"Một số bé khỏe mạnh, sinh ra nhà không đủ điều kiện nên bỏ viện, mình gọi điện thì có số được số không, có người nghe máy thì hẹn lại, bảo vài bữa sẽ đến đón nhưng rồi đến giờ vẫn biệt tăm…", tay ẵm đứa trẻ 5 tháng tuổi, cô Thúy nuốt nước mắt.
3 đứa trẻ không được gia đình "thừa nhận"
Ông bà ta vẫn hay bảo: "Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì" nhưng có lẽ nó chỉ đúng với những đứa trẻ được gia đình thừa nhận. Với các bé bị chính bố mẹ bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng thì chẳng có tổ ấm nào để chúng quay về. Sau khi được các ông bố, bà mẹ "bất đắc dĩ" chăm sóc tại bệnh viện, các bé sẽ được chuyển vào nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi để tiếp tục cuộc sống mới.
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi theo chân nhân viên phòng Công tác xã hội, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đến khoa Bệnh lý Sơ sinh. Sau chuỗi ngày dài chạy đua với việc chăm sóc, nuôi dưỡng các bé có bố mẹ nhiễm Covid-19, công việc của các y bác sĩ, điều dưỡng tại khoa đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi lần lượt những đứa trẻ được gia đình đến đón về. Tuy nhiên, Bắp - Sữa và Jiê thì không có được may mắn đó khi mẹ của 3 bé đã lặng lẽ bỏ con ở lại bệnh viện suốt nhiều tháng trời. Và các y bác sĩ, điều dưỡng bỗng trở thành "ông bố, bà mẹ" bất đắc dĩ.
Ẵm trên tay bé Bắp (5 tháng tuổi), chị Trần Thị Thanh Thúy - Điều dưỡng trưởng Khoa Bệnh lý Sơ sinh ngậm ngùi: "Bắp có mẹ mà mẹ Bắp không chịu đến đón, sau mấy lần liên lạc bằng điện thoại, Zalo, mẹ Bắp cứ hứa hẹn rồi biệt tích luôn. Ban đầu thì mẹ bé nói không có tiền, chị mới nói lên đón con về rồi chị xin tiền cho nhưng sau đó mẹ bé đã chặn Zalo, không liên lạc được nữa… Chị chỉ mong mình quay Bắp cười đùa, kháu khỉnh để mẹ bé động lòng nhưng mà không được".
Cũng giống như Bắp, bé Sữa bị mẹ bỏ rơi chỉ sau vài ngày được chào đời tại bệnh viện. Tính đến nay, con đã hơn 6 tháng tuổi nhưng chẳng có người thân nào đến nhìn nhận, con lớn lên bằng tình thương của các y bác sĩ tại bệnh viện.
Nằm ngủ ngoan trên chiếc "lồng ấp", Jiê phải rời xa vòng tay mẹ khi chỉ mới vài ngày tuổi. Vì con sinh non, thiếu ký (nặng 1,8 ký) nên sau khi chuyển đến khoa, con phải nằm trong lồng ấp, chiếu đèn để khỏi bị vàng da. May mắn là Jiê rất ngoan, cứ bú xong là nằm ngủ, không la khóc như các bạn nhỏ khác.
"Jiê sau này lớn lên đẹp lắm à nha, lông mi dài nè, thích làm duyên dáng với các cô chú nè", nghe tiếng chị Thúy thỏ thẻ, Jiê cười tít mắt như muốn trò chuyện lại với người mẹ "bất đắc dĩ" đã ở bên chăm sóc cho con 2 tuần qua.
Theo BS. Nguyễn Trần Thị Huyền Dung - Quản lý khoa Bệnh lý Sơ sinh cho biết trong mùa dịch Covid-19, có 3 bé nhỏ bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện đang được khoa chăm sóc, nuôi dưỡng. Lớn nhất là Sữa hơn 6 tháng tuổi, nhỏ nhất là Jiê, con chỉ mới 2 tuần tuổi. Các bé bỏ rơi tại bệnh viện hầu hết là khỏe mạnh, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mẹ bé lại bỏ rơi. Dù cho phía khoa liên lạc được người nhà thì vẫn không đến nhận lại con, cứ hẹn hoài rồi biệt tích…
BS Dung cũng cho biết, từ đầu đợt dịch thứ tư, Khoa Bệnh lý sơ sinh tiếp nhận khoảng 40 bé có mẹ hoặc cả bố mẹ là F0. Cho nên sau khi mẹ sinh em bé xong chuyển đi cách ly, các bé sẽ được đưa về khoa để xét nghiệm Covid-19, theo dõi các bé có nguy cơ nhiễm ở một phòng riêng biệt.
