Duy nói.
Thông tin thêm về việc có bắt buộc đóng viện phí tại thời điểm cấp cứu hay không, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), khẳng định tính mạng của người bệnh là quan trọng nhất và được đặt lên trên hết, vì thế khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu sẽ thực hiện mọi biện pháp để cứu chữa, còn các vấn đề khác được thực hiện sau.
Theo GS Giang, nghĩa vụ của người bệnh và người nhà bệnh nhân là phải trả tiền viện phí theo quy định và việc trả viện phí có thể là thu phí trực tiếp hoặc BHYT chi trả. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện để thực hiện "có hay không việc cấp cứu/phẫu thuật cho người bệnh cấp cứu"- GS Giang khẳng định.
NT (Nguoiduatin.vn)