Ngày 11-9, thông tin từ UBND xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), cho biết sau khi trở về từ "cõi chết", 41 ngư dân ở địa phương đi trên tàu cá QNa-91928 TS bị chìm trước đó đang dần hồi phục sức khỏe.
Tuy nhiên, có 2 ngư dân bị thương nặng, vết thương nhiễm trùng nên phải nhập viện điều trị. Riêng 3 ngư dân Nguyễn Tấn Vân (56 tuổi), Lê Văn Phường (46 tuổi), Trần Văn Cảm (55 tuổi; cùng ngụ xã Tam Hải) hiễn vẫn đang bị mất tích.
Những ngày qua, các ngư dân sống sót trở về lan truyền câu chuyện mà ai nghe cũng cảm thấy hết sức ly kỳ. Theo anh Bùi Văn Quốc (42 tuổi; ngụ thôn Tân Lập, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) – chủ tàu QNa-91928 TS, sau khi được tàu của anh Võ Công Danh (tỉnh Quảng Ngãi) cứu vớt, các ngư trên trên tàu của anh Danh kể lại rằng, vào chiều 3-9, sau mấy mươi giờ tìm kiếm liên tục, tàu của anh Danh đang đi thì xuất hiện một đàn cá heo đông đúc.
Điều kỳ lạ là đàn cá này liên tục bơi chắn trước mũi tàu của anh Danh. Dù lái tàu liên tục bẻ lái để tránh nhưng sau đó đàn cá heo lại tiếp tục bơi tới trước mũi tàu chắn ngang như muốn thông báo một điều gì đó.
Thấy hiện tượng hết sức kỳ lạ, các ngư dân trên tàu cho rằng đàn cá heo biết tàu của anh Danh đi trật hướng nên có ý chắn đường lại. Sau đó, họ quay ngược trở lại thì không thấy đàn cá heo bơi theo chắn đường nữa. Tin rằng đàn cá heo đang giúp tàu anh Danh tìm các ngư dân mất tích nên tàu của anh Danh cứ thẳng một hướng tìm kiếm. Tầm 40 phút sau, tàu anh Danh bắt gặp 41 ngư dân trên tàu của ông Quốc đang bám lấy chiếc bè trôi tự do giữa biển, trong tình trạng kiệt sức.
"Sau khi cứu chúng tôi, các ngư dân trên tàu của anh Danh kể lại với mọi người như vậy. Không biết có phải đó là một sự trùng hợp hay không, nhưng mọi người tin rằng đàn cá heo đã cứu mạng chúng tôi và trong thâm tâm chúng tôi ngầm cảm ơn vì điều đó" – anh Quốc chia sẻ.
Từ xưa đến nay, những câu chuyện và truyền thuyết về cá heo cứu giúp con người không hề hiếm. Chính vì điều đó, ngư dân ở khắp mọi nơi thường rất trân quý cá heo và thường gọi với một cái tên rất trang trọng là "cá ông". Ở Quảng Nam hay nhiều tỉnh miền Trung thường có những nghĩa địa dành riêng để mai táng những chú cá heo bị chết trôi dạt vào bờ. Người ta còn có quan niệm rằng, năm nào có xác cá heo trôi vào bờ thì năm đó trời yên biển lặng, ngư dân được thuận lợi làm ăn. Địa phương nào có xác cá heo trôi vào bờ thì người dân ở đó cũng gặp được nhiều may mắn.
Trước đó, khoảng 9 giờ sáng 2-9, trên đường vào bãi Thuyền Chài (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Mam) để tránh trú gió, bất ngờ tàu của anh Quốc bị một cơn lốc cực mạnh làm lật úp chỉ trong vòng hơn 1 phút.
Trên tàu lúc này có 44 người, 41 ngư dân bơi được ra ngoài, 3 ngư dân gồm Nguyễn Tấn Vân (56 tuổi), Lê Văn Phường (46 tuổi), Trần Văn Cảm (55 tuổi; cùng ngụ xã Tam Hải) ở trong cabin không kịp trở tay đã bị mất tích.