Cũng chính vì bố mẹ phải điều trị, cách ly mà thời gian ở lại bệnh viện của các con cũng kéo dài. Có bé ở lại bệnh viện đến tận 45 ngày thay vì tầm 7 ngày được xuất viện như trước đây. Mặc dù công việc có phần vất vả, chạy đua với thời gian khi phải chăm sóc nhiều bé cùng một lúc, trong khi nguồn nhân sự giảm đi một nửa để hỗ trợ các nơi điều trị Covid-19 nhưng các y bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Bệnh lý Sơ sinh lấy sự khỏe mạnh, bình an của các bé làm niềm vui, động lực.
"Dù mệt mỏi đến đâu, khi nhìn các bé bú no, ngủ tốt, cười đùa với mình là đã có thêm sức mạnh rồi", điều dưỡng Thúy hồ hởi nói.
Dịch bệnh ổn định, tụi nhỏ sẽ vào viện mồ côi
Nhìn những đứa trẻ đang ngủ ngoan trong nôi, chị Thúy cho biết sau hơn 30 năm gắn bó với việc chăm sóc cho trẻ sơ sinh, từ một người sợ con nít, chị đã xem những đứa trẻ đỏ hỏn là một phần cuộc sống của mình, dành hết tình yêu thương vào chúng.
"Ban đầu chị không dám đụng em bé, nhìn sao thấy nó cứ nhỏ xíu, sợ đụng vào gãy tay, gãy chân…, mà làm riết rồi quen, mình thương em bé là mình làm được à, chăm hoài thấy tụi nó dễ thương lắm, mỗi ngày phải gặp chứ nhớ, không chịu nổi", chị Thúy tâm sự.
Trong mấy chục năm làm nghề, có lẽ điều làm chị Thúy buồn nhất là gặp những đứa trẻ không được gia đình thừa nhận. Nhiều người mẹ sau khi sinh em tại bệnh viện đã lặng lẽ rời đi, vài ngày tuổi, tụi nhỏ đã phải mồ côi.
"Như bé Sữa 6 tháng tuổi rồi, sinh xong Sữa rồi trốn luôn không để lại liên lạc gì hết. Còn Jiê thì mẹ mới 18 tuổi, cũng bỏ rơi con", chị Thúy xót xa.
Trước đây, tầm khoảng 1 tháng sau khi bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện, các bé sẽ được chuyển đến những nơi nuôi dạy trẻ mồ côi phù hợp. Tuy nhiên, vì dịch bệnh bùng phát kéo dài, Bắp và Sữa đã 5-6 tháng vẫn phải ở lại bệnh viện, nhờ sự cưu mang của các y bác sĩ, điều dưỡng.
Trong thời gian các bé còn ở bệnh viện, phía khoa Bệnh lý Sơ sinh đã cố gắng hết sức để liên lạc với gia đình các bé, tuy nhiên mọi hi vọng đều bị dập tắt. "Lúc thì thuê bao không gọi được, lúc thì mẹ bé hứa hẹn, như mẹ Bắp chị nhắn tin được chục lần thì mẹ bé chặn mình luôn. Chị nghĩ dù sao, nếu các bé được về với gia đình ruột vẫn là tốt nhất", điều dưỡng Thúy tâm sự.
Chăm bẵm lâu ngày nên sợi dây liên kết tình cảm giữa các bé và y bác sĩ tại khoa ngày càng bền chặt. Cứ lần nào đưa những đứa trẻ bị bỏ rơi vào các nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, y bác sĩ tại khoa đều bịn rịn, không muốn xa các bé.
"Lúc đi cô nhi viện, mạnh cô cô khóc, mạnh chú chú khóc, mình đã thương các bé rồi, nên khi chia tay, ai cũng xúc động. Trước dịch Covid-19, cứ mấy tháng tụi chị lại chạy lên trung tâm để thăm các bé, nhờ bên trung tâm gửi hình các con về mình nhìn cho đỡ nhớ", điều dưỡng Thúy chia sẻ.
Với mỗi đứa bé bị bỏ rơi tại bệnh viện, các y bác sĩ, điều dưỡng sẽ chọn cho các con một cái tên để đi làm giấy khai sinh. Tất cả các bé sẽ lấy họ của mẹ, tên của mẹ làm chữ lót để mai mốt nếu gia đình nào có đổi ý, đi kiếm lại con cũng dễ dàng hơn. Những cái tên đẹp, dễ thương cũng được các y bác sĩ lựa chọn để đặt kèm theo sự hi vọng một cuộc sống mới tươi sáng, tốt đẹp hơn sẽ đến với tụi nhỏ.
Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)