Lời tiên đoán ứng nghiệm, anh lùa bò thành triệu phú Sài Gòn xưa

12/05/2024 06:21:00

Lời tiên đoán của thầy tướng số năm nào trở thành động lực, sức mạnh giúp nam thanh niên lùa trâu, bò thuê vượt mọi gian khó vươn lên thành triệu phú nổi danh Sài Gòn xưa.

Lời tiên đoán kỳ diệu

Cho đến nay, khi nhắc đến những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước 1975, nhiều người không thể quên cái tên Nguyễn Tấn Đời. Với khả năng kinh doanh thiên phú, ông nổi tiếng là doanh nhân thành đạt bậc nhất tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn từ 1950 - 1975.

Trong cuộc đời kinh doanh của mình, Nguyễn Tấn Đời từng bước chuyển mình từ anh lùa trâu, bò thuê thành “vua gạch ngói”, “vua cao ốc” và đỉnh cao là "vua Thần Tài" hay "vua ngân hàng Sài Gòn". Ở mỗi giai đoạn, ông vua nhiều ngai của Sài Gòn xưa luôn khiến người cùng thời ngả mũ thán phục.

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Tấn Đời cho biết ông sinh năm 1922 tại làng Bình Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) trong gia đình giàu có, tiếng tăm.

Cả nội ngoại của ông đều là cai tổng, có điền sản rộng lớn. Năm 14 tuổi, Nguyễn Tấn Đời được gia đình gửi lên Long Xuyên, Sài Gòn học. Ngay từ nhỏ, cậu bé Tấn Đời đã được dự báo sẽ thành công, thậm chí giàu có tột đỉnh trong tương lai.

Lời tiên đoán ứng nghiệm, anh lùa bò thành triệu phú Sài Gòn xưa
Chân dung "vua gạch ngói" Sài Gòn Nguyễn Tấn Đời. Ảnh: Hồi ký Nguyễn Tấn Đời

Sách Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975 của tác giả Dương Đức Dũng ghi lại giai thoại Nguyễn Tấn Đời được thầy tướng số xem tướng, chấm tử vi từ khi còn rất nhỏ. Sau khi xem xong, người này quả quyết, tương lai Nguyễn Tấn Đời sẽ vô cùng giàu sang, phú quý.

Lời tiên đoán ấy luôn in hằn trong tâm trí, thậm chí ám ảnh Nguyễn Tấn Đời. Ông đặt niềm tin tuyệt đối vào lời tiên tri trên và biến nó thành động lực, sức mạnh để vượt khó trên con đường làm giàu của mình.

Dẫu gia đình khá giả nhưng Nguyễn Tấn Đời vào đời khá sớm. Những năm đang học tại Long Xuyên, Tấn Đời làm công việc lùa trâu, bò thuê cho thương lái buôn loại gia súc này qua lại giữa Việt Nam và Campuchia.

Lúc làm việc, Nguyễn Tấn Đời nổi tiếng uy tín nên được các lái buôn đặc biệt tin tưởng. Nhiều lái buôn giao cho Đời lùa đàn bò cả trăm con, trị giá hàng trăm lượng vàng theo thời giá lúc bấy giờ từ Campuchia về Việt Nam mà không cần ông phải đặt cọc hay thế chấp gì.

Năm 1945, Nguyễn Tấn Đời lên Sài Gòn theo học bậc cao đẳng tiểu học.

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông rời Sài Gòn về quê. Tại quê nhà, Nguyễn Tấn Đời tham gia kháng chiến chống Pháp.

Trong hồi ký của mình ông viết: “Gia đình tôi được tá điền che chở. Họ còn bầu tôi làm Chủ tịch Thanh niên Tiền phong. Cùng với các thanh niên thời đó, tôi từ biệt gia đình đi kháng chiến chống Pháp…

Chúng tôi nhấn chìm tàu Ngọc Thành trên sông Long Xuyên, Rạch Giá để chận tàu Pháp rồi rút vào Tắc Cậu, U Minh, Xẻo Rô…”.

Sau những thăng trầm, Nguyễn Tấn Đời lại lên Sài Gòn mưu sinh. Trong lần xa xứ này, mẹ ông bán những bảo vật sau cùng lấy tiền cho con làm lộ phí, vốn lập nghiệp.

Nơi đất khách, anh lùa bò thuê ngày nào tìm đến những bạn học cũ. Tấn Đời cũng bỏ tiền mua chiếc ghế bố để ngày xếp lại, tối bung ra làm chỗ ngủ tạm tại một nhà trọ nghèo.

Sau đó, Nguyễn Tấn Đời được bạn bè khuyên đến các hãng buôn Pháp tìm việc làm để có đồng lương ổn định.

Tuy nhiên, nhận đồng lương cố định mỗi tháng không phải là lý tưởng sống của ông. Ông khao khát sống cuộc đời tự do, làm nghề tự do dù biết đó là lựa chọn nhiều phiêu lưu, bất trắc.

"Vua gạch ngói Sài Gòn"

Sau nhiều trăn trở, suy tính, Nguyễn Tấn Đời tự thấy mình có khiếu ăn nói. Ông quyết định khởi nghiệp bằng nghề môi giới, công việc mà ông gọi là “nghề chót lưỡi đầu môi”.

