Báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trong buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi tại TPHCM sáng nay (29/8), TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ca mắc sởi điều trị nội trú tại bệnh viện bắt đầu có từ tháng 6, đến đầu tháng 8 thì tăng rất nhanh.
Bệnh viện ghi nhận có 368 ca mắc sởi nhập viện, trong đó, 42 ca nặng đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân từ các tuyến tỉnh chuyển lên chiếm 66%, trẻ dưới 12 tháng tuổi 55%, và trẻ có bệnh lý nền đi kèm khoảng 25%.
Đáng lo ngại, tất cả số trẻ mắc bệnh nặng đều không được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi. Hiện tại bệnh viện có 42 ca nặng, trong đó 28% phải thở máy, rất nhiều trẻ có bệnh nền khiến tình trạng mắc sởi càng nghiêm trọng.
Để kiểm soát tình trạng lây nhiễm chéo, bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, xây dựng các phương án chi tiết để phát hiện, phân luồng, xử trí các ca mắc sởi, đồng thời dự trù nhân sự, thuốc, vật tư và trang thiết bị cần thiết.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của Bệnh viện Nhi đồng 1 và nhiều bệnh viện khác hiện nay là tình trạng thiếu thuốc. Bác sĩ Minh cho biết, thuốc IVIG (glubolin miễn dịch tiêm tĩnh mạch được dùng để tạo miễn dịch thụ động trong điều trị các bệnh truyền nhiễm như sởi, tay chân miệng…) hiện vẫn còn, nhưng nếu dịch lan rộng hoặc có thêm những dịch bệnh khác thì không chắc chắn nguồn cung có ổn định hay không.
"Đặc biệt là các thuốc cấp cứu rất cần như dopamine hiện giờ không có, chúng tôi phải tìm thuốc khác thay thế, nhưng hiệu quả không thể được 100%. Bộ Y tế cần hỗ trợ không chỉ cho Bệnh viện Nhi đồng 1 mà cho tất cả các bệnh viện khác để có nguồn thuốc chống dịch, thuốc cấp cứu ổn định" - bác sĩ Minh nói.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến, phác đồ điều trị sởi cũng cần cập nhật các nội dung mới nhằm đáp ứng thực tế lâm sàng.
Không để bệnh viện tuyến cuối thành “trung tâm phân phối sởi”
PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tỷ lệ trẻ có kháng thể phòng bệnh sởi của thành phố luôn thấp dưới 95%. Mẫu khảo sát mới nhất của đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OCRU) tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào tháng 4 vừa qua cho thấy, chỉ có 71% trẻ có kháng thể phòng sởi.
TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế lo ngại, gánh nặng hiện nay của các bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối ở TPHCM là số lượng bệnh nhân chuyển tuyến tăng cao. Dù đã có công tác hỗ trợ và đào tạo hàng năm cho các tuyến dưới, nhưng bệnh nhân vẫn đổ về nhiều, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Thông thường, các bệnh nhi nặng chuyển về TPHCM, vô tình có thể mang theo mầm bệnh khi trở lại tỉnh, khiến bệnh viện tuyến cuối trở thành ‘trung tâm phân phối sởi’ về các địa phương, rất nguy hiểm. Chúng tôi khuyến nghị tiêm phòng sởi ngay tại bệnh viện cho các trường hợp đủ điều kiện, cùng với việc phân luồng điều trị” - TS Khoa nhấn mạnh.
Tiêm vắc xin sởi xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh
Sau khi UBND TPHCM công bố dịch sởi ngày 27/8, ngành y tế thành phố đã tích cực chuẩn bị nguồn vắc xin để triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi, các trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao đang quản lý, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiêm bù cho trẻ từ 6-10 tuổi, nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với người mắc sởi, nhân viên y tế chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao.
Sở Y tế đã phân công Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) khẩn trương làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vắc xin MR (sởi - rubella) do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất.
Vắc xin đang được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ Hà Nội vào TPHCM, dự kiến đến cuối ngày 30/8, thuốc sẽ về kho của HCDC, sau đó sẽ được phân bổ ngay cho các quận huyện.
Dự kiến ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi từ ngày 31/8, tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Theo Bạch Dương (VietNamNet)