Chiều 4/5, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo thông tin về chương trình kỳ họp thứ 9, khóa 15 của Quốc hội.
Theo đó, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 5/5, dự kiến bế mạc chiều 30/6, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5/5 đến ngày 29/5. Đợt 2 từ ngày 11/6 đến hết ngày 28/6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày và có làm việc một số ngày cuối tuần.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Chỉ áp dụng cơ chế chỉ định, bổ nhiệm nhân sự tỉnh, xã trong năm 2025
Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet về cơ chế chỉ định, bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh không qua bầu cử và trường hợp không phải đại biểu HĐND vẫn có thể giữ chức danh HĐND cấp tỉnh, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) Quốc hội cho biết, đây là nội dung được xem xét và được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, thảo luận.
Cụ thể, tại Kết luận 150 của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu trong lần sắp xếp đơn vị hành chính lần này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm người giữ các chức vụ trong UBND, HĐND ở các đơn vị sau sắp xếp thay cho việc bầu cử theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cũng như việc chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND làm lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã.
“Đây là cơ chế mới, chưa từng được thực hiện trước đây”, bà Thủy cho biết.
Cũng theo bà Thuỷ, điểm khác biệt lớn nhất của việc sắp xếp bộ máy lần này so với 2 lần trước đó những năm 2019-2021, 2023-2025 là việc kết thúc hoạt động của mô hình cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã. Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu về bố trí cán bộ, tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có, đặc biệt là số cán bộ cấp huyện về làm việc tại đơn vị mới, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thực hiện cơ chế chỉ định chức danh lãnh đạo không thông qua bầu cử. Cơ chế này chỉ áp dụng trong năm 2025 với đợt sắp xếp bộ máy lần này. Kể từ năm 2025 trở đi, sẽ vẫn thực hiện theo cơ chế bầu thông qua HĐND, UBND.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, bổ sung, sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cơ chế trên.
Cũng tại họp báo, Phó Chủ nhiệm UBPLTP Nguyễn Phương Thủy cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí sẽ báo cáo Quốc hội cho ý việc rút ngắn tầm 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thông tin, luật bầu cử được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện để công tác bầu cử khẩn trương, thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền công dân về bầu cử và ứng cử.
Theo Thế Vinh (VietNamNet)