Bước đầu, ông tập trung môi giới vật liệu xây dựng, vải vóc và liên tục trúng lớn. Từ chỗ đi xe đạp, ông mua được chiếc xe ô tô đầu tiên và thuê mặt bằng lập văn phòng.

Ông viết: “Văn phòng lập xong, tôi làm ăn càng phát đạt hơn trước. Tiền vô ào ào. Tôi tiến sang lĩnh vực xuất nhập cảng. Tôi xuất cảng gạo tấm đi Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore… Tôi đã được coi là giàu càng lúc càng giàu hơn”.

Lời tiên đoán ứng nghiệm, anh lùa bò thành triệu phú Sài Gòn xưa - 1
Văn phòng hãng gạch ngói Đời Tân và khách sạn Victoria của ông Nguyễn Tấn Đời. Ảnh: Manhhai

Tuy nhiên, năm 1949, việc làm ăn của ông bị thất bại. Tiền của kiếm được từ “nghề chót lưỡi đầu môi” đều trôi ra sông ra biển. Để tồn tại, ông bán chiếc xe hơi yêu quý để trở về với chiếc xe đạp cũ.

Nhưng thất bại ấy không khiến Nguyễn Tấn Đời gục ngã. Thay vào đó, nó trở thành bàn đạp giúp ông bật cao, vươn lên một bước tiến mới trong sự nghiệp làm giàu của mình.

Sẵn có kinh nghiệm về vật liệu xây dựng, ông quyết định tái khởi nghiệp bằng nghề làm gạch, ngói. Biết Campuchia có nhiều hãng gạch, ông đến mua lại máy làm gạch, ngói thanh lý với giá rẻ.

Nhận thấy thợ Triều Châu có tay nghề cao, ông thuê họ về làm việc cho mình. Cuối cùng, ông thành lập xưởng sản xuất gạch ngói có tên Đời Tân với ý nghĩa xây dựng lại cuộc đời mới.

Những tháng ngày đầu, ông chủ xưởng gạch Đời Tân cọc cạch đạp xe đến từng ngôi nhà đang xây để chào hàng. Mỗi tuần, ông đến gặp những người được cấp giấy xây dựng để thuyết phục họ sử dụng gạch ngói của Đời Tân.

Khi chủ thầu đồng ý sử dụng sản phẩm của mình, ông cũng đến công trình để làm việc như một người thợ. Tại đây, ông vác gạch, bưng ngói, leo nóc nhà, căng dây lấy mực, cùng lợp ngói, lát gạch… với thợ xây.

Thời điểm này, Nguyễn Tấn Đời trải qua vô vàn giây phút khó khăn. Trong hồi ký, ông kể mỗi sáng đều phải đạp xe đi bán ngói, tranh thủ thu tiền khách hàng thiếu nợ.

Có lúc đói, ông không đủ tiền mua tô hủ tiếu để ăn. Trưa nắng mệt mỏi, ông cũng không dám vào quán ngồi mà ra công viên nghỉ. Mỗi lần như thế, ông ngả lưng trên ghế xi măng, chân thọc vào bánh xe để nhỡ có ngủ quên cũng không sợ bị kẻ trộm lấy mất phương tiện đi lại duy nhất.

Trong hồi ký ông viết: “Nhiều hôm bụng đói, tiền không thu được, tro trấu bay vào đầy mắt, tôi quá tủi thân, gác xe vào lề đường ngồi gục đầu khóc. Những giọt nước mắt vì tro trấu pha trộn với giọt nước mắt buồn đời tuôn rơi”.

Trong một lần giao dịch với khách hàng giàu có tên Trương Văn Huyên, cách làm ăn uy tín, tận tâm của ông chủ Đời Tân khiến người này để ý. Về sau, ông Huyên thương Nguyễn Tấn Đời như con và tình nguyện đỡ đầu tài chính cho Đời Tân.

Sau 2 năm miệt mài nâng cao chất lượng sản phẩm, gạch, ngói của Đời Tân được thị trường chấp nhận. Doanh thu của xưởng gạch ngói Đời Tân vượt lên, dẫn đầu thị trường vật liệu xây dựng lúc bấy giờ.

Tuy vậy, ông vẫn sang Pháp để học công nghệ làm gạch ngói. Về nước, ông áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất khiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm của Đời Tân vượt mọi đối thủ.

Lúc bấy giờ, xưởng sản xuất gạch ngói của ông không chỉ cung cấp cho thị trường Sài Gòn mà còn lan xa đến miền Tây Nam Bộ. Từ tay môi giới, Nguyễn Tấn Đời vụt sáng, trở thành ông "vua gạch ngói" của Sài Gòn.

Có doanh thu khủng từ xưởng sản xuất gạch, đầu thập niên 1950, Nguyễn Tấn Đời mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực khác và đều thành công. Thậm chí, nhiều lĩnh vực ông cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông thành công đến nỗi ngay cả bản thân cũng ngỡ ngàng, tưởng như “có quyền năng mầu nhiệm hỗ trợ”. Những năm sau đó, "vua gạch ngói" lần lượt bước lên tầm cao mới với danh xưng "vua cao ốc", "vua ngân hàng Sài Gòn" nắm trong tay 30 tỷ bạc Đông Dương.

Theo Hà Nguyễn (VietNamNet)

 

Nổi bật