Sáng 27-9, chính quyền TP Tam Kỳ và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai các phương tiện đưa đón người dân vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn để phòng tránh bão số 4.
Tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ), từ khoảng 6 giờ 30 phút ngày 27-9, rất nhiều người dân tay xách nách mang tập trung tại các khu nhà văn hóa để được đưa lên xe buýt đi di tản. Chính quyền địa phương điều động các lực lượng vũ trang gồm công an, cơ quan quân sự, dân quân, bộ đội biên phòng giúp đỡ người dân.
Lúc 7 giờ sáng cùng ngày, 2 chuyến xe đầu tiên đã đưa hàng chục bà con ở thôn đến các khu tập trung phòng tránh bão. Hình ảnh các cụ già, các em nhỏ được lực lượng chức năng hỗ trợ, bồng bế lên xe thật sự xúc động.
Có mặt chỉ đạo công tác sơ tán, di dời dân tránh bão, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết trước tình hình bão số 4 được dự báo hết sức phức tạp, 2 ngày qua, TP đã chỉ đạo các lực lượng chức năng giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa. Trong ngày hôm qua (26-9), TP đã triển khai xen ghép hơn 1.750 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu.
Trong sáng 27-9, địa phương tập trung sơ tán người dân xã Tam Thanh, địa bàn sát biển với số lượng khoảng 459 hộ, hơn 1.600 khẩu tập trung về các địa điểm xen ghép trên địa bàn gồm cơ quan BĐBP, Trường CĐ Y tế Quảng Nam…
Theo số liệu tổng hợp các địa phương tại tỉnh Quảng Nam, tính đến 5 giờ sáng 27-9, tổng số dự kiến di dời là 45.834 hộ/155.269 người. Trong đó, sơ tán tập trung 18.388 hộ, 67.481 khẩu; sơ tán xen ghép 27.466 hộ, 87.841 khẩu. Tại cuộc họp chiều tối 26-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải triển khai di dời dân xong trước 9 giờ sáng 27-9.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên khu vực Hoàng Sa vẫn còn 9 tàu/100 lao động của tỉnh Quảng Nam đang di chuyển xuống phía Nam. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển rất chậm (từ 1-2 hải lý/giờ). Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với gia đình và địa phương thông báo cho các tàu nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại, vẫn giữ liên lạc được với 9 tàu, người và tàu đều an toàn.
Một số hình ảnh do Báo Người Lao Động ghi lại:
Đà Nẵng: Cấm người dân ra đường từ 20 giờ hôm nay
Ngày 27-9, UBND TP Đà Nẵng cho biết vừa có công văn mới về việc ứng phó với bão số 4 (Bão Noru).
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân (trừ lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ ngày 27-9, đến khi có thông báo tiếp theo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự. Tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu cá, lán trại tạm, công trình đang xây dựng từ 14 giờ ngày 27-9 đến khi có thông tin cuối cùng về cơn bão.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương tổ chức sơ tán dân tại vùng có nguy cơ lữ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đến nơi an toàn, hoàn thành trước 14 giờ ngày 27-9, báo cáo kết quả thực hiện trước 16 giờ cùng ngày.
Trong sáng và trưa nay, Đà Nẵng khẩn trương vận động, hỗ trợ sơ tán 80.801 người, trong đó sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép (lân cận) là 54.932 người.
Đà Nẵng cũng sẽ đóng cầu Thuận Phước, Sông Hàn, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế, áp dụng theo các cấp độ gió.
Khi gió đạt cấp 6 sẽ chốt hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Khi gió đạt cấp 7, cấm tất cả các loại phương tiện mô tô, xe máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để cấmmô tô, xe máy.
Khi gió đạt cấp 10, tiến hành phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu. Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn, khi có sự cố ngập nước, cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, đến 8 giờ hôm nay, cơ bản hoàn thành công tác cắt tỉa, chằng chống cây xanh tại các tuyến đường chính. Đã có hơn 800 tàu cá vào neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang; hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê; 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ. Các sở, ban, ngành, địa phương đã, đang tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận kịp thời các thông tin và tham mưu việc chỉ đạo, xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai.
Công an xã Hòa Bắc vận động hơn 100 đồng bào dân tộc Hrê ra khỏi rừng tránh bão
Sáng 27-9, trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), cho biết hiện công tác chuẩn bị để ứng phó với bão số 4 trên địa bàn xã đã cơ bản hoàn tất.
Theo trung tá Lê Văn Tư, trong ngày 26-9, công an xã đã vận động, đưa hơn 100 người là đồng bào dân tộc Hrê ra khỏi các lán trại tạm bợ về tránh trú bão tại các nhà dân, trường học kiên cố trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các chủ rừng hỗ trợ lương thực thực phẩm, nước uống để bà con yên tâm tránh trú bão.
"Công an xã cũng sẽ có biện pháp hỗ trợ thêm cho bà con trong thời gian tới", trung tá Lê Văn Tư cho biết.
Theo Trần Thường - Hải Định (Nld.com.vn)