Sau khi tàu bị chìm, các ngư dân vớt dây thừng buộc các can nhựa lại với nhau thành bè để mọi người bám vào. Không liên lạc được với tàu ông Quốc, mọi người nghi ngờ có chuyện chẳng lành nên có 11 tàu câu mực của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi đánh bắt gần đó chia nhau tìm kiếm. Hơn 31 tiếng sau, tới chiều 3-9, 41 ngư dân may mắn được tàu của ngư dân Võ Công Danh tìm thấy, cứu vớt.
"Có khoảng hai mươi mấy cái can nhựa mà có tất cả 41 người. Chúng tôi xác định tư tưởng sống cùng sống, chết cùng chết, động viên nhau cùng cố gắng chờ người đến cứu. Đến chiều 3-9, mọi người gần như đã kiệt sức, vừa đói, vừa lạnh, vừa mệt. Lúc này chỉ còn sót lại một chai nước ngọt hơn nửa lít chia cho tất cả 41 người, mỗi người uống mỗi nắp để cầm cự. Có nhiều lúc mọi người đã nghĩ đến cái chết. Nếu không được tàu của anh Danh cứu kịp thời, tới tối hôm đó chắc mọi người sẽ phải bỏ mạng giữa biển khơi" – anh Bùi Văn Quốc kể.
May mắn thoát chết, ông Quốc mong muốn các cơ quan chức năng và cộng đồng hỗ trợ cho gia đình 3 ngư dân bị mất tích cũng như hỗ trợ cho bản thân ông Quốc và các ngư dân khác để họ có thể tiếp tục vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền.
"3 gia đình mất tích, phía sau họ còn vợ, còn con cái, còn cha mẹ già nữa. Còn 41 ngư dân chúng tôi tuy giữ được mạng sống nhưng tài sản đã mất hết, rất cần một số vốn để có thể quay lại sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi mong muốn các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp và các cộng đồng có thể hỗ trợ, giúp đỡ để mọi người có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này" – ông Quốc mong mỏi.
Video: Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cảm phục tinh thần đoàn kết của các ngư dân |
Nghe ngư dân kể lại những giây phút chiến đấu với tử thần trên biển, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỏ ra hết sức nể phục ý chí, tinh thần đoàn kết của các ngư dân.
"Sự đoàn kết hỗ trợ của các ngư dân rất tuyệt vời. Những đội tàu cùng nhau hoạt động trên biển có sự kết nối rất là quý. Khi mất liên lạc đã đi tìm, tìm rất nhiều vòng suốt mấy chục tiếng đi tìm và cuối cùng tìm được. Một hình ảnh nữa là người ta sẵn sàng hy sinh của cải, công sức của người ta để cứu ngư dân. Những cái gì ở trên tàu nặng quá người ta vứt xuống biển để chở 80-90 người, họ vứt tài sản để chở ngư dân, đó là hình ảnh hết sức tuyệt vời" – ông Thịnh nói và cho rằng khi tàu ông Danh vào bờ thì lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Núi Thành nên vào thăm và cảm ơn. Riền 41 ngư dân và gia đình thì ông Danh chính là ân nhân của mình.
Vào sáng 9-9, UBND huyện Núi Thành tổ chức gặp mặt nhằm thăm hỏi, động viên các ngư dân thoát chết trở về.
Tại buổi gặp mặt, các cơ quan, đơn vị gồm: Liên đoàn Lao động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh, Chi cục Thủy sản, Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam, UBND huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ huyện Núi Thành, UBND xã Tam Hải (huyện Núi Thành) và một số doanh nghiệp đã trao tiền và quà cho thân nhân 3 ngư dân mất tích và 41 ngư dân gặp nạn.
Theo Tr.Thường (Nld.com.vn)