Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: Chúng tôi sẽ dần triệt tiêu thu nhập không đúng quy định, lợi ích nhóm

22/04/2021 11:16:18

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai trong năm 2020 là một năm đặc biệt đối với Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã gặp rất nhiều biến động.

Mới đây, trong công văn số 949, Bệnh viện Bạch Mai gửi tới Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ thông tin truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam đã trả lời những thông tin báo chí phản ánh liên quan đến cán bộ Bệnh viện Bạch Mai thôi việc, chuyển công tác do Phó giám đốc Bệnh viện Đào Xuân Cơ ký đã khẳng định thời gian qua một số báo điện tử/trang thông tin và mạng xã hội có nhiều bài viết, thông tin phản ánh không chính xác về Bệnh viện và lãnh đạo của bệnh viện.

Cụ thể 2 thông tin: Gần 100 cán bộ, bác sĩ cốt cán Bệnh viện Bạch Mai xin chuyển công tác; Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai bị bắt vì liên quan đến việc điều tra tại Bệnh viện Tim Hà Nội... phía bệnh viện khẳng định, những thông tin không chính xác, thiếu căn cứ nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của Bệnh viện.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: Chúng tôi sẽ dần triệt tiêu thu nhập không đúng quy định, lợi ích nhóm
Bệnh viện Bạch Mai phải phong toả do dịch Covid-19.

Do ảnh hưởng của Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử 110 năm Bệnh viện bị đóng cửa trong 2 tuầu. Các làn sóng covid đợt 2 rồi đợt 3 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động chuyên môn của Bệnh viện:

- Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú sụt giảm nhiều, trước Covid-19, Bệnh viện có 5.000-5.500 bệnh nhân nội trú và 6.000 đến 7.000 bệnh nhân ngoại trú/ngày thì có những thời điểm số lượng bệnh nhân nội trú và khám ngoại trú chỉ trên dưới 1.000 bệnh nhân.

- Để đảm bảo giãn cách trong công tác phòng chống dịch, giải quyết tình trạng quá tải, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Lãnh đạo Bệnh viện chỉ đạo quyết liệt giảm số lượng giường bệnh tự nguyện tại các đơn vị (giảm từ 30-70% xuống còn 5-10% tùy đơn vị).

- Do có những sai sót trong triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong giai đoạn trước, Bệnh viện đã tiến hành tổng rà soát toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị liên doanh, liên kết, kết quả dịch vụ của nhiều máy xã hội hóa được đưa về giá bảo hiểm y tế (thu 4/7 yếu tố cấu thành giá, không tính giá khấu hao tài sản cố định, phí quản lý, phí đào tạo, nghiên cứu khoa học...).

Ví dụ giá siêu âm đang thu 110.000đ xuống còn 43.900đ, Gamma Knife giảm từ 40.000.000đ xuống 28.790.000đ; CT 256 giảm từ 4.723.000đ xuống 2.985.000đ...

Trong khi Bệnh viện phải chi nhiều hơn cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, triển khai chăm sóc toàn diện... hệ quả là tổng doanh thu của Bệnh viện trong năm 2020 giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019 (tức giảm khoảng 30%). Dẫn đến thu nhập của cán bộ, viên chức giảm nhiều, tính chung giảm 30%, có bộ phận giảm đến 50%.

Chia sẻ về vấn đề khó khăn trong tự chủ bệnh viện, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai lý giải:

Năm 2020 cũng là năm Bệnh viện Bạch Mai đi tiên phong triển khai thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2012 của Chính phủ và Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 17/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2020-2021; Với mục tiêu: "Phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của Bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của bệnh viện, duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện chăm sóc toàn diện, giải quyết được tình trạng quá tải. Từng bước xây dựng bệnh viện hiện đại ngang tầm với các bệnh viện uy tín trong khu vực và trên thế giới và thực hiện tốt vai trò bệnh viện tuyến cuối".

Bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ trong điều kiện đặc biệt khó khăn do tác động của Covid-19, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu của Bệnh viện.

Dù Bệnh viện nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Y tế, giai đoạn đầu triển khai gặp nhiều khó khăn về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất liên quan đến cơ chế tài chính: Theo Nghị quyết 33/NQ-CP nêu rõ: Giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành: Bệnh viện Bạch Mai có trên 80% bệnh nhân khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế, thu giá bảo hiểm y tế tức thu 4/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế (Chưa tính chi phí khấu hao tài sản, chi phí quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin...).

Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam.

Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Tuy nhiên do một số yếu tố khách quan, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu để Bệnh viện tham khảo, trong khi chỉ còn 10 tháng nữa là kết thúc giai đoạn thí điểm.

Ngoài những khó khăn kể trên, còn rất nhiều trở ngại trong hành trình tiến hành đổi mới để thay đổi từng nếp nghĩ, cách làm đã tồn tại hàng chục năm qua tại Bệnh viện: Nhân viên y tế từ vị trí ban phát, làm ơn nay chuyển sang người cung cấp loại dịch vụ đặc biệt (sức khỏe vốn là tài sản quý nhất của mỗi người), coi bệnh nhân là khách hàng, những thay đổi trong phương thức quản lý công khai minh bạch từ hoạt động chuyên môn đến hoạt động tài chính của từng đơn vị và trong toàn Bệnh viện hàng tuần sẽ dần triệt tiêu những thu nhập không đúng quy định, những nhóm lợi ích đã từng tồn tại trước đây.

Sau những lùm xùm liên quan đến hoạt động xã hội hóa, liên doanh, liên kết, tiếp đến là việc một số cựu lãnh đạo bệnh viện bị vướng vào vòng lao lý (Giám đốc Bệnh viện, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng phòng Tài chính kế toán), đây thực sự là cú sốc tâm lý đối với đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, viên chức Bệnh viện khi liên tục phải làm việc với Thanh tra Chính Phủ, C03 để làm rõ các thông tin liên quan đến các hoạt động liên doanh, liên kết tại Bệnh viện trong thời gian dài từ 2007 đến nay.

Công tác thanh kiểm tra hoạt động liên doanh, liên kết dẫn đến nhiều máy móc, thiết bị tạm ngừng hoạt động, trong đó có hệ thống máy SPECT, PET/CT và hệ thống máy Gamma phục vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân ung thư tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu của Bệnh viện, các bác sĩ phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở y tế khác (Bệnh viện K, Bệnh viện 108...); Đây cũng là khó khăn, là trăn trở của các bác sĩ điều trị nơi đây.

Dù lãnh đạo Bệnh viện đã rất quan tâm, Hội đồng quản lý đã ra nghị quyết dành 157 tỷ để mua sắm các thiết bị thay thế để phục vụ bệnh nhân, tuy nhiên quy trình mua sắm, đấu thầu thiết bị đầu tư lớn cần nhiều thời gian, kết quả nhân viên vẫn chưa có máy móc để tác nghiệp, bệnh nhân còn phải tiếp tục chờ thiết bị, máy móc chữa bệnh.

Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)