Thời gian gần đây, lãnh đạo phường Tam Phú, TP Thủ Đức cùng các nhà hảo tâm là nhóm nhà văn, nhà báo và giáo viên, đã đến thăm hỏi, trao số tiền 20 triệu đồng, một phần quà và hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mặt cho hai anh em Nguyễn Đức Bảo (SN 2005), học sinh lớp 11A4 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân và em Nguyễn Đức Thiên Ân (SN1998).
Bảo và Ân là con trai của thầy Nguyễn Văn Châu, giáo viên dạy Toán đã nghỉ hưu của Trường THCS Linh Đông và cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên đã nghỉ hưu của Trường Mầm non Hương Sen. Cả 2 đã qua đời vì dịch Covid-19 vừa qua.
Lãnh đạo phường Tam Phú cũng đã trao phần quà là nhu yếu phẩm, nhóm các nhà hảo tâm đã trao số tiền 5 triệu đồng/tháng là tiền sinh hoạt phí để giúp hai anh em vượt qua khó khăn.
Được biết, nhóm các nhà hảo tâm đã vận động được 90 triệu đồng và lập quỹ để hàng tháng chăm lo cho 2 anh em ổn định cuộc sống và hỗ trợ Đức Bảo tiếp tục đến trường.
Câu hỏi xót xa của thanh niên 23 tuổi: "Bao giờ mẹ về"
Thầy Nguyễn Văn Châu tử vong đột ngột vào rạng sáng ngày 07/8 sau 7 ngày sốt cao. Theo lời kể của con trai thầy Châu, nam sinh Nguyễn Đức Bảo trên báo Thanh Niên, do trước đó, bố cậu đi tiêm vắc xin nên gia đình nghĩ chỉ là phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, khi cơn sốt lên cao dài ngày, gia đình lo lắng gọi xe cấp cứu tới thì ông đã gục xuống khi vừa mặc xong chiếc áo.
Nhân viên y tế test nhanh thì cả 3 mẹ con Bảo đều dương tính. Cô Nguyễn Thị Hà khi đó chứng kiến sự ra đi quá đột ngột của chồng đã sốc rồi tối đó lên cơn khó thở.
Bảo kể lại, cậu học sinh gọi xe cấp cứu để đưa mẹ và 2 anh em vào BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2. Ban đầu, cả 3 mẹ con được nằm chung phòng. Mẹ Bảo phải thở oxy còn anh trai thì sốt cao, một mình cậu động viên, chăm sóc cả 2 người. Nhưng tình trạng của mẹ ngày càng nặng và phải chuyển lên phòng cấp cứu đặt nội khí quản. Khi sức khoẻ của 2 anh em Bảo chuyển biến tốt và được cho về thì mẹ em phải chuyển sang BV ĐH Y Dược TP.HCM. Đến ngày 22/8 Bảo nhận tin mẹ không qua khỏi.
Vậy là chỉ trong chưa đến 20 ngày, 2 anh em Bảo bỗng dưng thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì dịch Covid-19.
Mặc dù lúc còn sống, bố mẹ luôn dạy Bảo kỹ năng sống, tự lập trong cuộc sống nhưng mẹ vẫn là người quán xuyến, lo toan mọi việc. Giờ đây, khi mất cha mẹ, cậu nam sinh lớp 11 phải làm trụ cột và chăm lo cho anh trai, làm mọi việc trong gia đình khiến nhiều lần cậu không thể cố tỏ ra mạnh mẽ.
Đau lòng hơn, người anh trai mức hội chứng Down có lẽ không ý thức được hoặc vẫn không tin chuyện đã mất cả cha lẫn mẹ. Thiên Ân đôi khi vẫn hỏi em trong mỗi bữa cơm: "Mẹ đâu rồi, sao mẹ lâu về vậy?" khiến Bảo xót xa, phải đánh trống lảng sang chuyện khác, nói anh: "Ngoan ăn rồi ngủ giỏi đi, mai mốt mẹ về".
Trong căn nhà trống trải, 2 hũ tro cốt đặt cạnh nhau nhưng mới chỉ có 1 tấm ảnh và 1 bát nhang. Thỉnh thoảng Thiên Ân ngây ngô chỉ lên ảnh thờ ba nói “Châu chết rồi”, nhưng nhắc tới mẹ thì nam thanh niên bảo “người ta không cho về”.
Cậu học sinh 10 năm liền là học sinh giỏi tự hứa quyết tâm đạt huy chương vàng Olympic toán như tâm nguyện của ba. Cả ngày bận rộn học online, làm việc nhà, chăm anh, Bảo cố gắng tập làm quen với cuộc sống không có cha mẹ ở bên nhưng cứ tối đến, nỗi nhớ ùa về, em lại phải gồng mình kìm nén cảm xúc.
Sau khi biết hoàn cảnh của nam sinh, trường cũng hỗ trợ Bảo 3 triệu đồng và sẽ miễn giảm học phí cho Bảo đến hết lớp 12 bên cạnh lo cho em bữa trưa học bán trú. Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp cũng hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Hỗ trợ cho hơn 1.500 trẻ em mồ côi cha mẹ vì dịch Covid-19
Theo ước tính của ngành Giáo dục, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã có 1.517 trẻ em ở các cấp học rơi vào cảnh mồ côi vì COVID-19 trong vòng vài tháng qua. Trong đó có hơn 490 em học sinh tiểu học, 580 em THCS. Đau xót nữa là trong số này có nhiều em mất cả cha lẫn mẹ.
Con số này còn lớn hơn nhiều nếu tính cả trẻ em không nằm trong hệ thống giáo dục và tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
“Sang chấn về tâm lý đối với trẻ mất cha hoặc mẹ là vô cùng lớn; cách tối ưu nhất để giúp đỡ trẻ mồ côi đó là tạo điều kiện cho trẻ được ở cùng với người thân của mình; đồng thời tư vấn, hướng dẫn cũng như cung cấp những hỗ trợ dài hạn cho các nhu cầu sức khỏe, tâm lý, xã hội và cảm xúc của trẻ.
Hỗ trợ học bổng và nhu yếu phẩm rất quan trọng, nhưng hỗ trợ về cảm xúc và tâm lý cũng cần thiết không kém để trẻ có thể vượt qua nỗi đau và có động lực phát triển tiềm năng của mình” ông Damien Roberts, Giám đốc Điều hành Saigon Children’s Charity chia sẻ.
Nguồn: Báo Tin Tức
Ngày 24/9, Bộ LĐTB&XH đã ký công văn đề nghị các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.
Bộ đã yêu cầu cập nhật số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ mất do đại dịch Covid-19, nguyện vọng của trẻ và người giám hộ của trẻ để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.
Tối cùng ngày, ba tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam gồm: Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Tổ chức Saigon Children’s Charity (Saigonchildren) và Trung tâm nâng cao năng lực, Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em (CSWC) đã phối hợp khởi động Chiến dịch hỗ trợ cho trẻ em mồ côi vì Covid-19 mang tên “Em không lẻ loi”.
Chiến dịch này hướng đến mục tiêu kêu gọi ủng hộ từ các nguồn lực trong xã hội để cung cấp những hỗ trợ khẩn cấp cũng như dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do mất cha, mẹ, hoặc người chăm sóc vì dịch Covid-19.
(Tổng hợp)
Theo Minh Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)